Lý thú nhất trong hành trình chinh phục danh thắng này là bạn sẽ có dịp lênh đênh trên hồ Nà Hang hữu tình, ngắm hình dáng lạ của núi Pác Tạ, thu vào tầm mắt 99 ngọn núi bao quanh thị trân Nà Hang thơ mộng.
Phần di chuyển sẽ bắt đầu từ Hà Nội, các bạn ở tỉnh khác chịu khó tham khảo thông tin tại các bến xe, ga tàu và đại lý vé máy bay tại địa phương.
Bạn có thể mua vé xe tuyến Hà Nội – Tuyên Quang tại bến xe Mỹ Đình hay đặt vé xe ở các hãng xe lớn chuyên phục vụ tuyến này như xe Sơn Hưng, xe Hưng Thịnh, xe Bảo Yến… Lưu ý phải xác định rõ điểm đến trước khi đặt vé.
Tuyên Quang cách Hà Nội 200km, khoảng cách tương đối đẹp cho một chuyến phượt cuối tuần hay cách dịp lễ. Hướng di chuyển được nhiều bạn chọn lựa cho hành trình này là: bến xe Mỹ Đình - Cầu Thăng Long - Phúc Yên - Việt Trì - Đoan Hùng - Tuyên Quang.
Lưu ý mang đầy đủ giấy tờ khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Tuân thủ luật an toàn đường bộ. Mang bao tay, khẩu trang, kính mát để an toàn khi vận hành. Trang bị điện thoại có chức năng google map để tiện di chuyển.
Các danh thắng tại Tuyên Quang thường khoác lên mình vẻ đẹp mới vào từng mùa nên bạn có thể sắp xếp thời gian đến đây vào bất cứ lúc nào miễn nó tương thích với tuỳ thuộc vào loại hình dịch vụ du lịch bạn chọn. Ví dụ nếu muốn khám phá thác Mơ, khu du lịch sinh thái Na Hang thì không nên đến vào mùa mưa (khó di chuyển, nước đục). Còn nếu đơn giản là nghỉ dưỡng ở suối khoáng Mỹ Lâm, thăm khu di tích lịch sử Tân Trào thì bạn có thể đến vào thời điểm bất kỳ.
Tân Trào là khu di tích lịch sử của cách mạng Việt Nam thời kỳ Cách mạng tháng Tám. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Tân Trào là thủ đô lâm thời của khu giải phóng, nơi Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành hội nghị toàn quốc ngày 13 tháng 8 năm 1945 để quyết định tổng khởi nghĩa. Ðại hội quốc dân đã họp tại đây ngày 16 tháng 8 năm 1945, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh bầu ra một chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm chủ tịch và quân giải phóng Việt Nam làm lễ ra quân.
Thác nước hùng vĩ phối hợp với khung cảnh núi rừng trùng điệp đang chờ đón những du khách ưa phiêu lưu, mạo hiểm. Đường vào thác Mơ tương đối thuận tiện. Từ xa đã nghe thấy tiếng nước đổ ào ào. Càng đến gần thác, khí hậu càng lạnh. Tới thác, du khách dường như đang bước vào chốn bồng lai tiên cảnh. Thác ẩn dưới chân ngọn núi mà dưới đó là một hồ nước trong veo. Du khách sẽ lên một con xuồng nhỏ để tới thác. Ngồi trên xuồng, du khách được dịp thư giãn, thoả sức ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên "núi ôm mây, mây ấp núi".
Suối khoáng Mỹ Lâm thuộc địa phận xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, cách thành phố Tuyên Quang khoảng 15 km, theo quốc lộ 37. Nguồn nước ngầm trong lòng đất này được nhà địa chất học người Pháp C. Madrolle phát hiện từ năm 1923, với nhiệt độ lên đến 67ºC. Có mạch nước nằm ở độ sâu hơn 150m, vì vậy, nước khoáng Mỹ Lâm rất trong và có thể uống. Với hàm lượng sulfuahydro trong nước khá cao, chiếm đến 5mg /lít, suối khoáng này còn được gọi với tên là “suối khoáng sulfua”. Đây còn được đánh giá là một trong số ít những mỏ nước khoáng tốt nhất tại miền Bắc nước ta. Như vậy, đã gần 100 năm sau ngày được phát hiện, nhưng nguồn nước nơi đây vẫn rất dồi dào
Nằm cách thị xã Tuyên Quang 4km, đền Cấm nổi tiếng là linh thiêng, sơn thủy hữu tình. Đền Cấm được xây dựng trên lưng chừng núi Cấm, thờ phụng Thánh Mẫu thượng ngàn. Núi Cấm là một đỉnh núi trong dải non ngàn trùng điệp chạy mãi qua Tân Long, Ba Xứ, trên cao có Cổng trời là một thắng cảnh đẹp được nhiều du khách biết đến. Cạnh đền một dải nước len lỏi qua những triền đá dốc.
