Trong khoảng 10 năm trở lại đây, với phong trào đi phượt của các bạn trẻ, Hà Giang nổi lên như là một điểm đến yêu thích với những cung đường uốn lượn quanh co, những khúc cua tay áo thách thức tay lái, trên cung đường ấy những điểm du lịch đẹp nhất của Hà Giang lần lượt được khám phá và truyền tai nhau.
Những bức đẹp long lanh của ruộng bậc thang, cánh đồng hoa tam giác mạch, đèo Mã Pín Lèng, cột cờ Lũng Cú hay cuộc sống bình dị của bà con dân tộc thiểu số trong các bản làng… được lan truyền rộng rãi, dần dần đưa Hà Giang trở thành điểm đến nổi tiếng của Miền Bắc.
Giờ đây, mỗi dịp mùa lúa chín vàng những thửa ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì, hay những cánh đồng hoa tam giác mạch nở rộ trải dài bất tận trên Cao Nguyên đá Đồng Văn, du khách lại háo hức du lịch đến Hà Giang để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mảnh đất này.
Hà Giang cũng là nơi sinh sống của 22 dân tộc anh em với truyền thống tập tục lâu đời, ở Hà Giang hiện nay vẫn còn những bản làng giữ được nét đẹp nguyên sơ, đậm chất văn hoá bản địa, mang lại cho du khách những trải ngiệm khó quên.
Thiên nhiên hùng vỹ của Hà Giang.
Nếu ai đó hỏi du lịch Hà Giang mùa nào đẹp nhất ? thì có thể nói rằng tại Hà Giang mùa nào cũng đẹp, mỗi mùa lại có một vẻ đẹp riêng, và đều thoả mãn được đam mê khám phá, trải nghiệm của du khách.
Mùa lúa chín vàng: Kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, vào khoảng thời gian này những thửa ruộng bậc thang trên những đồi hoặc trong những thung lũng dưới chân đèo được phủ lên một màu vàng óng, khung cảnh đẹp như tranh vẽ.
Để ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín bạn nên đến Hoàng Su Phì, ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì được công nhận là di tích cấp quốc gia và lễ hội ruộng bậc thang Hoàng Su Phì tổ chức hàng năm vào khoảng thời gian này.
Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì, Hà Giang.
Mùa hoa tam giác mạch: Thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm, đến Hà Giang vào mùa hoa tam giác mạch bạn sẽ đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác, những cánh đồng hoa tam giác mạch đồng loạt nở rộ.
Hoa Tam Giác mạch được trồng nhiều trên những mảnh vườn, quả đồi khắp vùng cao nguyên đá đồng văn, để ngắm những cánh đồng hoa tam giác mạch đẹp nhất, bạn có thể tìm đến các khu vực sau: Phố Cáo, Lũng Cú, Sủng Là, Chân đèo Mã Pí Lèng, Thạch Sơn Thần.
Cánh đồng hoa Tam Giác Mạch ở Phố Cáo.
Mùa hoa và lễ hội: Vào mùa xuân hàng năm, từ tháng 1 đến tháng 3 dương lịch, Hà Giang tràn ngập sắc hoa, các loài hoa phổ biến ở Hà Giang gồm hoa mận, hoa đào, hoa cải vàng khoe sắc khắp nơi, ở bất cứ đâu trên cao nguyên đá bạn cũng có thể thấy được sắc hoa đi theo mình cả quãng đường dài.
Mùa này, các lễ hội truyền thống của các dân tộc được tổ chức rất sôi động, thu hút nhiều du khách, một số lễ hội đáng chú ý tại Hà Giang: Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Lễ hội Lập Tịnh của người Dao, Lễ hội Gầu Tào của người H’Mông.
Mùa thu hoạch hoa quả: diễn ra vào tháng 4 đến tháng 5, nhiều loài cây ăn quả như mận, táo, lê hồng được trồng phổ biến ở Hà Giang, vào những ngày hè bạn sẽ thấy bên đường rất nhiều những sạp hàng nhỏ trải các loại đào rừng, mắc cọp, mận hậu, hồng giòn… được bày bán.
