logo-dulich24

Bình Liêu

Bình Liêu
 

Cẩm nang du lịch Bình Liêu 2024 chi tiết, mới nhất

 
Nhắc đến du lịch Bình Liêu là du khách sẽ nghĩ ngay tới những đồi cỏ bông lau, những cột mốc biên giới và đồng bào các dân tộc bản địa hiền hòa, mến khách.
 
 

Giới thiệu du lịch Bình Liêu

Là một huyện miền núi biên giới thuộc tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu cách Hạ Long khoảng 100km và cách hà nội khoảng 250km. Bình liêu là điểm du lịch độc đáo của Quảng Ninh, tại Bình Liêu khí hậu ôn hòa quanh năm, nền nhiệt độ se lạnh, với phong thiên nhiên tươi đẹp với núi đồi, hoa nở bốn mùa. vì thế Bình Liêu được du khách ví von là một Sa Pa thu nhỏ.

Cỏ bông lau nở trên những sườn núi ở Bình Liêu.
Cỏ bông lau nở trên những sườn núi ở Bình Liêu.

Thời điểm du lịch Bình Liêu

Mùa xuân (Tháng 3-4):

Nếu bạn thích khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, Vòa khoảng tháng 3 hàng năm, Bình Liêu trong tiết trời xuân, cảnh quan Bình Liêu trở nên mê hoặc bởi sắc hoa nở trên khắp các con đường, bờ suối.

Những cụm hoa trẩu trắng tinh khôi lấp ló dưới tán lá xanh, thoảng hương thơm ngát thu hút du khách đến chụp ảnh và cảm nhận tiết trời xuân của Bình Liêu.

Mùa lúa chín (Tháng 9-10):

Khoảng thời gian giữa tháng 9 và dầu tháng 10, là lúc Bình Liêu vào vụ lúa chín chính vụ, Những thửa ruộng bậc thang ở Bình Liêu đồng loạt được phủ màu vàng của lúa chín rộ, Những cánh đồng ruộng bậc thang trải dài với những dải lúa óng vàng, tạo nên một bức tranh tuyệt vời của Bình Liêu.

Đến Bình Liêu vào khoảng thời gian này, bạn có thể cảm nhận rõ vẻ đẹp rực rỡ của Bình Liêu, bạn sẽ chụp được những bức ảnh siêu đẹp với những thửa ruộng bậc thang uống lượn như những con sóng, bám vào các sườn đồi, trải rộng khắp một vùng.

Mùa hoa cỏ lau (Tháng 11-12):

Đây là khoảng thời gian đẹp nhất để du lịch Bình Liêu, bởi vì khoảng thời gian nay là mùa cỏ bông lau nở trắng trời bình liêu. Khắp các sườn đồi, đi đâu bạn cũng bắt gặp cỏ bông lau, cỏ bông lau nở trắng trời, tạo ra một cảnh quan siêu thực như trong chuyện cổ tích.

Đây cũng là thời điểm du khách nô nức đến với Bình Liêu, chinh phục các cột mốc biên giới, khám phá các đồi cỏ bông lau trải dài bất tận, nở trắng bung núi đồi. Bạn như lạc vào khu vườn cổ tích khi đến với Bình Liêu vào khoảng thời gian này.

Tháng 11 đến tháng 12 hàng năm là mùa cỏ bông lau nở rộ ở Bình Liêu.
Tháng 11 đến tháng 12 hàng năm là mùa cỏ bông lau nở rộ ở Bình Liêu.

Đi đến Bình Liêu

Từ Hà Nội: đường đi đến bình liêu khá thuận tiện, bạn có thể đi cao tốc để đến Bình Liêu. Bạn có thể tự lái xe đến Bình Liêu hoặc lựa chọn xe khách tại bến xe với giá 180.000 VNĐ/ Khách.

Từ Tp Hồ Chí Minh: Bạn có thể đặt chuyến bay đến Nội Bài rồi sau đó đi xe chung chuyển đến Bình Liêu. Sân bay gần Bình Liêu nhất là sân vay vân đồn, tuy nhiên số chuyến bay từ Tp HCM đến Vân Đồn khá ít, do đó bạn có thể lựa chọn phương án đi đến Nội Bài, sau đó đi từ Nội Bài đến Bình Liêu.