Đèo Cổ Yểng có nhiều cung đường quanh co nguy hiểm, những khúc cua uốn lượn với khung cảnh tuyệt đẹp.... một bên là những dãy đồi thấp, phía sau những quả đồi đó là những dãy núi trùng điệp hùng vĩ, còn bên kia là dòng sông Gâm trong xanh hiền hòa lặng lẽ trôi theo dòng chảy và bên kia sông là núi non hùng vĩ cũng không kém bờ bên này. Ở mé giáp sông được trồng Keo để giữ đất chống sạt lở xói mòi và những hàng keo đó lam cho chuyến hành trình của bạn thêm màu xanh của cây cối.
Núi Pắc Tạ (trong tiếng Tày có nghĩa là "vú của trời") hay còn gọi là Núi Voi, là ngọn núi cao nhất huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, có dáng hình chú voi đứng bên nậm rượu. Sừng sững, uy nghiêm, thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây vờn bên hồ thủy điện Tuyên Quang, núi Pắc Tạ là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sỹ, du khách sáng tác thơ ca, hội họa và nhiếp ảnh.
Hồ Na Hang được ví như một “Hạ Long giữa đại ngàn”. Nơi đây có tới 99 ngọn núi quần tụ lại với nhau ở khu vực xã Thượng Lâm. Mỗi ngọn núi có một hình dáng khác nhau, tất cả in hình lên nền trời xanh, hòa lẫn với làn nước xanh thăm thẳm, khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước sự kì diệu của tạo hóa.
So với cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, ba tháng Người sống và làm việc tại Tân Trào là một khoảng thời gian rất ngắn. Nhưng chính từ căn lán đơn sơ trên khu rừng Nà Lừa, với những nhận định đúng đắn, những quyết sách kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng, Bác Hồ đã chỉ đường cho toàn dân vươn tới một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại. Từ bước ngoặt đó, dân tộc Việt Nam đã chấm dứt những ngày tháng nô lệ, bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do.
Đình được dựng năm thứ 4 triều Khải Định (năm 1919) vật liệu thuần gỗ, theo kiểu kiến trúc nhà sàn miền núi, ba gian, hai chái, mái lợp lá cọ. Phía trên 3 gian có một sàn lửng được chia làm hai phần: Thượng cung là nơi để đồ cúng tế, vọng cung để đồ tế khí. Sàn đình dùng làm nơi hội họp và ăn uống. Đình có kiến trúc đơn giản, nổi bật là các chữ triện tô mực đen ở các đầu dư, một số câu Hán văn ghi lại ngày tháng năm dựng đình trên các thượng lương và một số câu đối treo trước các cột
Trong Chiến dịch thu - đông năm 1947, Tiểu đoàn 42 dùng súng bazôca đã bắn chìm một pháo thuyền Pháp trên sông Lô và đánh lui một trận đổ bộ của chúng vào sáng ngày 13-10-1947, tiêu diệt 20 tên giặc, bảo vệ vững chắc cửa ngõ phía tây Việt Bắc, làm chủ con đường huyết mạch Bình Ca - Thái Nguyên, nối vùng tự do rộng lớn với nhau.
Khuôn viên của chùa Phúc Lâm nằm trên gò đất rộng khoảng 600m², hiện nay, trên nền cũ của ngôi chùa vẫn còn bình đồ kiến trúc khởi nguyên của nó. Nền móng có hình chữ Đinh, gồm hai đơn nguyên kiến trúc là toà Tiền đường và toà Thượng điện. Chùa Phúc Lâm ngoài thờ Phật còn thờ các vị thần bản địa, gắn bó trực tiếp với cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây. Đây cũng là một nét sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo tại một ngôi chùa vùng cao.
