Các tác phẩm mỹ thuật đa dạng về thể loại, chất liệu, đề cao tính sáng tạo, nhưng đồng thời lại có tính ứng dụng vào sản xuất và tiêu dùng.
Chiều 20/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội đã diễn ra buổi khai mạc Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng toàn quốc thứ III (2009 - 2014).
Đây là một sự kiện văn hóa, được thực hiện theo định kỳ 5 năm một lần, do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, thuộc Bộ VH-TT&DL chủ trì tổ chức, phối hợp với các cơ quan hữu quan như: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội Thiết kế mẫu và sáng tạo mỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội làng nghề Việt Nam…
Từng được tổ chức lần thứ nhất vào năm 2004, triển lãm lần này đã là kỳ thứ 3 và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều nghệ sỹ, nghệ nhân, các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương trong cả nước.
Tác phẩm bộ bàn ghế độc đáo bằng kim loại được trưng bày tại triển lãm
Sự kiện năm nay thu hút 459 tác phẩm và bộ tác phẩm của 222 tác giả từ 13 tỉnh, thành phố gửi đến tham dự. Hội đồng nghệ thuật do Bộ VH-TT&DL thành lập đã lựa chọn được 189 tác phẩm và bộ tác phẩm của 119 tác giả để trưng bày tại triển lãm. Trong đó, có 27 tác phẩm được trao giải thưởng, gồm 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba và 18 giải Khuyến khích.
Các tác phẩm phong phú với các chất liệu khác nhau như mây tre, sơn mài, gốm, gỗ, giấy, kim loại, vải, lụa… Đồng thời, các tác phẩm còn đa dạng về thể loại như biểu trưng, bao bì sản phẩm, mẫu trang sức, trang phục, nội thất, trang trí, tạo dáng công nghiệp …
Tác phẩm "Bộ đèn cá" bằng gốm của tác giả Hoàng Vân Anh đoạt giải nhất ở kỳ triển lãm lần thứ III
Trong đó, hai tác phẩm là “Bộ đèn cá” bằng gốm và “Bộ Poster quảng bá sự kiện Liên hoan xiếc Quốc tế” ở thể loại đồ họa được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao và quyết định trao giải Nhất. Đó đều là tác phẩm được đánh giá cao bởi ý tưởng sáng tạo tốt, kỹ thuật thể hiện tinh xảo, khai thác tốt khả năng và vẻ đẹp của chất liệu, có tính ứng dụng cao trong sản xuất và tiêu dùng, thậm chí có thể được đưa vào để sản xuất hàng loạt.
Có những tác phẩm không chỉ mang tính trang trí mà còn có thể được đưa vào sản xuất hàng loạt cho người tiêu dùng
Họa sỹ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đồng thời là thành viên của Hội đồng nghệ thuật cho rằng: “Các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không chỉ có vai trò để làm đẹp, không đơn thuần chỉ có tính trang trí, mà còn góp phần vào đời sống kinh tế, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường như hiện nay ở nước ta. Tuy nhiên, tiêu chí đầu tiên để chúng tôi đánh giá các tác phẩm vẫn là tính sáng tạo, sau đó tới tính ứng dụng vào thực tiễn”.
Còn ông Lê Huy Văn, thành viên Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành trang trí đánh giá ở triển lãm năm nay, nổi bật là các tác phẩm thủ công mỹ nghệ đã được thực hiện một cách chuyên nghiệp hơn. So với triển lãm kỳ trước, có những tác giả còn được khách nước ngoài đến và đặt mẫu mới, đó là dấu hiệu tốt trong việc phát huy được vai trò ứng dụng thực tiễn của những tác phẩm mỹ thuật.
Một tác phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gỗ có tên "Mâm tứ linh hội tụ"
Bên cạnh đó, triển lãm cũng là dịp để công chúng, các nhà sản xuất, các doanh nghiệp, những người yêu thích và quan tâm đến lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm chọn lọc, có giá trị thẩm mỹ, có tính sáng tạo và khả năng ứng dụng trong đời sống, cũng như trong sản xuất, nhưng mang tính thân thiện với môi trường.
Triển lãm tuy chưa thể giới thiệu hết những thành quả, tinh hoa của mỹ thuật ứng dụng Việt Nam hiện nay, nhưng đã tập hợp được những sản phẩm - tác phẩm tốt, cho thấy khả năng sáng tạo, tài hoa, kỹ thuật tinh xảo và sự công phu, tâm huyết của các nghệ sĩ, nghệ nhân trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng.
Triển lãm sẽ kéo dài tới ngày 3/12./
Đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, lâu năm
Đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm
Bồi hoàn nếu chất lượng không đúng
Nhiều ưu đãi giá tốt cho khách hàng
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420