Điểm tham quan nổi bật

Bình Liêu không có nhiều thắng cảnh đẹp nổi tiếng như những điểm du lịch khác ở Việt Nam, những điểm du lịch nổi tiếng nhất bình liêu là chợ phiên, thác khe văn, đỉnh núi cao xiêm, đỉnh núi và điểm căm trại cao ly và đặc biệt nhất là các cột mốc biên giới.

Trong số những cột mốc tại Bình Liêu du khách thường lựa chọn chinh phục cột mốc 1297 hoặc 1305 vì đây là 2 cột mốc nổi tiếng được mệnh danh là thiên đường cỏ bông lau.

Du khách thường kết hợp chinh phục 2 cột mốc này và khám phá các đồi cỏ bông lau nở trắng vùng trời Bình Liêu.

Du khách chụp hình với cỏ bông lau.
Du khách chụp hình với cỏ bông lau.

Cột mốc 1305

Là vùng biên giới có gần 50 km đường biên giáp với Trung Quốc nên ở Bình Liêu hoạt động du lịch hấp dẫn dành cho du khách là check-in các cột mốc biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Có bốn cột mốc chính ở Bình Liêu được du khách thường nhắc tới là 1300, 1302, 1305 và 1327. Trong số này cột mốc 1305 là điểm checkin được du khách yêu thích nhất.

Du khách muốn checkin mốc 1305 hơn bởi vì cột mốc nằm ở vị trí cao nhất của Bình Liêu, trên đường đi là những cánh đồng cỏ bông lau trắng phủ kín 2 bên sườn dốc, khung cảnh bồng bềnh đẹp tựa như những bộ phim kiếm hiệp.

Khi tới nơi, đứng trên cột mốc bạn sẽ được thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên Bình Liêu hùng vĩ, thơ mộng.

Cột mốc 1305.
Cột mốc 1305.

Cung đường sống lưng khủng long đi đến cột mốc 1305.
Cung đường sống lưng khủng long đi đến cột mốc 1305.

Hướng dẫn đi đến cột 1305

Từ trung tâm  Bình Liêu -> xã Hoành Mô -> tới bãi gửi xe, sau đó bạn sẽ trekking khoảng 2km trên con đường tuần tra biên giới, từ đây bạn bắt đầu hành trình khám phá thiên đường cỏ lau và chinh phục cột mốc 1305.

Bạn sẽ trekking trên cung đường bê tông rộng hơn 1m với 2.000 bậc thang và lan can dây xích bảo vệ, trên đường đi có những đoạn đường giống như "Sống lưng khủng long" thách thức sức khỏe và sự bền bỉ của bạn.

Mặc dù phải mất gần 2h trekking để tới được cột mốc nhưng đổi lại, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời mà hiếm nơi nào có thể sánh kịp.

Dọc 2 bên đường đi, bạn sẽ được chứng kiến thiên đường cỏ bông lau nở bung, trắng trời dọc 2 bên sườn đồi, cảm nhận không khí trong lành tươi mát và tận hưởng sự hùng vĩ của thiên nhiên vùng biên giới.

Đặc biệt, khi bạn tới mốc 1305, bạn sẽ quên hết đi sự mệt mỏi, một cảm giác thiêng liêng tự hào, tình yêu đất nước dân trào là điều bạn sẽ nhớ mãi.

Cột mốc 1297

Cột mốc 1297 là một trong những cột mốc biên giới của Việt Nam, nằm ở xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Cột mốc 1297 là hệ thống gồm 5 cột mốc trong đó cột 1297 là cột chính và có 4 cột phụ được đặt tên là 1297/1, 1297/2, 1297/3, 1297/4. Cột mốc chính 1297 cách Bình Liêu khoảng 28km.

Để đi từ Bình Liêu đến cột 1297 khá thuận tiện vì là đường bê tông, đường có hơi dốc, nhưng bù lại cảnh quan 2 bên đường đẹp vì là cung đường biên giới nên xung quanh là núi đồi với tầm nhìn rộng, và thiên nhiên hùng vĩ.