Đến Tuyên Quang vùng đất nổi tiếng là “miền gái đẹp” bạn không chỉ ấn tượng với cảnh núi non hùng vĩ, dòng sông Lô thơ mộng mà còn được thưởng thức các món ăn đặc sản núi rừng được chế biến bởi đồng bào dân tộc nơi đây mang hương vị rất riêng, độc đáo mà không nơi nào có được.
Cá bỗng để chế biến món gỏi phải là cá nuôi được 1,5-2 năm, trọng lượng đạt 2,5 – 3kg, thịt chắc. Thịt cá lọc ra ngâm trong nước được chế từ quả tai chua. Đặc biệt, món gỏi cá bỗng được chế biến theo cách của đồng bào địa phương rất ngon mà không cần tới thính gạo. Phần xương cá băm nhỏ, rang vàng, tán mịn rồi trộn đều với lạc rang giã rối, ăn cùng những lát cá thái mỏng kèm theo gia vị, rau thơm và các loại lá rừng như sung, sấu, vón vén… Để có được một bát nước chấm gỏi cá hấp dẫn, ngoài những gia vị quen thuộc như muối rang, hành củ nướng chín, tỏi, ớt, tiêu, chanh thì hạt dổi hay hạt xẻn là một trong những gia vị không thể thiếu khi thưởng thức món đặc sản này.
Gắp một lát cá bỗng trắng phau, lăn qua chút bột mịn vàng làm từ xương cá, thêm vài hạt lạc rang đem gói cùng rau rừng, chấm với nước gia vị sanh sánh có đủ vị chua, cay, ngọt, bùi, bạn sẽ cảm nhận được hương vị mát của thịt cá, vị bùi thơm từ xương băm, vị dai giòn từ bẹ chuối non, hòa quyện cùng hương vị chua, cay của chanh, ớt và rau rừng thấm sâu nơi đầu lưỡi rất khó quên.
Ai đã từng thưởng thức cơm lam nơi đây sẽ không bao giờ quên được hương vị dẻo thơm của nếp. Hương thơm, vị bùi của cơm dẻo, vị cay của gừng, vị ngọt của nước ống tre, vị thanh thanh lá chuối, mùi của khói bếp lửa thật quyến rũ. Cơm lam có thể ăn ngay hoặc để cả tuần mà vẫn mềm, ngon mà không bị hỏng, và có thể ăn cùng với nhiều thức ăn khác.
Được làm từ gạo nếp, nước gừng hoặc nước cốt dừa. Gạo nếp và nước được cho vào ống tre gai bánh tẻ, dùng chuối bịt kín lại rồi đốt. Cơm chín, gọt bỏ lớp tre cháy đen bên ngoài cho đến khi phần bao bọc ruột cơm chỉ còn lại một lớp mỏng. Khi ăn chỉ cần bóc bỏ lớp vỏ tre bên ngoài, giữ cả lớp màng ruột tre và chấm với vừng đen. Mùi nếp thơm quyện với nước cốt dừa, mùi ống tre bánh tẻ và vừng đen, cho cảm giác bùi, ngậy, thơm… Ở những vùng đồng bào dân tộc, ống tre được thay thế bằng ống giang, nứa; nước cốt dừa thay bằng nước gừng để tạo hương thơm.
Nói đến Tuyên Quang thì đừng quên món thịt trâu gác bếp .Thịt trâu ở vùng núi Tuyên Quang nổi tiếng là sạch và ngọt thịt. Khi trâu được mổ, lấy nguyên thịt nạc, dần cho mềm và ướp với tỏi, ớt, gừng, sả và những gia vị khác, sấy trên than củi hoặc hun khói trên gác bếp. Khi ăn, có thể cuốn thịt trâu khô với lá rau cải, chấm thêm với ma-gi, mù tạt, uống với bia.
Lợn đen được bà con người dân tộc tại các xã trên địa bàn huyện Na Hang, chăn thả tự nhiên, không sử dụng tăng trọng, lợn có trọng lượng từ 40 – 55kg .