Tại những phiên chợ du khách cũng được chiêm ngưỡng các cô gái người H’Mông, Dao… với những bộ trang phục truyền thống mang theo gùi quả để bán, bạn có thể mua những quả tươi ngọt ở đây với giá khá rẻ.
Từ Hà Nội, bạn chỉ có thể đến Hà Giang bằng đường bộ, đối với du khách ở phía Nam, có thể di chuyển đến Hà Nội, sau đó bắt đầu hành trình khám phá Hà Giang trên những chuyến xe khách hoặc xe du lịch nhỏ.
Cung đường đi lên Hà Giang rất đẹp, nhiều khách du lịch đã lựa chọn đi xe máy, ô tô tự lái để ngắm được hết sự hùng vĩ của núi rừng đông bắc.
Nếu không muốn tự lái xe, bạn có thể đặt vé xe giường nằm ở bến xe Mỹ Đình, mỗi ngày đều có nhiều chuyến khởi hành đi Hà Giang, bạn có thể theo 2 cung đường sau:
- Đi theo quốc lộ 2A, qua Vĩnh Phúc, Tuyên Quang - Hà Giang.
- Đi theo quốc lộ 21, qua Phú Thọ, Tuyên Quang - Hà Giang.
Khi lên tới Hà Giang bạn nên thuê xe máy để tiếp tục hành trình, có rất nhiều điểm thuê xe máy cho khách du lịch xuất phát từ thành phố Hà Giang.
Khi thuê xe, bạn nên chạy thử để kiểm tra xe chắc chắn an toàn thì mới thuê bởi vì đường lên cao nguyên đá Đồng Văn rất nhiều đoạn đường đèo nguy hiểm và khó di chuyển.
Đường đi lên Đồng Văn.
Những điểm tham quan đẹp nằm rải rác ở Tp Hà Giang, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, nên trong một hành trình bạn không thể tham quan hết được các điểm du lịch.
Thông thường một chuyến du lịch Hà Giang du khách sẽ chọn đi theo một trong các cung đường sau:
- Cung đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc, cung đường này là lựa chọn phổ biến của du khách vì sẽ đi qua nhiều điểm du lịch đẹp và nổi tiếng.
- Cung đường Yên Minh - Hoàng Su Phì: cung đường này phổ biến cho du khách yêu thích đi ngắm lúa và ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.
- Cung đường Hoàng Su Phì - Xín Mần - Đèo Gió - Thác Tiên
Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu chi tiết các điểm tham quan đẹp trên từng cung đường, cho bạn tham khảo.
Cột mốc số 0: là điểm check in đầu tiên của khách du lịch tới Hà Giang, sau 1 chuyến đi dài từ hà Nội, bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi ăn sáng, check in tại cộct mốc số 0 Hà Giang và Quảng trường Hà Giang ở ngay phía đối diện. Nếu tới đây vào đúng ngày quang mây du khách còn có thể ngắm cánh đồng ruộng bên dưới.
Cổng trời Quản Bạ: Sau khi khởi hành từ Tp Hà Giang đi khoảng 40km, cổng trời Quản Bạ là điểm dừng chân đầu tiên trên cung đường, bạn nên dừng tại đây để nghỉ ngơi, và ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ của núi rừng.
Sau khi rời cổng trời, bạn đi tiếp khoảng 4km sẽ tới Núi Đôi Quản Bạ, tới đây bạn sẽ được nghe kể về sự tích Cô Tiên, sự hình thành của núi đôi, tận hưởng không khí trong lành và ngắm nhìn những ruộng bậc thang đan xen giữa dãy núi trùng điệp.
Đứng từ trên cổng trời Quản Bạ nhìn ra xa bạn sẽ thấy một thôn làng xuất hiện giữa núi đồi, đó chính là Thôn Nặm Đăm, đây là thôn cư trú của đồng bào dân tộc Dao, thôn này có dịch vụ Homestay cho du khách muốn nghỉ nghơi và ăn uống.