Trên đường đi lên cột 1297, bạn sẽ được chứng kiến 2 bên đường là những cánh đồng cỏ lau bạt ngàn, hoa cỏ lau nở trắng dọc theo suốt tuyến đường bạn đi, khung cảnh giống như chốn thần tiên có thật trên hạ giới.

Cỏ bông lau gần khu vực cột mốc 1297.
Cỏ bông lau gần khu vực cột mốc 1297.

Hướng dẫn đi đến Cột Mốc 1297

Từ trung tâm Bình Liêu -> cửa khẩu Hoành Mô -> bản Ngàn Chuồng -> ngã ba đường biên phòng -> địa phận xã Bắc Xa ->  Mốc 1297. Để dễ hình dung hơn, bạn nên bật google map hoặc hỏi đường người dân để được hướng dẫn chi tiết hơn.

Du khách chinh phục cột mốc 1297.
Du khách chinh phục cột mốc 1297.

Đỉnh Cao Xiêm

Nằm án ngữ giữa biên giới và biển trời vùng Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh ở độ cao 1.429 mét so với mực nước biển, thuộc địa phận xã Lục Hồn huyện Bình Liêu. Đỉnh Cao Xiêm được mệnh danh nóc nhà của Quảng Ninh.

Đỉnh núi sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ và thơ mộng, nếu bạn là người ưa thích leo núi thì Cao Xiêm đang là điểm đến lý tưởng của nhiều đoàn phượt ưa mạo hiểm khi đến Bình Liêu.

Du khách chinh phục đỉnh Cao Xiêm, nóc nhà của Quảng Ninh.
Du khách chinh phục đỉnh Cao Xiêm, nóc nhà của Quảng Ninh.

Săn mây đỉnh Cao Ly

Núi Cao Ly còn được biết đến với tên gọi núi Cô Đơn, dãy núi Cao Ly trải dài trên diện tích 40km2, bao gồm 8 đỉnh núi có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, cách thị trấn Bình Liêu khoảng 18km về phía Đông.

Núi Cao Ly có địa hình đa dạng và thường xuyên xuất hiện mây, sương mù nên được ví như chốn bồng lai. Đây là những điều kiện lý tưởng cho hành trình dã ngoại, thưởng cảnh với hoạt động leo núi, trekking, săn mây và cắm trại qua đêm.

Ngoài ra, từ tháng 10 trở đi cũng là thời gian lý tưởng để ghé thăm Cao Ly. Du khách sẽ trải nghiệm săn những biển mây bồng bềnh vào khoảng 5h sáng hoặc vào buổi chiều muộn khoảng 17h chiều.

Đỉnh núi Cao Ly là nơi du khách yêu thích cắm trại và trekking.
Đỉnh núi Cao Ly là nơi du khách yêu thích cắm trại và trekking.

Thác Khe Văn

Thác Khe Vằn cách trung tâm Bình Liêu khoảng 12km, đường đi đến thác khá thuận tiện và dễ đi, bạn có thể lái xe hoặc thuê taxi đi đến địa điểm này. Thác Khe Vằn bắt nguồn từ dãy Khe Vằn, nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển và được coi là thác nước lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh.

Với chiều cao ấn tượng gần 100m, nước chảy từ đỉnh cao cùng những bọt nước tung bay trắng mịn, thác Khe Vằn là điểm du lịch thiên nhiên lý tưởng cho du khách, đặc biệt là những ngày nắng nóng, ngột ngạt, oi bức.

Để đến thác Khe Vằn bạn cần di chuyển đến UBND xã Húc Động, sau đó đi khoảng 3km sẽ đến thôn Khe Vằn. Sau đó bạn sẽ cần gửi xe tại điểm đỗ xe và đi bộ tiếp 15p là đến chân thác.

Con đường đi bộ này sẽ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách khi bạn được chứng kiến những thửa ruộng bậc thang và khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Thác khe văn nhìn từ trên cao.
Thác khe văn nhìn từ trên cao.