Thịt lợn đen nổi tiếng với vị thịt thơm, săn chắc, khi nấu không có nước, bì giòn… Từ lợn đen, người Nà Hang đã chế biến thành những món ăn độc đáo như: Thịt lợn nướng riềng mẻ, thịt lợn nướng ngũ vị hương, thịt lợn xào lăn…
Thịt lợn muối chua là món ăn dân dã, mang đậm màu sắc ẩm thực của đồng bào dân tộc nơi đây. Được chế biến khá đơn giản từ lợn đen với những gia vị như lá giềng, lá quế, cơm rượu nếp, muối… Các loại gia vị trên phơi khô, giã nhỏ, cùng với rượu nếp cái ướp chung với thịt “Lợn tên lửa”, sau đó cho vào hũ lớn, cứ mỗi lớp thịt lại rải một lớp gạo rang rồi bọc kín, để trên gác bếp, khoảng 1 – 2 tuần là dùng được. Thịt được ướp lâu năm thường săn lại, màu nhạt hơn, khi ăn có độ giòn của thịt mỡ, độ dai sần sật của bì và thịt nạc. Ăn một miếng thôi cũng đủ cảm nhận được hương vị lạ và đặc biệt của món thịt này.
Thịt chua phải ăn kèm với lá lốt mới thưởng thức hết độ ngon của nó. Cái hương vị đậm đà của món thịt ướp muối lâu năm, có vị mặn đậm của muối, vị ngọt của thịt, vị chua của sự lên men lâu ngày cùng hương thơm đậm của lá lốt xanh. Tất cả hòa quyện thành một hương vị rất khó quên, ăn một lần thôi cũng khiến người ta nhớ mãi.
Món mắm cá ruộng là món ăn truyền thống, cũng vừa là một vị thuốc độc đáo của đồng bào dân tộc Tày Chiêm Hóa từ bao đời nay. Để làm ra một hũ mắm cá đòi hỏi khá công phu, phải mất 3 tháng nuôi cá ở ruộng và 10 tháng ủ men làm mắm, hương vị đặc trưng của thứ đặc sản này khiến cho ai đã từng một lần thưởng thức sẽ khó quên.
Mắm cá ruộng có rất nhiều cách thưởng thức. Ngoài dùng để chấm các loại thịt luộc, rau luộc, rau sống, bà con còn dùng để xào với trám om đã bỏ hột, sẽ có món ăn mang hương vị vô cùng độc đáo. Đặc biệt, mắm cá ruộng còn là vị thuốc giải rượu, giải độc rất tốt.
Đến huyện Chiêm Hóa, du khách sẽ không thể quên món bánh gai. Bánh gai được làm từ lá gai, gạo nếp, đỗ xanh, dừa tơi, mứt bí, hạt sen, dầu chuối, mỡ lợn. Muốn có chiếc bánh thơm ngon, phải chọn gạo nếp cái hoa vàng, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm, sau đó để ráo nước và xay thành bột. Lá gai phơi khô tước bỏ hết gân, thái nhỏ, đem luộc rồi vắt kiệt nước, xay nhuyễn, trộn với bột và mật mía làm vỏ bánh. Hương vị của lá gai quyện vào mùi thơm của gạo nếp với lá chuối khô, tạo nên hương vị rất đặc trưng.
Nổi tiếng khắp miền Bắc là loại măng lưỡi lợn đặc biệt của đất Tuyên Quang. Măng lưỡi lợn với thớ thịt dày, đặc, chắc và nhuyễn không có sợi xơ được các bà nội trợ ưu ái nhất.
Măng lưỡi lợn hầm với giò heo là món ăn đặc biệt không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền. Khi ăn, từng lát măng vàng mỡ màng, mềm mại nhưng giòn ngọt đậm đà bởi bao nhiêu tinh túy của núi rừng.Măng lưỡi lợn nấu chung với các loại thực phẩm khác tạo thành món ăn rất ngon như: măng hầm với nước luộc gà, măng hầm với sườn non, món vịt xáo măng. Hơn nữa, nhờ khử được mùi tanh, măng có thể nấu chung các món chim, cá tươi, cá chiên, thịt gia súc, gia cầm cho tới các loại muôn thú của núi rừng. Món canh măng hầm có thể ăn cùng với cơm hay bún đều rất ngon miệng.
Đến với những ngôi nhà sàn người Tày thuộc Tuyên Quang để thưởng thức những món ngon dân dã và độc đáo trong đó có món bánh nếp nhân trứng kiến.
