Một thời hoàng kim
Người Hà Nội dù ở đâu cũng thích hoa. Hoa tỏa hương trong những ngôi nhà cổ kính, khoe sắc bên quang gánh của các cô hàng hoa, trên tay của các thiếu nữ… Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, khi bài hát ngọt ngào Mùa xuân, làng lúa làng hoa của nhạc sĩ Ngọc Khuê cất lên: “Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa/ Hồ Tây đôi bên, trong tình yêu hoa lúa rộn ràng”, kí ức về hoa Ngọc Hà lại ùa về, khiến bao trái tim hoài cổ rung lên thổn thức.
Cái tên Ngọc Hà từ lâu đi vào thơ ca, nhạc, họa với bao thân thương, trìu mến: "Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát/ Hoa Ngọc Hà thơm ngát gần xa/ Hỏi người xách nước tưới hoa/ Có cho ai được vào ra chốn này?". Hay: "Ngày rằm đi chợ mua hoa/ Phải chờ thấy gánh Ngọc Hà mới mua". Chỉ từng ấy thôi cũng đủ thấy Ngọc Hà quan trong nhường nào trong đời sống tinh thần của người dân đất Thăng Long - Kẻ Chợ.
Tìm đến làng Ngọc Hà vào một ngày cuối thu, những mong gợi lại trong ký ức xa xăm của các cụ nơi đây hình ảnh chân thực nhất về một làng hoa và cuộc sống của những người suốt đời vun trồng cái đẹp. Tuy nhiên, các bậc cao niên từng gắn bó máu thịt với nghề trồng hoa giờ cũng chỉ còn lác đác như lá mùa thu.
Theo sử sách còn ghi chép lại, ở mạn nam Hồ Tây, chỉ cách bờ hồ tầm một con đê, vốn là bức tường bao phía bắc Hoàng Thành Thăng Long, làng hoa Ngọc Hà ra đời ở ngay trên khu vườn thượng uyển của các vị vua cuối triều Lý. Người xưa đã lấy tên của dòng Ngự Hà chảy qua khu Ngự Uyển này đặt tên cho làng là Ngọc Hà như ngày nay
Cụ Trần Nguyên Bộ, một người trồng hoa lâu năm kể, người dân Ngọc Hà xưa kia trồng đủ các loại hoa đẹp cung cấp cho những người sành chơi ở đất kinh kỳ. Ngày ấy, qua khỏi đình Ngọc Hà, hai bên bờ dậu nhà nào nhà nấy đã chi chít hoa tươi. Đến Ngọc Hà là lạc vào “xứ hoa” với bạt ngàn sắc thắm nào là hồng, cúc, lan, nhài… tới những thứ xưa hiếm và lạ như făng-xê, lay-ơn, vi-ô-lét, loa kèn, cẩm chướng... Dù đi trên con đường trục hoặc các nhánh đường xương cá của làng, đâu đâu cũng thấy toàn hoa là hoa.
Buổi sáng, khi sương đêm còn ướt đẫm trên những nhành hoa, mọi người đang chìm sâu trong giấc ngủ, đường làng Ngọc Hà đã rộn vang bởi tiếng gọi nhau í ới của các cô hàng hoa đi chợ sớm. Trên cách đồng hoa ven Hồ Tây, tiếng trò chuyện của những người nông dân đang xới đất, tưới hoa, vun gốc, nhặt cỏ…vang động cả một vùng. Chủ đề trong các câu chuyện của họ bao giờ cũng là hoa: nào là những giống hoa mới nhập, là giá hoa hôm nay, là kỹ thuật chăm sóc cây giống, kinh nghiệm hãm hoa, ghép cành... Có lẽ đấy là thời kỳ hưng thịnh nhất của làng hoa Ngọc Hà.
Dân Ngọc Hà xưa khắt khe trong chọn giống hoa. Hoa trà, địa lan, mẫu đơn là hoa quý, được trồng rất nhiều ở đây. Có gia đình trồng hàng trăm chậu trà, địa lan, thủy tiên. Chỉ những người biết thưởng thức và có điều kiện chơi mới nổi mua các thứ hoa thuộc dạng “quý tộc” này.
Có gia đình lại chỉ chuyên trồng và bán độc một loại hoa. Trồng hoa không những là một nghề để kiếm sống mà còn là một thú chơi tao nhã của bà con nơi đây. Người làng Ngọc Hà vẫn có thói quen giữ lại cho mình những chậu hoa đẹp nhất để thưởng lãm sau những giờ lao động vất vả.
