logo-dulich24

Tư vấn du lịch Đồng Tháp

Tư vấn du lịch Đồng Tháp
 
 

Tư vấn du lịch Đồng Tháp

Đồng Tháp là một tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ, có nền nông nghiệp phát triển, là vựa lúa lớn thứ ba của Việt Nam và đứng đầu cả nước về sản lượng nuôi trồng thủy sản. Là tỉnh có chỉ số tăng trưởng GDP cao và chỉ số về cạnh tranh kinh tế đứng thứ 2 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 4 cả nước trong năm 2011
 

GIỚI THIỆU DU LỊCH ĐỒNG THÁP

Điểm hấp dẫn của khu du lịch Đồng sen Tháp Mười chính là đến đây du khách sẽ được tận hưởng trọn vẹn bầu không khí êm dịu, thuần khiết được mang đến từ hương, sắc, vị của những cánh đồng sen bao la, bát ngát


Du lịch Đồng Tháp

DI CHUYỂN, ĐI LẠI Ở ĐỒNG THÁP

Đồng Tháp cách Sài Gòn 170km và cách Hà Nội 1.862km. Có thể đến Đồng Tháp bằng đường bộ hay hàng không, các bạn ở miền bắc và Trung lựa chọn phương tiện di chuyển tùy ý.

Từ Sài Gòn

Bạn có thể lựa chọn phương tiện công cộng để đến Đồng Tháp. Bạn có thể mua vé tại bến xe miền Đông hay của các hãng xe uy tín trên đường Lê Hồng Phong. Giá vé dao động từ 120.000 – 200.000 đồng, tùy chất lượng xe.

Xe Phương Trang. TP HCM -Sa Đéc ; TP HCM – Cao Lãnh.  Điện thoại : (08) 38375570, 08 38309309

Xe Mai Linh. TP HCM – Cao Lãnh. Điện thoại : 08 39393939

Xe Quốc Hoàng. Điện thoại : 08 39551472

Xe Phú Vĩnh Long: TP HCM – Sa Đéc, TP HCM – Cao Lãnh. Xe 15 chỗ.Tại TP HCM: (08)3866.0378 – 3866.0789 – 3868.6035 – 3868.6036. Sa Đéc: 56A Lê Thánh Tôn – P2 điện thoại (067) 386.7222 – 377.2999. Cao Lãnh: 52 Quốc lộ 30-P.Mỹ Phú điện thoại (067)387.4747 – 387.9797 và 136 Hùng Vương-P2 điện thoại (067) 387.7678.

Phương tiện cá nhân

Nếu khoảng cách tương đối, bạn hoàn toàn có thể phượt bằng xe máy hay xe con đến Đồng Tháp.

Nếu xuất phát ở Sài Gòn thì từ Q.6 (vòng xoay An Lạc) hay Q.7 (cao tốc Trung Lương), đều đến được QL 1A. Từ QL1A, chạy thẳng tới cầu Mỹ Thuận có ngã ba chỉ Đồng Tháp thì rẽ phải theo hướng đó, chạy khoảng 20km nữa qua thị trấn Lai Vung, gặp ngã ba lớn rẽ phải thêm 25 km nửa thì đến Cao Lãnh.

Lưu ý: khi di chuyển bằng xe cá nhân là mang đầy đủ giấy tờ, chấp hành đúng luật an toàn giao thông đường bộ.

Di chuyển ở Đồng Tháp

Đến Đồng Tháp các bạn có thể lựa chọn nhiều phương tiện đi lại như xe đạp,taxi, xe ôm…

Taxi: các hãng taxi Cao Lãnh: Taxi Phú Vĩnh Long : 0673 869222; Taxi Vinasa:  0673 866666; Taxi Thanh Tùng : 0673 877777;  Taxi Mai Linh Đồng Tháp : 0673 686868

Xe máy, xe ôm: Đây là phương tiện tiện lợi và cơ động nhất để đi lại. Bạn có thể liên hệ (hoặc thỏa thuận) với các khách sạn để thuê. Giá thuê dao động 120.000 – 200.000 đ/ngày. Giá xe ôm đi lại tại Đồng Tháp cũng tương đối rẻ tuy nhiên bạn vẫn nên thỏa thuận giá cả trước khi đi.