Chợ Phiên Bình Liêu

Bình Liêu có hai khu chợ nổi tiếng nhất là chợ trung tâm thị trấn Bình Liêu và chợ Đồng Văn. Trong đó chợ lớn nhất là chợ trung tâm huyện Bình Liêu. Chợ Đồng văn thì nhỏ hơn và nằm ở địa phận xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu.

Chợ Trung tâm Bình Liêu là chợ phiên có từ lâu đời, trước kia các phiên chợ chỉ họp vào các ngày lẻ, hiện nay các phiên chợ họp cả tuần để đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương.

Phiên chợ ngày chủ nhật hàng tuần là đông vui nhất, nếu đến đây vào đúng ngày chủ nhật thì du khách sẽ bắt gặp một không khí sôi động, người bán, kẻ mua tấp nập, cùng với sắc màu rực rỡ bởi những trang phục của đồng bào dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ bày bán sản vật địa phương.

Nói chung các khu chợ ở Bình Liêu không bán các món Thắng Cố như ở Hà Giang hay Bắc Hà, nhưng bạn có thể tìm thấy những món ăn độc đáo như bánh đúc, phở canh, khau nhục, bánh cooc mò, bánh ngải… thơm ngon làm nên một nét rất riêng của chợ phiên Bình Liêu.

Đồng bào bản địa mua bán tại chợ phiên ở Bình Liêu.
Đồng bào bản địa mua bán tại chợ phiên ở Bình Liêu.

Lưu trú tại Bình Liêu

Bình Liêu không có nhiều cơ sở lưu trú, bạn không có nhiều lựa chọn vì các cơ sở lưu trú ở Bình Liêu chủ yếu là Homestay của người bản địa.

Du khách đến với Bình Liêu thường ưu tiên chọn lưu trú tại các Homestay của đồng bào bản địa, vì du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của Đồng Bào đại phương, khám phá nét sinh hoạt hàng ngày của người dân và tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên.

Những Homestay này cung cấp chỗ nghỉ trong phòng cộng đồng với giá từ 50.000 VNĐ/ Khách hoặc có các phòng riêng cho 2 người giá tầm 200.000 VNĐ/ phòng.

Cơ sở vật chất và dịch vụ của Homestay đáp ứng các yêu cầu ngủ, nghỉ, ăn uống cơ bản của du khách. Đồ ăn được phục vụ tại các Homestay cũng khá ngon.

Ở Trung tâm thị trấn Bình Liêu cũng có một số nhà nghỉ và khách sạn tiêu chuẩn địa phương, tuy nhiên vị trí sẽ không được gần gũi với thiên nhiên như các Homestay trong các bản làng.

Gợi ý một số Homestay cho bạn tham khảo tại Bình Liêu

  • Hoa Sở Homestay Bình Liêu
  • Homestay Bình Liêu – Cao Ly
  • A Dào Homestay Bình Liêu
  • Homestay Bình Liêu – homestay Hải Oanh
  • Sông Mooc Homestay
  • Hoằng Sằn Homestay Bình Liêu
  • A Píu Homestay
  • Tuyết Chung Homestay
  • Thành Homestay Bình Liêu
  • Homestay Trưởng Ngố

Món ngon Bình Liêu

Gà đen

Gà đen Bình Liêu có nguồn gốc từ giống gà của người H’mông, người dân của Bình Liêu nuôi loại gà đen này ở các xã, như: Đồng Tâm, Tình Húc.

Giống gà đen ở Bình Liêu nổi tiếng săn chắc, thơm thịt, nó có thể dùng để chế biến ra vô số món ngon từ hấp, luộc, nướng với mật ong rừng... Mỗi món đều có hương vị riêng khó cưỡng, thịt gà màu đen chắc thịt ăn vào bổ dưỡng.

Lẩu gà đen Bình Liêu.
Lẩu gà đen Bình Liêu.

Cá suối: cá suối cũng là món ăn phổ biến và được yêu thích ở Bình Liêu. Loài cá suối có thân hình nhỏ, kích thước chỉ bằng ngón tay, tuy nhiên thịt lại chắc, ăn rất ngọt và thơm.

Cá suối được người dân Bình Liêu chế biến thành nhiều món ngon, nhưng phổ biến nhất là chiên giòn với dầu của hoa sở vàng, một loại hoa phổ biến ở Bình Liêu.