Thôn Nặm Đăm đặc trưng bởi những ngôi nhà gỗ vách đất và mái ngói truyền thống nằm trải dọc theo thung lũng vô cùng nổi bật giữa rừng núi xanh ngát, bạn nên sắp xếp thời gian để ghé vào thăm quan thôn và nghỉ nghơi ăn uống trước khi đi tiếp hành trình.
Núi đôi Quản Bạ.
Rừng Thông Yên Minh: Rời cổng trời Quản Bạ, Tiếp tục hành trình đi lên Đồng Văn, bạn sẽ đi xuyên qua rừng thông Yên Minh. Cung đường Yên Minh kéo dài khoảng 50km từ Quản Bạ, bao quanh là rừng thông xanh bạt ngàn, mọc thẳng tắp hai bên đường.
Rừng thông Yên Minh.
Dốc Thẩm Mã: Điểm tiếp theo trên cung đường là con dốc độc nhất vô nhị có tên gọi là Dốc Thẩm Mã, con dốc này là điểm check-in lý tưởng của nhiều khách du lịch. Đoạn dốc nay gồm chín khúc cua uốn lượn quanh co như một chú rắn đang trườn về phía trước.
Người ta gọi là Dốc Thẩm Mã là vì xưa kia khi chưa có phương tiện để thồ hàng từ dưới xuôi lên, người dân phải dùng Ngựa để thồ hàng từ chân dốc đi lên, những con ngựa nào khỏe đi lên được tới đỉnh dốc thì sẽ được giữ lại, còn những con ngựa yếu sẽ bị thịt để làm thức ăn, do đó người dân gọi con dốc này là Dốc Thẩm Mã.
Dốc Thẩm Mã.
Phố Cáo: Là nơi sinh sống của 4 dân tộc, H’Mông, Pu Péo, Hán, và Dao cuộc sống nơi đây vô cùng phong phú với những phong tục tập quán của các dân tộc đan xen, con người nơi đây rất thân thiện và nồng nhiệt và hiếu khách.
Tới đây bạn có thể tham quan những cánh đồng lúa chín thơm ngát, đến chợ phiên để tìm hiểu, mua sắm các sản vật địa phương độc đáo ở Phố cáo.
Thung lũng Sủng Là: được du khách yêu mến ưu ái cho cái tên Bông hoa giữa cao nguyên đá, thung lũng Sủng Là thu hút khách bởi khung cảnh yên bình và những ngôi nhà đất truyền thống lấp ló đằng xa những cánh đồng hoa tam giác mạch dịu dàng.
Ở Sủng Là có Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm là điểm tham quan phổ biến cho du khách ghé thăm, bạn sẽ gặp tất cả nét đẹp của Hà Giang trong làng này, ở đây còn có một ngôi nhà được lấy làm bối cảnh của bộ phim "Chuyện của Pao", ngôi nhà giờ được dùng làm điểm checkin tham quan cho du khách.
Ngôi nhà đậm chất truyền thống với vách đất, hàng rào đá được xếp chồng lên nhau rất vững chắc. Ngôi nhà là tài sản của ông Mua Súa Páo, ông thuộc tầng lớp quý tộc xưa của đồng bào dân tộc H’mông, và có tuổi đời gần 100 năm.
"Nhà của Pao" trong Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm.
Thị Trấn Phó Bảng: nằm sâu bên trong thung lũng đá Tai Mèo, cũng chính là nơi sinh sống chủ yếu của người Hoa và người H’Mông. Thị trấn Phó Bảng rất yên bình và không có nhiều du khách đến tham quan, chính vì thế mà nơ đây vẫn là 1 thị trấn yên tĩnh và giữ trọn vẹn được nét đẹp vùng cao.
Phố cổ Đồng Văn: Điểm tham quan không thể bỏ lỡ trên hành trình đó là Phố Cổ Đồng Văn, bất cứ ai đến Hà Giang cũng sẽ không thể cưỡng lại sự hấp dẫn của phố cổ Đồng Văn. Nơi này vẫn giữ nguyên được sự cổ kính, và những nét truyền thống đặc trưng.