Xe lôi: là phương tiện đi lại rất phổ biến tại Đồng Tháp. Không chỉ người dân địa phương mà ngay cả những du khách gần xa đều thấy thích thú với phương tiện này.

Tàu, thuyền: Do đặc thù là vùng sông nước nên với một số điểm tham quan (khu di tích cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc; khu di tích Gò Tháp kỳ vỹ với 5 di tích tiêu biểu là Gò Tháp Mười, tháp Cổ Tự, mộ và đền thờ cụ Đốc Binh Kiều, gò Minh Sư, miếu Bà Chúa Sứ; Kiến trúc cổ Kiến An Cung; khu căn cứ Xẻo Quít bạn có thể đi xuồng.

NÊN DU LỊCH ĐỒNG THÁP VÀO THỜI GIAN NÀO

Sở hữu những con kênh hiền hòa, những cánh đồng bạt ngàn, hồ sen thơm ngát biến chuyển theo từng nhịp của thời gian nên Đồng Tháp mùa nào cũng đẹp.

ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN Ở ĐỒNG THÁP

1. Vườn quốc gia Tràm Chim


Vườn quốc gia Chàm Chim

2. Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng

Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng nằm trong khu vực rừng tràm thuộc ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cách trung tâm Tp. Cao Lãnh khoảng 17km. Đặc điểm: Khu du lịch này có 36ha sân chim với 15 loài chim cùng hàng trăm loài động thực vật và thuỷ sản.


Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng

3. Khu di tích Gò Tháp

Từ tên gọi Gò Tháp hay Gò Tháp Mười đã trở thành tên gọi Đồng Tháp Mười (ĐTM) đại diện chung của một vùng đất rộng lớn gần 8000 km2 thuộc vùng tả ngạn sông Tiền. Đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười là có vùng đất ngập lũ hàng năm rộng trên 4.500 km2. Đây chính là bồn trũng ven sông ở tả ngạn Tam giác châu của sông Mekong. Đối trọng với vùng ĐTM trong kiến tạo địa chất là vùng bồn trũng Tứ giác Long Xuyên ở hữu ngạn sông Hậu thuộc Tam giác châu sông Mekong.

​Nền tháp cũ xây dựng thời văn hóa Phù Nam ở Gò Tháp
Nền tháp cũ

4. Khu sinh thái rừng chàm Xẻo Quýt

Xẻo Quýt thuộc 2 xã Mỹ Hiệp và Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Xẻo Quýt - một căn cứ giữa lòng dân được bảo tồn nguyên trạng: nhà hầm, công sự, hầm bí mật... giúp cho du khách biết được khung cảnh của cuộc sống khắc nghiệt thời chống Mỹ.


Khu di tích lịch sử Xẻo Quýt

5. Văn thánh miếu

Du khách ngang qua đường Trần Phú ngày nay sẽ có dịp nhìn thấy cổng tam quan Văn Thánh Miếu màu vàng được xây theo lối cổ lâu, uy nghi với ba tầng mái lợp ngói đỏ và ba cổng hình vòm. Phía trên cổng chính có ba chữ Hán “Văn Thánh Miếu” và phía dưới là hàng chữ quốc ngữ, hai bên cổng chính có đôi câu đối bằng chữ Hán với nội dung: “Khổng môn truyền đạo thiên ban thượng / Thánh Miếu sùng văn vạn đại tôn.” (Nơi cửa Khổng, đạo lý truyền đi, ngàn lớp người kính nễ / Chốn miếu Thiêng, văn chương trọng vọng, vạn thế hệ suy tôn – Vietgle.vn)

​Cận cảnh cổng tam quan Văn Thánh Miếu – Ảnh: nguồn mytour.vn
Cổng tam quan

6. Khu di tích cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Khu Di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với diện tích 3,6 ha nằm cạnh ngay trong nội ô của TP. Cao Lãnh. Khu di tích là công trình ghi ơn cụ Nguyễn Sinh Sắc - nguời đã sinh thành ra vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam - chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình được xây dựng được khánh thành ngày 13-12-1977.