Người ăn nếm từng miếng nhỏ để cảm nhận mùi vị thơm ngon của nếp, vị ngậy béo của nhân trứng kiến quyện lẫn hành và thì là. Tuy nhiên cũng có người vì nhạy cảm, thì có thể bị dị ứng khi ăn món bánh này giống như người bị dị ứng khi uống rượu ong.
Ở huyện Hàm Yên của Tuyên Quang có một thứ đặc sản mà ai đến đây cũng khó chối từ, đó là các món ăn chế biến từ vịt bầu Minh Hương. Vịt bầu, còn gọi là vịt suối có thể chế biến thành món luộc, quay, hấp hoặc om với sấu thì ngon không cưỡng nổi. Cũng là những con vịt có bộ lông màu xám, cũng gạo bao thai lùn nhưng miếng thịt lại ngọt ngào, béo ngậy.
Người dân ở đây nói rằng, vịt Minh Hương ngon là do được nuôi dưới suối. Con suối này dài hơn 10 km, bắt nguồn từ đại ngàn Cham Chu. Dòng suối trong mát quanh năm, dọc theo hai bên bờ suối, gia đình nào cũng nuôi vài chục con vịt bầu. Thức ăn cho vịt cũng đơn giản, ngoài cám, thóc, chủ yếu là tôm, cua, ốc bắt được dưới suối. Vịt bầu cái lông vằn, chân ngắn, con trưởng thành nặng 1,8 – 2kg. Vịt bầu đực đầu xanh biếc, nặng 2 kg.
Bánh cuốn Tuyên Quang phải được tráng bằng ba loại gạo phối hợp ngâm ủ trong đêm, đến sáng gạo được xay, khi nào có khách người làm mới tráng bánh, vậy nên bánh mới luôn mềm, dẻo nhưng vẫn giữ được độ dai và đặc biệt hơn cả là bánh phải mỏng. Nhân bánh ngoài việc cho mộc nhĩ, nấm hương, ruốc thịt hay ruốc tôm thì một số cửa hàng còn cho thêm một vài thứ gia vị “bí quyết nhà nghề” riêng.
Nếu ai đó đã có dịp thử các món bánh cuốn ở những vùng miền khác nhau sẽ thấy được sự khác biệt trong nước chấm của bánh cuốn Tuyên Quang. Nhiều người làm bánh cuốn Tuyên Quang cho hay, nước chấm của bánh cuốn Tuyên Quang phải là nước ninh xương, thứ nước ấy phải sánh, có vị đậm đà mà vẫn cho cảm giác “dịu ngọt” của xương hầm ở đầu lưỡi mỗi khi nếm thử. Nước chấm sẽ không thể ngon nếu thiếu gia vị như hạt tiêu, ớt, chanh, hành khô chao mỡ và một chút lá mùi thái nhỏ. Tất cả tạo nên một bát nước chấm chắc chắn không lẫn vào đâu được của món bánh cuốn nơi đây.
Rượu ngô Na Hang, bạn có thể cảm nhận được hương thơm vị mát lan tỏa khắp cơ thể. Rượu này phải nói là nặng độ , nhưng đảm bảo uống say cũng không đau đầu. . Nó ngấm vào từng đường gân, thớ thịt mà lần sau chỉ cần nghe đến tên thôi, bạn đã thấy khao khát được thưởng thức.
Để chưng cất được loại rượu có một không hai này, ngoài nguyên liệu chính là ngô thì chất gây men không thể thiếu là lá rừng. Men lá được pha chế từ hơn 20 loại thảo dược quý có tác dụng chữa lành vết thương, phong thấp, thấp khớp…
- Bất kỳ quần áo, trang phục nào bạn thích song tốt nhất vẫn là các trang phục gọn gàng, giày, dép bệt để trèo đèo, lội suối.
- Mang theo dụng cụ đi nắng nếu đến vào mùa nắng và dụng cụ đi mưa nếu đến vào mùa mưa.
- Mang theo kem chống muỗi, thuốc diệt côn trùng, thuốc trị các bệnh cơ bản.
- Mang theo lều, áo khoác mỏng nếu có ý định cắm trại.
Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn - Tuyên Quang
Hà nội – Tuyên Quang – Hà Giang
Hà nội – Tuyên Quang – Vĩnh Phúc
Hà nội – Tuyên Quang – Phú Thọ
Hà nội – Tuyên Quang – Yên Bái
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420
Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.