Có thể nói Đồng Văn chính là điểm tham quan đặc sắc nhất giữa vùng cao nguyên đá khô cằn, tại đây bạn có thể tìm thấy những ngôi nhà cổ đã tồn tại hàng trăm năm, có thể tham gia phiên chợ vùng cao nhộn nhịp, và thưởng thức những món ăn truyền thống khó quên.
Đến phố cổ Đồng Văn, bạn có thể thưởng thức tất cả các món ngon đặc trưng của Hà Giang như Cháo ấu tẩu, Bánh cuốn trứng, Thắng Dền, Thắng cố... bạn đừng bỏ lỡ trải nghiệm đi dạo ngắm Phố cổ, sau đó tìm một quán Cafe cổ kính nào để nhâm nhi và tận hưởng không khí mát mẻ trong lành.
Một góc trong khu Phố Cổ Đồng Văn.
Dinh Họ Vương: dinh thự này còn được gọi với cái tên dinh thự Vua Mèo, nằm trên đỉnh một quả đồi nhỏ ở Hà Giang, thuộc sỏ hữu của vua Mèo.
Dinh thự mang kiến trúc rất độc đáo và mới lạ khi đan xen kiến trúc của 3 nền văn hoá: Trung Quốc, H’Mông và Pháp. Dinh thự đã được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1993.
Ngay dưới chân dinh thự là phiên chợ Sà Phìn thường họp vào ngày Hợi và ngày Tỵ, nếu muốn kết hợp đi chợ phiên thì bạn nên căn ngày để tiện tham quan cả 2 điểm này.
Dinh thự Vua Mèo.
Cột cờ Lũng Cú: Bạn nhất định không được bỏ lỡ điểm tham quan này trên hành trình khám phá Hà Giang, đây là điểm tham quan thiêng liêng nhất của Hà Giang.
Cột cờ đánh dấu lãnh thổ Việt Nam trên mảnh đất giáp ranh giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Thật tuyệt vời và tự hào khi bạn đứng trên cột cờ và tận mắt thấy được điểm đầu tiên của đất nước.
Dưới chân cột cờ được người dân trồng rất nhiều tam giác mạch, đây cũng là nơi tam giác mạch được trồng nhiều nhất tại Hà Giang, đi vào các vườn tam giác mạch ở khu vực này bạn sẽ dễ dàng chụp được những bức hình siêu đẹp với thảm hoa đua sắc để khoe với bạn bè.
Ngoài ra Lũng Cú cũng là nơi duy nhất có đồng bào dân tộc Lô Lô sinh sống, bạn có thể nghỉ qua đêm tại đây để trải nghiệm nhiều hơn về văn hoá của người dân tộc Lô Lô với những ngôi nhà tranh vách đất, với những món ăn truyền thống vô cùng ngon và đáng nhớ.
Cột cờ Lũng Cú.
Làng văn hoá Lô Lô Chải: Trong thôn là các gia đình người Lô Lô sinh sống, hiện nay đa số những ngôi nhà trong thôn đã được sửa sang và phải đi đến tận cuối thôn mới thấy được vài ngôi nhà truyền thống với mái ngói, tường rào đất bao quanh nhà và tầng 2 để trữ ngô, sắn.
Làng này hiện nay đã được quy hoạch làm dịch vụ du lịch, có nhiều gia đình làm homestay để phục vụ du khách ăn nghỉ, nên nếu muốn trải nghiệm nét văn hoá độc đáo của người Lô Lô thì hãy lưu lại một đêm tại làng văn hoá Lô Lô Chải nhé.
Sông Nho Quế, Hẻm Tu Sản: Nước sông Nho Quế có màu xanh ngọc bích đặc trưng, bạn có thể lựa chọn đứng từ trên cao và ngắm nhìn dòng sông Nho Quế uốn lượn phía dưới, hoặc lựa chọn đi thuyền để theo dòng nước ngắm nhìn quang cảnh nên thơ 2 bên bờ sông.
Để cảm nhận hết vẻ đẹp của dòng sông Nho Quế, bạn nên mua vé đi thuyền trên sông, thuyền sẽ khởi hành từ bến và đưa bạn đi dọc sông trong hành trình khoảng 40 phút và dừng lại ở Hẻm Tu Sản để bạn chụp ảnh.