Món cá suối chiên ăn ngon nhất là khi vừa chiên xong, còn nóng hổi, chấm nước mắm hoặc xì dầu, thịt cá giòn tan, bạn có thể ăn cả sương cá.

Cá suối chiên giòn ở Bình Liêu.
Cá suối chiên giòn ở Bình Liêu.

Quả Trám: Trám đen là loài cây nổi tiếng của bình liêu, mỗi cây trám ở đây có khi tuổi thọ đến cả trăm năm và chỉ ra quả vào 1 mùa trong năm khoảng tháng 7 đến tháng 8.

Trám đen hình thoi, khi mang đi chế biến sẽ cảm nhận được vị bùi bùi, các món ăn phổ biến với trám đen là Xôi Trám, Cá kho trám, Thịt kho trám ...

Xôi Trám.
Xôi Trám.

Bánh Coóc Mò: Coóc mò là tên một loại bánh truyền thống của người Tày. Trong tiếng Tày, “mò” có nghĩa là bò, vậy nên bánh coóc mò là bánh sừng bò.

Nguyên liệu chính để làm món bánh này là gạo nếp, lạc đỏ và muối. Gạo nếp phải là loại gạo nếp ngon, hạt tròn đều, để đảm bảo hương vị thơm ngon của bánh thành phẩm.

Bánh được gói bằng lá chít, thường bánh sẽ được làm có nhân hoặc không nhân. Loại không nhân khi ăn chấm cùng mật mía hoặc mật ong tăng thêm độ ngọt, loại có nhân thường là thịt lợn.

Bách Cooc mò của người Tày, Nùng ở Bình Liêu.
Bách Cooc mò của người Tày, Nùng ở Bình Liêu.

Bánh Ngải: Bánh ngải cứu là món bánh truyền thống của dân tộc Tày, loại bánh này trước đây thường chỉ được dùng trong các lễ hội mừng cơm mới, ngày tảo mộ, ngày lễ Tết hay những ngày lễ quan trọng của dân tộc Tày.

Ngày nay bánh ngải được sử dụng hàng ngày, bánh ngải có vị thơm của ngải cứu non, ngọt bùi của nhân bánh, dẻo thơm của gạo nếp, bánh có tác dụng rất tốt cho sức khỏe.

Bánh ngải.
Bánh ngải.

Bánh Tài Lồng Ệp: tên bánh khá lạ lẫm với nhiều người, nhưng đây là món ăn phổ biến và là đặc sản của người Sán Dìu.

Bánh có thể được gọi bằng nhiều tên khác nhau như là bánh "Tày Nồng Ệp", Bánh Tổ, Bánh Cấu hoặc có người gọi là bánh Tài Lộc.

Bánh tài lồng ệp cũng như các món ăn khác của người Sán Dìu, chúng được yêu thích cũng vì rất dân dã, dễ ăn và ngon miệng.

Bánh tài lồng Ệp của người Sán Dìu ở Bình Liêu.
Bánh tài lồng Ệp của người Sán Dìu ở Bình Liêu.

Củ Cải Khô: món ăn này ở Bình Liêu còn được gọi với tên khách là Củ Cải Phên, là món ăn truyền thống, đặc sản riêng có ở Bình Liêu. Theo người dân địa phương, củ cải phên là món ăn truyền thống có từ lâu đời, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Trước kia, khi người dân địa phương trồng nhiều củ cải, nhưng ăn không hết, vì thế họ đã nghĩ ra cách bảo quản là thái nhỏ củ cải, thêm muối vào và đem phơi khô để ăn dần.

Món củ cải khô bắt đầu từ đó, lúc đầu chỉ được sử dụng bởi người dân, sau này món ăn phổ biến và được sản xuất để cung cấp ra thị trường.

Củ cải khô muối chua Bình Liêu.
Củ cải khô muối chua Bình Liêu.

Mật Ong Bình Liêu: Bình Liêu có diện tích rừng nguyên sinh rộng lớn, nuôi ong lấy mật đang là một trong những nghề giúp người dân Bình Liêu thoát nghèo.