Khu di tích cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

7. Làng hoa kiểng Sa Đéc

Làng hoa Sa Đéc nằm ở thị xã Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp tại bờ Nam sông Tiền. Tương truyền, ngày xưa có nàng Psardek, con gái chúa đất họ Thạc, đã phải lòng một chàng trai nghèo. Phản đối mối tình này, cha nàng đã sai người trói chàng trai lại và thả trôi sông. Nàng Psardek buồn tình nên đã đi tu. Về sau, khi cha mất, nàng dùng tài sản của gia đình để làm việc từ thiện, tu bổ đường xá, xây cất chợ búa. Từ đó người ta gọi chợ và vùng này là Psardek. Lâu ngày đọc trại thành Sa Đéc


Làng hoa kiểng Sa Đéc

8. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê toạ lạc tại số đường Nguyễn Huệ , Phường 2, TX Sa Đéc. Nhà được ông Huỳnh Thuận(cha của Huỳnh Thủy Lê) xây dựng năm 1895 và được trùng tu năm 1917 . Ngôi nhà nầy có lối kiến trúc và trang hoàng hết sức độc đáo, nó thể hiện lối kiến trúc Đông Tây kết hợp


Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

9. Lai Vung

Đến xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành, huyện Lai Vung, bạn sẽ như lạc vào một thiên đường quýt hồng. Từ hơn 100 năm trước, quýt hồng đã được trồng ở xứ này. Nhờ khí hậu, nước, đất phù hợp, quýt hồng nơi đây luôn cho nhiều trái to, tròn, mọng nước hơn quýt những vùng khác


Vườn quýt hồng Lai Vung

10. Chùa Kiến An Cung

Chùa Kiến An Cung hay còn gọi là chùa Ông Quách tọa lạc tại phường 2, trung tâm thị xã Sa Đéc, là công trình văn hoá đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1990. Chùa do nhóm nguời Hoa ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) định cư tại Sa Đéc xây dựng để thờ cúng tổ tiên và dạy dỗ con cháu, khởi công xây dựng từ năm Giáp Tý (1924) đến mùa thu Đinh Mậu (1927) thì làm lễ khánh thành.


Chùa Kiến An Cung

11. Bảo tàng Đồng Tháp

Đến tham quan Bảo tàng Đồng Tháp du khách nhìn thấy những tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp. Đây là nơi có bề dầy lịch sử và truyền thống đấu tranh cách mạng, năm 1978 Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã quyết định chọn nơi đây để xây dựng cơ quan bảo tồn Bảo tàng tỉnh nhằm làm cho cụm di tích này trở thành nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.


Bảo tàng Đồng Tháp

12. Lễ hội Gò Tháp

Lễ hội Gò Tháp là lễ hội lớn và quy mô nhất Đồng Tháp, tổ chức mỗi năm 2 lần vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch. Từ 10 năm nay lễ hội Gò Tháp đã trở thành một lễ hội tầm cỡ ở các tỉnh Nam Bộ. Cứ mỗi độ lễ hội, dường như nhịp sống của người dân huyện Tháp Mười cũng khác đi, cũng hối hả, nhộn nhịp theo từng đoàn khách thập phương từ các nơi lũ lượt kéo về với đủ mọi phương tiện: tàu, ghe, xe lam, xe khách v.v.


Lễ hội Gò Tháp

ĂN GÌ? Ở ĐÂU

Không chỉ được tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên kỳ thú, tìm hiểu lịch sử qua một loạt các di tích như thế, đến đây, chúng ta còn có cơ hội được thử những món ngon đặc sắc đầy hương vị đồng quê.

Hủ tiếu Sa Đéc

Ngoài làng hoa Sa Đéc - món ngon Đồng Tháp nổi tiếng, nơi đây còn có món hủ tiếu được lòng bao khách đến, đi. Hủ tiếu Sa Đéc có nước dùng ngọt thơm xương heo, bánh hủ tiến dai, trắng tươi, mềm mịn.

Không chỉ có thịt heo, đầu bếp còn cho vào tô hủ tiếu thịt nạc băm, chả vàng, tim, gan, phèo... được làm kỹ, nóng hổi, ngon lành. Phía trên cùng là hành lá xắt nhuyễn với mấy cọng ngò xanh non. Đặc biệt, tô nào cũng có “tăng xại” - cải xắt nhỏ ướp hương vị đặc trưng của người Hoa.