Hẻm vực Tu Sản trên dòng sông Nho Quế.
Đèo Mã Pí Lèng: hay còn gọi là con đèo Hạnh Phúc, đèo nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc. Mã Pí Lèng được liệt kê là 1 trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam.
Là con đèo khó đi nhất và đẹp nhất, 1 bên là vách núi sừng sững, 1 bên là vực thẳm, bởi vậy mà có rất nhiều phượt thủ đã chọn cầm lái chạy xe để trải qua những cung bậc cảm xúc vô cùng tuyệt vời.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì: Toàn huyện Hoàng Su Phì có hơn 3000 ha diện tích ruộng bậc thang, trong đó có 760 ha ruộng bậc thang được công nhận là di tích Quốc Gia, di tích này nằm trải dài trên 6 xã gồm Bản Lốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên.
Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì thường có quy mô rộng lớn, có độ dốc cao, các thửa ruộng uống lượn quanh co xung quanh những ngọn đồi, tạo nên khung cảnh đẹp như tranh vẻ, tuyệt đẹp.
Vào khoảng thời gian giữa tháng 9 đến hết tháng 10 hàng năm là thời gian lúa ở Hoàng Su Phì vào độ chín rộ, cả một vùng núi đồi bao la rộng lớn phủ một màu vàng óng ả của ruộng bậc thang, ngay khi bạn vừa bước chân tới, khung cảnh thần tiên sẽ hiện ra trước mắt bạn.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được công nhận là di sản Quốc Gia.
Đỉnh núi Chiêu Lầu Thi: Núi Chiêu Lầu Thi hay còn gọi là núi Kiêu Liều Ti, núi nằm cách trung tâm Hoàng Su Phì khoảng 40km. Đây là một trong những đỉnh núi lớn nhất của vùng Đông Bắc có phong cảnh rất hùng vĩ và hữu tình, nên nơi đây được rất nhiều du khách lựa chọn đến tham quan và “check in” trong chuyến du lịch Hà Giang.
Núi Tây Côn Lĩnh: là núi cao nhất của Đông Bắc Việt Nam, đỉnh núi là thượng nguồn của các dòng sông tại hà Giang. Lên Tây Côn Lĩnh, bạn sẽ được phóng tầm mắt và chìm đắm trong phong cảnh hữu tình, những cánh rừng trải dài ngút ngàn, nhưng ruộng bậc thang xen kẽ giữa những sườn đồi.
Thảo Nguyên Suôi Thầu: Với những người yêu thích vẻ đẹp của hoa tam giác mạch thì thảo nguyên Suôi Thầu là điểm đến lý tưởng để ngắm cánh đồng hoa tam giác mạch nở rộ vào cuối thu đầu đông, ngoài tam giác mạch tại đây còn có những ruộng bậc thang xen kẽ khiến bạn có cảm giác mình như lạc vào chốn tiên cảnh.
Thảo nguyên Suôi Thầu.
Khu du lịch Thác Tiên - Đèo Gió: khu du lịch này được công nhận là di sản thiên nhiên cấp quốc gia. Thác Tiên còn được gọi là Thác Đôi, ngọn thác ẩn mình sâu trong khu rừng nguyên sinh Đèo Gió, Thác Tiên được thiên nhiên ban tặng khunh cảnh hoang sơ, hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng.
Khu du lịch sinh thái Nậm An: nằm tại Bắc Quang, Hà Giang, điểm tham quan này có khí hậu rất mát mẻ bởi có sự điều hoà không khí của rừng nguyên sinh. Trong rừng có rất nhiều thác nước trong vắt và thảm thực vật nơi đây vô cùng phong phú.
Khu du lịch sinh thái lòng hồ thuỷ điện sông Chừng: hiện đang được đưa vào khai thác du lịch, cho phép du khách tham quan. Không gian, quang cảnh của khu du lịch rất yên bình và tĩnh lặng, rất phù hợp với những du khách muốn trở về với thiên nhiên, tạm xa rời sự ồn ào của phố thị.