Mật ong rừng Bình Liêu là loại mật ong tinh khiết, được ong thợ tạo ra sau khi thu thập phấn từ các loại hoa trên rừng và là sản phẩm OCOP 3 sao của Quảng Ninh đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Mật ong Bình Liêu hiện được khai thác từ hai nguồn là từ ong tự nhiên và từ ong nuôi tại thôn khe bản. Về chất lượng của hai loại mật này tương đương nhau, bởi mật đều được ong lấy nguồn thức ăn từ rừng tự nhiên.

Mật ong rừng Bình Liêu là sản phẩm OCOP 3 sao của Quảng Ninh.
Mật ong rừng Bình Liêu là sản phẩm OCOP 3 sao của Quảng Ninh.

Vỏ Quế: Quế là loại cây nổi tiếng của Bình Liêu, được trồng quy mô lớn trên những cánh rừng ở vùng Hoàng Mô hay Đồng Văn, đây là giống cây công nghiệp mang đến giá trị lớn, giúp cho người dân Bình Liêu thoát nghèo và làm giàu bền vững.

Vào dịp tháng 05 hàng năm, những cánh rừng tại Bình Liêu lại rộn ràng tiếng cười nói của đồng bào đi thu hoạch Quế vì đây là thời điểm chính vụ Quế.

Vỏ Quế được khai thác tại Bình Liêu được cung cấp làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tinh dầu, các sản phẩm y tế... ngoài ra quế của Bình Liêu cũng được dùng làm nguyên liệu cho nhiều món ăn ngon.

Người dân thu hoạch Quế ở Bình Liêu.
Người dân thu hoạch Quế ở Bình Liêu.

Miến dong Bình Liêu: Đến Bình Liêu sẽ gặp bạt ngàn những cánh đồng trồng dong riềng, mùa hoa cây trổ sắc vàng cam trông hết sức đẹp mắt. Với nguồn nguyên liệu dồi dào và chất lượng, người dân Bình Liêu đã sản xuất ra loại miến dong đặc sản của riêng Bình Liêu. Nghề làm miến dong cũng là một nghề giúp người dân Bình Liêu làm kinh tế, cải thiện thu nhập và thoát nghèo.

Lịch trình gợi ý

Ngày 01: Hà Nội - Bình Liêu - Mốc 1297 - Mốc 1300

Sáng: Bạn khởi hành đi Bình Liêu.

Trưa: Đoàn đến Bình Liêu, nghỉ ngơi dùng bữa trưa với đặc trưng địa phương.

Chiều: Bạn khởi hành đi chinh phục Mốc 1297 được mệnh danh là thiên đường cỏ lau,
checkin, chụp hình lưu niệm tại đây. Tiếp thep đoàn chinh phục Mốc 1300 với cảnh đẹp Matcha Hills ấn tượng.

Tối: Đoàn trở về thị trấn Bình Liêu nhận phòng khách sạn, tắm rửa, nghỉ ngơi. Sau đó đoàn dùng bữa tối.

Ngày 02: Mốc 1305 - Sống Lưng Khủng Long - Hà Nội (Ăn Sáng, Trưa)

Sáng: Bạn ăn sáng, sau đó tiếp tục hành trình Chinh Phục Sống Lưng Khủng Long nơi có Cột mốc 1305 Nằm trên đường tuần tra biên giới Bình Liêu. Cột mốc 1305 là một trong hai mốc giới nằm ở vị trí cao nhất trên thực địa Quảng Ninh.

Trưa: Đoàn ăn trưa tại nhà hàng, nghỉ ngơi.

Chiều: Đoàn lên xe khởi hành về Hà Nội.

 

Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.

 

Tour du lịch nổi bật

Xem tất cả (3)
- 5 % 1,690,000 1,590,000 VND
 

Vì sao nên chọn chúng tôi

8 Năm kinh nghiệm

Đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, lâu năm

Tư vấn chuyên nghiệp

Đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm

Cam kết chất lượng

Bồi hoàn nếu chất lượng không đúng

Ưu đãi giá tốt

Nhiều ưu đãi giá tốt cho khách hàng

 

Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420

 
 
 

Xem thêm về Bình Liêu