Hoa Ngọc Hà phục vụ cho cuộc sống của người dân đất kinh kỳ từ lễ hội, ma chay, cưới hỏi, cúng lễ và cả ngày bình thường. Những ngày giáp Tết, người Hà Nội có thói quen rủ nhau lên Ngọc Hà ngắm hoa và mua hoa. Ngày ấy, làng hoa còn là địa điểm được trai thanh gái lịch đất Hà Thành chọn lựa để hò hẹn, thề nguyền và bao mối tình đẹp đã đơm hoa kết trái từ nơi đây.
Mảnh đất bao đời là chốn hương sắc bậc nhất của đất kinh kỳ này đã sản sinh ra những người con gái nổi tiếng xinh đẹp, nết na, chăm chỉ. Hoa Ngọc Hà đẹp, các cô gái Ngọc Hà đi bán hoa cũng thật tao nhã, duyên dáng với áo tứ thân, tóc vấn đuôi gà, má đỏ hây hây, răng đen hạt huyền uyển chuyển gánh hàng hoa len lỏi khắp phố phường Hà Nội.
Mảnh đất bao đời là chốn hương sắc bậc nhất của đất kinh kỳ này đã sản sinh ra những người con gái nổi tiếng xinh đẹp, nết na, chăm chỉ. Hoa Ngọc Hà đẹp, các cô gái Ngọc Hà đi bán hoa cũng thật tao nhã, duyên dáng với áo tứ thân, tóc vấn đuôi gà, má đỏ hây hây, răng đen hạt huyền uyển chuyển gánh hàng hoa len lỏi khắp phố phường Hà Nội.
Đặc biệt, những ngày Thủ đô chìm trong khói lửa chiến tranh, hình ảnh các cô gái Ngọc Hà duyên dáng, dũng cảm chiến đấu với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, còn in đậm trong kí ức của nhiều người. Dáng vẻ yêu kiều của một cô gái đang tưới hoa bên xác chiếc máy bay B.52 rơi ở hồ Hữu Tiệp trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 mà nhiếp ảnh gia Văn Bảo xuất thần ghi lại được là minh chứng rõ nét nhất cho vẻ đẹp tinh khôi và phẩm chất anh hùng của người con gái làng hoa
Tên gọi của miền kí ức
Nhắc tới cái tên Ngọc Hà, tưởng như vẫn thấp thoáng ẩn hiện một mùi hương, nhưng kì thực hình ảnh trong trẻo ấy đã không còn hiện hữu ngoài cuộc sống thường nhật nữa. Những mảnh vườn bốn mùa xanh ngát, tỏa hương bởi sắc tím của vi-ô-lét, sắc thắm của hoa hồng, sắc vàng của hoa cúc… còn chăng chỉ là hoài niệm
gọc Hà ngày nay không còn vương lại chút dấu tích gì để người ta nhận ra đây từng là một trong những làng hoa cổ nổi tiếng bậc nhất của đất kinh kỳ xưa kia nữa. Không ít người Hà Nội vẫn nuối tiếc, xót xa khi nhớ về một làng hoa nức tiếng, giờ đây chỉ còn ngát hương trong tâm thức.
Cái vòng xoáy của thương mại và cơ chế thị trường diễn ra thật khủng khiếp, trách sao hoa Ngọc Hà cứ mai một dần theo thời gian, sao người làng Ngọc Hà cứ bán dần đất trồng hoa để xây biệt thự. Đường nhựa thay thế cho đường làng lát gạch, siêu thị nhà cao tầng thay thế cho những cách đồng hoa. Theo người dân nơi đây, làng hoa bắt đầu suy tàn khi Hợp tác xã rau hoa giải thể và đất được giao về cho các hộ gia đình vào thập niên 90 của thế kỉ trước.
Người nông dân bao đời gắn bó với nghề trồng hoa nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Những cái tên như Nguyễn Văn Lùn, Trần Nguyên Bộ, Trần Minh… được người dân Ngọc Hà nhắc tới trong niềm tự hào, kính trọng bởi họ chính là những viên ngọc quý còn sót lại của một thời hoàng kim xưa.
Họ và con cháu của họ đang tiếp tục ươm trồng cho những chồi non nảy nở, vẫn bám trụ với cái nghề công phu nhọc nhằn mong gìn giữ một thú chơi tao nhã của vùng đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Làng hoa Hà Nội đã lùi xa, rất xa. Hết rồi Ngọc Hà, Đại Liên, Nghi Tàm, Nhật Tân, Quảng Bá. Bây giờ là những cánh đồng hoa ở Tây Tựu, Mê Linh, ở Văn Giang bên kia con sông Hồng; Hoa từ Sa Pa về, Đà Lạt ra. Rồi hoa từ phía trời Âu đổ về Hà Nội. Hà Nội bây giờ “muôn hồng nghìn tía”. Càng thấy nhớ, thấy thương những “gánh hàng hoa” mộc mạc xưa kia và “gói hoa cúng” khiêm tốn trong cái rổ mẹ ta đi chợ về.