Ẩm thực Hà Giang vô cùng đặc sắc, đa dạng, các món ăn mang đậm những nét truyền thống đồng bào các dân tộc nơi địa đầu tổ quốc.
Để chế biến ra những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc này, người dân phải làm rất nhiều công đoạn chế biến cầu kì để đưa tới thực khách. Dưới đây là những món ăn ngon phổ biến, du khách không nên bỏ lỡ.
Bánh tam giác mạch: Hoa tam giác mạch là loài hoa nổi tiếng nhất Hà Giang, nhưng có lẽ bạn không biết rằng đây chính là nguồn lương thực của đồng bào dân tộc nơi đây.
Tam giác mạch sau khi tàn hoa kết trái sẽ được thu hoạch hạt và chế biến thành những chiếc bánh tròn, dày, bánh rất thơm và có vị ngọt nhẹ.
Đến với Hà Giang, bạn hãy thử thưởng thức một chiếc bánh tam giác mạch nóng hổi, ngắm cánh đồng hoa và thả hồn theo gió né.
Cháo ấu tẩu: Ấu tẩu là 1 loại củ chỉ mọc ở trên núi đá Hà Giang. Sau khi thu hoạch người dân sẽ đem chế biến và thường nấu với gạo tẻ và chân giò để gia tăng dưỡng chất cho bát cháo.
Khi ăn cháo ấu tẩu, người dân thường cho thêm cả trứng gà, tiêu, hành… để giúp làm ấm người trong không khí lành lạnh của phố núi.
Cháo ấu tẩu.
Thắng dền: Gần giống như món bánh trôi bánh chay hàng năm người Kinh vẫn làm trong ngày tết Hàn Thực, món thắng dền được làm từ bột gạo nếp nương Yên Minh thứ gạo nổi tiếng với vị dẻo, thơm.
Khi ăn thắng dền sẽ được chan 1 chút nước đường hoa mai ngòn ngọt, thêm 1 xíu lạc rang bùi bùi rất hấp dẫn.
Bánh cuốn trứng: Bánh cuốn trứng Hà Giang được phục vụ với nước dùng hầm từ xương, khiến cho nước dùng có vị ngọt tự nhiên và rất nhiều dinh dưỡng.
Bánh được trộn lẫn với trứng và hấp trực tiếp, nên hương vị sẽ rất đặc biệt. Vị ngậy của trứng quện với vị bùi bùi dai dai của lớp bột vỏ tạo nên 1 hương vị rất khó quên.
Thắng cố: Bạn có thể bắt gặp món Thắng cố ở rất nhiều nơi trên vùng cao tây bắc, ở Hà Giang món này cũng rất phổ biến, món ăn được chế biến từ thịt và nội tạng ngựa để làm mồi nhậu cho những anh chàng H’Mông.
Ngày nay, do số lượng ngựa thịt ngày càng suy giảm nên người dân có xu hướng sử dụng nguyên liệu từ trâu, bò để làm thắng cố.
Để nếm thử hương vị vô cùng đặc biệt của thắng cố Hà Giang, bạn hãy tới chợ Đồng Văn để thưởng thức hương vị đặc biệt này nhé.
Thắng cố ở chợ Đồng Văn, Hà Giang.
Rêu nướng: Món rêu nướng là món ăn truyền thống của người dân tộc Tày ở Hà Giang, rêu được lấy từ những hòn đá trên suối, lựa chọn kỹ càng để chỉ lấy rêu non, sau đó làm sạch và đem đi nướng cùng với các loại rau gia vị: mùi tàu, xả, hẹ, rau dăm.. và muối.
Tất cả các nguyên liệu được trộn đều và gói trong lá dong đem đi nướng bếp than hồng, rêu ngon nhất là khi vừa nướng xong, vẫn còn nóng hổi, dưỡng chất của rêu sẽ giúp bạn thanh nhiệt và giải độc cơ thể.
Xôi ngũ sắc: món ăn này được chế biến từ gạo nếp nương rất thơm và dẻo, xôi được ngâm với các loại nước màu khác nhau để tạo nên 1 bát ngũ sắc vừa bắt mắt, vừa ngon miệng.
