Đầu tiên vùng này là một nghĩa địa nên có am Vạn Linh thờ các vong hồn. Triều Tự Đức, am Vạn Linh được mở rộng thành chùa Tàu Mã. Sau đó, chùa được trùng tu vào các năm 1898, 1932. Năm 1953, giải tam quan được xây dựng và năm 1967 các tượng Phật của chùa Linh Sơn tại phố Nguyễn Trường Tộ bị ném bom nên được chuyển cả lên chùa Kim Sơn.
Chùa này gồm có những bộ phận sau: giải Ngũ Môn ở trước chùa 50m. Trong ngũ môn có treo 1 quả chuông đồng khá lớn và có đặt 1 pho tượng Phật. Mặt trước và sau ngũ môn đều có câu đối viết chữ quốc ngữ. Lại có cả 1 bia khắc bằng chữ quốc ngữ tên những người cúng tiến. Qua ngũ môn là một khu vườn trong có bể non bộ, 2 ngọn tháp và nhiều cây cau. Sau đó đến một sân gạch rồi đến chùa chính được bố cục ba phần tương đối độc lập. Chính giữa là toà tam bảo thờ Phật, bên phải là Vạn Linh đàn, bên trái là đền thờ Mẫu. Toà tam bảo được xây cao hẳn lên và thông sang Vạn Linh đàn và đền thờ Mẫu bằng 2 cửa ngách. Nóc đền thờ Mẫu và nóc Vạn Linh được đắp hình lưỡng long triều nguyệt. Nóc tam bảo thì chính giữa có đắp bảng ghi ba chữ Kim sơn tự, hai bên bảng là 2 con rồng. Trong tam bảo đắp nhiều bệ thờ thấp dần xuống.
Trên bệ thờ cao nhất là bộ tượng Tam thế, bệ thứ hai có tượng A Di Đà, bệ thứ ba có 4 pho tượng, 2 tượng Thích Ca ở giữa và hai bên là tượng Quan Thế Âm bồ tát và Đại Thế Chí bồ tát. Tiếp đó có toà Cửu Long với tượng Thích Ca xung quanh có đặt 12 tượng nhỏ. Sau đó đến án tiền, án ngoại và bệ ngồi tụng kinh làm lễ. Phía ngoài bên phải là bệ tượng Đức Ông trước mặt có 3 ngai thờ, bên trái là đức Thánh Hiền. Trên các bệ thờ, ngoài các tượng còn có nhiều đồ thờ như bát hương, lọ hoa, chân nến... Bốn tầng tượng Phật được trang trí bên trên bằng 4 cửa võng chạm trổ rất cầu kỳ. Trong tam bảo cũng có nhiều hoành phi câu đối và bia đá. Vạn Linh đàn ở bên phải toà tam bảo và trong đặt tượng Phật đem từ chùa Linh Sơn tới. Tượng được đặt trên các bệ. Tượng A Di Đà ở bệ trên cùng.
Tiếp đến là Quan Âm Bồ Tát và Quan Âm Đại Thế Chí. Rồi đến tượng Di Lặc ở tầng thứ ba. Tầng bốn có 2 tượng Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát. Tầng năm là toà Cửu Long nhưng không còn tượng Thích Ca. Tầng sáu là 2 tượng Nam Tào, Bắc Đẩu. Ngoài cùng là hương án thờ Phật với hai bên là 2 hương án thờ Vạn Linh. Ngoài ra trong Vạn Linh đàn cũng có hoành phi, câu đối, bát nhang, chuông, bia... Đền thờ Mẫu ở bên trái toà tam bảo. Phần hậu cung trong cùng đặt 1 khám thờ trong có 3 tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Bà Chúa Thượng Ngàn, Thuỷ Tinh Công chúa. Phía dưới khám gỗ có đặt 2 tượng nữ Thị vệ với nhiều bát nhang. Phần bên ngoài có hương án trên đặt 3 ngai thờ Hùng Vương ở giữa, hai bên là hai bệ thờ mỗi bên có 3 tượng nữ thị vệ và binh khí như long đao, kiếm. Phía sau toà tam bảo, Vạn Linh đàn và nhà Mẫu có nhà hậu để thờ các vị sư tổ trụ trì tại chùa Kim Sơn đã quá cố và cũng để cho sư ở. Cạnh nhà hậu là cổng hậu trông ra phố Kim Mã.
Trước kia cứ đến mồng 5 tháng giêng ngày giỗ trận, chùa Kim Sơn đều tổ chức tế vong hồn tướng sĩ Tây Sơn chết trong trận Đống Đa.
Chùa đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa năm 1985.
Chùa thuộc trại Kim Mã trong vùng Thập tam trại, xưa ở phía Tây thành Thăng Long, nay nằm ở góc phố Kim Mã - Giang Văn Minh. Xưa, vùng này là một bãi chiến trong chiến dịch Đống Đa lịch sử năm 1789. Nhiều liệt sĩ Tây Sơn được táng ở đây, dân làng lập Am Vạn Lịch thờ cúng người đã mất. Sau dựng thêm chùa Tàu Mã (chuồng Ngựa) ở bên cạnh am. Cuối thế kỷ 19, có cuộc thu gom hài cốt quanh vùng đưa về một nơi, đồng thời đổi tên chùa Kim Sơn. Quy mô chùa như ngày nay là sau lần trùng tu năm 1932. Giữa là chùa, bên trái là đàn Vạn Linh, bên phải là điện mẫu. Bài văn tế chiến sĩ trong trận vong của chùa ngày 5 tháng giêng hàng năm có đoạn “Đống Đa quyết chiến, Long Đỗ xung phong, biết bao công liệt, trong lúc chiến tranh đem thân giúp nước, nổi tiếng anh hùng”. Chùa còn 3 tấm bia ghi chép lịch sử chùa đều tạc dựng thời Nguyễn.
Đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, lâu năm
Đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm
Bồi hoàn nếu chất lượng không đúng
Nhiều ưu đãi giá tốt cho khách hàng
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420