Mỗi phần hủ tiếu được phục vụ kèm đĩa giò cháo quẩy, rau sống gồm giá, hẹ, cần tây và xà lách. Ngoài ra, còn có xì dầu, lọ ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Khi ăn, khách trộn tất những thành phần ấy lại rồi từ từ thưởng thức, sẽ thấy hủ tiếu Sa Đéc quả thật đáng đồng tiền bát gạo.

Bánh phồng tôm Sa Giang

“Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh/Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm”. Chính từ tôm cá thiên nhiên ban tặng, người dân Sa Giang, Đồng Tháp đã chế biến ra loại phồng tôm ngon bậc nhất. Cũng là bột, thịt tôm xay nhuyễn và một ít hạt tiêu giã nhỏ, cộng thêm vài thành phần nguyên liệu khác, nhưng phồng tôm Sa Giang - món ngon Đồng Tháp này vẫn cứ nổi bật và khiến người ta chú ý nếu đã thử qua một lần. Nó không bị cứng, dai mà trở nên giòn, xốp. Cắn một miếng, thấy tan trong miệng với hương tôm thơm, béo ngậy và cay cay rất tuyệt vời. Bánh phồng tôm ăn không cũng ngon, ăn chơi cùng các món gỏi càng đậm vị. Chẳng thế mà nó đã được quảng bá rộng rãi, có mặt khắp nơi và ngày nay còn trở thành một trong những mặt hàng thực phẩm xuất khẩu rất được ưa chuộng. Chơi Đồng Tháp, không mấy ai không mang theo về làm quà cho người thân, bạn bè món bánh dễ chế biến, ngon lành và dễ ăn này.

Chuột đồng, chuột cống nhum Cao Lãnh

Nghe nói đến chuột, hẳn nhiều người, đặc biệt là các chị em le lưỡi lắc đầu. Nhưng đến Cao Lãnh mà chưa ăn món này thì đúng phí cả chuyến đi. Bạn cứ nghĩ thịt chuột đồng, chuột cống nhum ở đây cũng như thịt ếch, thịt gà ở các nơi khác thôi, bởi nó cực kỳ nổi tiếng và phổ biến.
Chuột có nhiều cách chế biến khác nhau : chuột xào lăn, xé phay, chuột nướng, chuột xối mỡ, chiên rôti, luộc cơm mẻ, thịt chuột bằm nhỏ xào sả ớt gói với rau sống và bánh tráng… Mỗi món là một hương vị khác nhau nhưng tựu chung là ngon khỏi nói. Người ta vẫn quen với câu: “Cần chi cá lóc cá trê, thịt chuột thịt rắn nhậu mê hơn nhiều” là vì thế.
Người ta hay nướng chuột tươi trên than hồng bằng cách ướp tỏi và rượu đơn giản. Sau đó, cứ thế cho lên bếp đều lửa, nướng đến khi chín vàng là được. Chuột nướng xong cho vào đĩa có lót sẵn rau răm, rau thơm, dọn ra chấm với nước mắm dằm xoài hoặc muối tiêu chanh.
Cầu kỳ hơn một chút là chuột quay lu. Chuột làm sạch, ướp với một hỗn hợp gồm hơn chục loại gia vị khác nhau rồi cho vào lu quay đến gần chín thì quết thêm mật ong phía ngoài. Khi chuột vàng dậy, phồng lên là được.

Thịt chuột nướng lu ngon ngọt, cực kỳ thơm. Món này hợp nhất với rau càng cua trộn giấm và cà chua, chấm nước mắm dằm xoài sống, nhâm nhi với rượu thuốc hoặc mật ong.

Nem Lai Vung

Nem Lai Vung - món ngon Đồng Tháp làm từ thịt và bì heo như nhiều nơi khác. Cũng có các gia vị như tiêu, ớt, tỏi được bọc trong những lớp lá chuối xanh mướt, nhưng nem ở đây lại thơm ngon đặc biệt. Đến nỗi có câu ca dao cứ truyền đi như một niềm tự hào: “Lai Vung là xứ lạ lùng/ Nem chua mà ngọt, thơm nồng mà say”.Không phải là vùng duy nhất làm nem ở Đồng Tháp, nhưng Lai Vung tự tạo cho nó thành thương hiệu bởi duy trì được nghề nem truyền thống với những “bí kíp” riêng. Làng nghề này đã có trên 60 năm nay và ngày càng nổi tiếng.