Nước màu cũng được làm hoàn toàn thủ công từ những nguyên liệu sẵn có an toàn như: lá gừng để tạo màu xanh lá, lá cơm đen để tạo màu tím, gấc dùng để tạo màu đỏ và nghệ dùng để tạo màu vàng cho xôi.
Xôi ngũ sắc - Đặc sản Hà Giang
Phở chua: phở chua ở Hà Giang được chế biến thủ công theo công thức riêng khiến bánh phở vừa mềm vừa dai, nước dùng sền sệt, chua chua ngọt ngọt được pha chế từ dấm, đường, và gia giảm gia vị cho vừa ăn.
Cơm lam: đây cũng là một món ăn phổ biến ở Hà Giang, những hạt gạp nếp tròn căng mẩy được cho vào trong ống nứa và bịt kín 2 đầu, sau đó sẽ được mang đi nướng trên than hồng.
Cách này cơm lam vừa dẻo, vừa chắc, ăn với muối vừng và ngắm cảnh Hà Giang hùng vĩ sẽ là 1 kỷ niệm khó quên.
Thịt trâu gác bếp: món ăn này được chế biến khá công phu, thịt tươi được làm sạch và ướp với những gia vị đặc trưng nhu mắc khén và ướp cho thịt ngấm đủ vị. Sau đó sẽ treo lên trần gác bếp để thịt từ từ ngấm hết gia vị và săn lại.
Khi ăn, bạn có thể ăn trực tiếp hoặc hấp qua cho thịt mềm ra, xé sợi và chấm với tương ớt.
Rượu ngô men lá: là một đặc sản nổi tiếng tại Hà Giang, được sử dụng từ men lá truyền thống, rượu được làm thủ công hoàn toàn từ ngô được người dân trồng trên cao nguyên đá.
Rượu ngô ở đây cũng rất đặc biệt, khi uống không làm cho người ta bị mệt hay khó chịu, rượu có mùi thơm nhẹ của ngô và vị ngọt dễ chịu.
Du khách tới Hà Giang đa phần muốn trải nghiệm và khám phá nét truyền thống của các bản làng dân tộc, vì thế du khách thường ưu tiên lựa chọn ở gần với người dân địa phương.
Dịch vụ Homestay ở Hà Giang phát triển rất mạnh, và đa phần du khách lựa chọn ở homestay kiểu nhà sàn, và ăn những món ăn truyền thống trong bữa ăn hàng ngày của người dân địa phương.
Các điểm tham quan ở Hà Giang khá cách xa nhau, do đó du khách nên lựa chọn đặt phòng ở gần tham quan cuối cùng trong ngày, để tiện nghỉ nghơi sau một chuyến đi dài và chuẩn bị sức khỏe cho hành trình mới vào ngày hôm sau.
Chất lượng chỗ nghỉ ở Hà Giang hiện được cải thiện rất nhiều so với trước đây, và cơ bản đáp ứng các tiêu chỉ ăn, ngủ, nghỉ ngơi cơ bản của du khách, cơ sở vật chất cũng khá tiện nghi, bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi đặt phòng.
Khung cảnh homestay LoLo Eco House.
Một số gợi ý khách sạn/homestay ở Hà Giang, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì cho bạn tham khảo:
- Khách sạn Phoenix Hà Giang
- Khách sạn Đinh Gia, Hà Giang
- Khách sạn Ong Vàng - Mèo Vạc
- Chúng Pủa Homestay Mèo Vạc
- LoLo Eco House, Mèo Vạc.
- H’mong Village, Quản Bạ.
- Nhà cổ homestay 1925, Đồng Văn
- Tớ Dày Du Già Village, Yên Minh
- Du Gia Homestay, Yên Minh
- Hoang Su Phi Lodge, Hoàng Su Phì.
- Ecolodge Pan Hou Village, Hoàng Su Phì
Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.
Phục vụ hơn 10.000 lượt khách mỗi tháng
Đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm
Bồi hoàn nếu chất lượng không đúng
Nhiều ưu đãi giá tốt cho khách hàng
Liên hệ: 0903 662 420