Đó là con sông dài hơn 370km chảy dọc theo sườn Đông Trường Sơn rồi xuôi dần về phía Nam, qua địa phận các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên trước khi ra biển. Với cư dân trong vùng, dòng sông kỳ vỹ này không chỉ gắn bao kỷ niệm tuổi thơ mà còn là nơi mưu sinh trong suốt cả cuộc đời…
Hành trình từ nguồn ra biển của sông Ba là một câu chuyện dài. Từ độ cao hơn 1.500m trên đỉnh núi Ngọc Rô, dòng sông đưa nước ào qua nhiều thác ghềnh thượng nguồn, rồi xuôi Kon Plông (Kon Tum), Kbang, An Khê, Đak Pơ, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa (Gia Lai), Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy Hòa (Phú Yên) đổ nước ra biển Đông tại cửa sông Đà Rằng, nơi có cây cầu dài nhất miền Trung 1.512m.
Càng về hạ lưu lòng sông càng trải ra mênh mông với ba phụ lưu tiếp thêm nước là sông Ayun (thị xã Ayun Pa), Krông Năng (huyện Krông Pa) và sông Hinh (huyện sông Hinh). Qua rồi mùa mưa lũ hung hãn, những ngày cuối năm thời tiết bước vào mùa khô Tây Nguyên nên dòng sông trôi hiền hòa, phẳng lặng.
Những cánh đồng xanh non rộng dài đến ngút tầm mắt. Mía từ Kbang, qua An Khê, La Pa, xuống đến tận Krông Pa, rồi Sơn Hòa, Sông Hinh vẫn một màu xanh bạt ngàn. Những cánh đồng mì, thuốc lá cũng hối hả chạy đuổi theo như muốn neo giữ dòng sông...
Nếu như trong những năm tháng chiến tranh và cả nhiều năm sau ngày giải phóng, người dân lưu vực sông Ba còn nghèo đói thì nay chuyện đó đã là chuyện của quá khứ với sự xuất hiện của rất nhiều buôn làng trù phú bên sông suốt một quãng đường dài hàng trăm cây số. Buôn làng nào cũng đỏ ngói với hàng trăm ngôi nhà xây, nhà lầu, cả những ngôi nhà sàn truyền thống cũng là nhà xây kiên cố. Nhiều nhà có cả ô tô. Tất cả đều nhờ vào nguồn thu ổn định từ mía, mì, thuốc lá và chăn nuôi bò.
Dòng sông còn là chứng nhân một thời của bao nhiêu sự kiện và con người đã đi vào lịch sử như huyền thoại. Ba anh em nhà Tây Sơn dựng nghiệp nơi vùng thượng lưu sông: Tây Sơn thượng đạo; Vườn trầu, cánh đồng Cô Hầu, núi ông Bình, hòn đá ông Nhạc… và cả người phụ nữ Bahnar mà tên tuổi của bà luôn gắn liền với nghĩa quân Tây Sơn, bà Ya Đố cũng đã từng lên xuống đến nhẵn những viên đá bến nước bên sông…
Cũng trên vùng đất ấy, hơn 200 năm sau, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, những người cách mạng Gia Lai đã xây dựng vùng căn cứ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đưa cuộc kháng chiến đi đến thành công. Tuy thời gian đã xóa nhòa nhiều chứng tích chiến tranh song những câu chuyện bi tráng trong cuộc truy đuổi địch trên đường 7 năm xưa, quốc lộ 25 bây giờ, vẫn còn in đậm trong tâm trí của người dân nơi đây. Ngã ba Cheo Reo, đèo Tô Na, cầu Kà Lúi, thị trấn Củng Sơn… đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc.
Còn nữa những câu chuyện về làm du lịch, chăn nuôi đại gia súc, nuôi cá nước ngọt, trồng lúa xuất khẩu… luôn là đề tài cửa miệng của cư dân trong vùng. Dựa lưng vào núi nhìn ra dòng sông Ba kỳ vỹ, người ta có thể toan tính mọi điều mà dưới kia, dòng sông vẫn bình thản trôi xuôi…
carot,Đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, lâu năm
Đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm
Bồi hoàn nếu chất lượng không đúng
Nhiều ưu đãi giá tốt cho khách hàng
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420