Sông Bạch Đằng có vị trí quan trọng không chỉ trong giao thông mà còn mang dấu ấn sâu đậm trong suốt chiều dài lịch sử, văn hoá ngàn năm qua của dân tộc Việt Nam. Việc Khu di tích lịch sử Bạch Đằng vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, thêm một lần nữa tôn vinh dòng hùng giang này...
Sông Bạch Đằng có nguồn chính chảy từ sông Lục Đầu, có các chi mạch từ Đông Triều về gặp sông Giá và sông Đá Bạc, chảy xuống dưới rồi đổ ra biển bằng hai cửa: Dòng chính dài khoảng 20km, đổ ra cửa Nam Triệu, xưa gọi là cửa Bạch Đằng. Hai chi lưu là sông Chanh dài khoảng 18km, đổ ra ở cửa Lạch Huyện và chi lưu sông Rút (còn gọi là sông Nam) dài khoảng 16km, hợp với dòng chính đổ ra cửa Nam Triệu.
Trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi từng mô tả: “Sông Vân Cừ (tức sông Bạch Đằng) rộng 2 dặm linh 69 trượng, sâu 5 thước, núi non cao vót, nước suối giao lưu, sóng tung lên tận trời, cây cối lấp bờ, thật là nơi hiểm yếu”. Tên Vân Cừ được giải thích là bởi khi nước triều lên có gió bắc thổi, hoặc nước triều xuống có gió nam thổi, dòng sông cuộn lên những con sóng lớn bạc đầu như mây trắng (Vân Cừ). Ngoài ra, sông Bạch Đằng còn có tên gọi khác là sông Rừng, ngày nay vẫn còn tên bến Rừng, phà Rừng trên đường sang Hải Phòng. Người Quảng Yên trước đây từng lưu truyền câu “Con ơi, nhớ lấy lời cha/ Gió nồm, nước rặc chớ qua sông Rừng” để nói lên sự hiểm yếu của sông là vậy.
Theo GS Đào Duy Anh, con sông Chanh ngày nay chính là sông Bạch Đằng xưa
Về lịch sử dòng sông, trong cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời (NXB Thuận Hoá, 1997), tác giả, nhà sử học Đào Duy Anh, đã phân tích, chứng minh và đưa ra nhận định rằng, do hậu quả của những thay đổi của sông Hồng phía trên sông Lục Đầu diễn ra âm thầm hàng trăm năm, thế nước của sông Giá và sông Bạch Đằng đã suy yếu thì thế nước của sông Đá Bạc, tuy cũng yếu đi nhưng nhờ có nhiều suối ở các núi huyện Yên Hưng (TX Quảng Yên ngày nay) đổ vào nên lại tương đối mạnh hơn dòng sông Giá. Nước sông Đá Bạc mạnh hơn đã xô nước sông Giá khi vào ngã tư xuống thẳng phía nam và làm cho dòng sông ra cửa Nam Triệu to lên nhiều mà được người ta nhận lầm là dong chính của sông Bạch Đằng. Sông Bạch Đằng cũ theo dòng sông Chanh đã nhỏ dần đi như sông Giá, một phần lòng sông đã thành bãi sú, chỉ còn dải nước nhỏ ở giữa. Dòng Bạch Đằng cũ trở thành lòng sông nước lớn của sông Chanh. Chỗ đào được cọc lim (tức bãi cọc Yên Giang) chính là nằm trong lòng sông Bạch Đằng xưa. Thế là sông Bạch Đằng, chỉ khúc sông từ ngã tư trở đi đã thay đổi mà tên sông đã được chuyển âm thầm sang cho một khúc sông khác và tên cửa Bạch Đằng đã được đồng nhất với tên cửa Nam Triệu có từ trước - nhà sử học Đào Duy Anh kết luận.
Với ba lần là chiến trường, chứng kiến những thắng lợi to lớn của quân dân Đại Việt chống giặc phương Bắc vào các năm 938 - Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, năm 981 - Lê Hoàn đánh thắng quân Tống và đặc biệt là năm 1288 - Trần Hưng Đạo lại áp dụng chiêu thức “đóng cọc nhọn” đánh thắng oanh liệt quân Nguyên Mông, sông Bạch Đằng có lẽ là con sông oai hùng được sử sách ghi chép, thi phú ngợi ca nhiều nhất Việt Nam. Nhiều tác phẩm thi ca, tiêu biểu là phú Bạch Đằng Giang của Trương Hán Siêu thời Trần được ví như một áng thiên cổ hùng văn trong lịch sử văn học yêu nước Việt Nam, một áng văn chứa chan niềm tự hào dân tộc, có ý nghĩa tổng kết lại chiến thắng Bạch Đằng thời bấy giờ.
Năm 1835, vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh bằng đồng đặt ở Thế Miếu trong kinh thành Huế. Nhà vua đã cho chạm 9 dòng sông tiêu biểu của Việt Nam lên Cửu đỉnh (gồm các sông: Bến Nghé, sông Hương, sông Gianh, sông Mã, sông Lô, Bạch Đằng, Thạch Hãn, sông Lam, sông Hồng), trong đó sông Bạch Đằng được chạm lên Nghị đỉnh. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), sông Bạch Đằng lại được triều đình nhà Nguyễn liệt vào hàng sông lớn, được chép trong điển thờ, hàng năm sai quan sắm lễ vật đến tế thần sông, coi Bạch Đằng như dòng sông thần giữ nước của dân tộc./.
Đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, lâu năm
Đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm
Bồi hoàn nếu chất lượng không đúng
Nhiều ưu đãi giá tốt cho khách hàng
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420