Mỗi miếng nem là chắt chiu của bao nhiêu công sức người làm, qua các công đoạn phức tạp, nghiêm ngặt với tỉ lệ thịt, bì, gia vị riêng, đảm bảo cân đối, hài hòa. Vì thế, xưa kia, nem chỉ được làm khi nhà có tiệc, giỗ, lễ tết, cúng kiếng mà thôi.

Theo thời gian, nem Lai Vung theo chân người ra khỏi Đồng Tháp, đến với nhiều vùng đất và trở thành đặc sản mà ai khi đến đây cũng phải tìm mua để nếm, để làm quà, để lưu luyến vị chua chua, ngọt ngọt, cay nồng đặc trưng của nó.

Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non

Cá lóc phương Nam có mặt ở khắp các ao, đầm, lạch… nhỏ nhỏ nhưng thịt chắc, thơm là nguyên liệu tuyệt vời sáng tạo ra nhiều món ngon của người dân bản địa. Món ăn chất chứa tinh hoa của miệt sông nước, đậm chất Đồng Tháp là cá lóc nướng trui cuốn lá sen non.
Cá lóc tươi vừa bắt lên được làm sạch qua rồi cứ thế nướng sao cho cá chín đều, không bị khét cháy. Cá nóng hổi, cho ra khỏi bếp rồi xẻ làm đôi, rắc lên ít hạt đậu phộng rang, rưới  thêm chút mỡ hành. Cá ăn cùng lá sen non còn ngậm sương, cuốn chặt lại, tươi roi rói và nước mắm me.
Khi ăn, dùng lá sen để cuốn rau thơm, dưa leo, khế chua, giá đỗ, bún tươi cùng với cá lóc chấm cùng mắm me.
Giữa cảnh trời sông nước, cò bay, gió hát mà được thưởng thức vị ngọt ngon của thịt cá hòa cũng bùi bùi đậu phộng, beo béo mỡ hành, mướt mát rau thơm, và chua chua mặn mặn mắm me, cùng với mùi thơm mát lá sen quả như thời gian ngừng trôi. Chỉ một món ăn thôi, nhưng cứ như đang cảm nhận hết cả đất trời miệt vườn Nam Bộ vậy.

Khô cá lóc

Khác với món cá lóc nướng trui, cá lóc làm khô phải là những con to. Sau khi làm sạch, cá lóc được xẻ thịt, bỏ đầu, bỏ xương, ướp các loại gia vị: muối, ớt, bột ngọt… rồi đem phơi. Kỹ thuật phơi như thế nào thì người làm giữ riêng cho mình bí quyết.
Do vậy, khô cá lóc rất nhiều nơi có nhưng không phải chỗ nào cũng ngon được như ở Đồng Tháp.
Khô cá thường dùng để ăn dần. Dù để lâu nhưng hương vị thơm ngon thì không đổi. Người ta có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, nào chiên, nào nướng, thậm chí còn làm nên các loại gỏi như gỏi xoài, gỏi lá sầu đau… Cá lóc khô ăn cùng nước mắm me dằm ớt hay mắm xoài rất đưa cơm.
Món ăn dung dị thế thôi nhưng khiến người đi xa nhớ mãi, người mới ăn sẽ thèm khi nghĩ đến.
Ngoài ra, Đồng Tháp còn rất nhiều đặc sản khác chờ du khách đến và tự khám phá, đó là rượu sen, quýt hồng Lai Vung, quýt đường Hòa An, xoài Cao Lãnh, bánh xèo…

Mang gì khi đến Đồng Tháp?

+  Áo khoác, mũ, khẩu trang, kem chống nắng khi đến vào mùa nắng. Dụng cụ đi mưa, giày dép chuyên dùng nếu đến vào mùa mưa.

+  Mang theo kem chống muỗi và thuốc trị côn trùng cắn.

+  Mang theo các loại thuốc cơ bản.

+  Mang theo lều, túi ngủ, áo khoác nếu muốn cắm trại.

Các cung đường thường gặp:

+  Sài Gòn – Hà Tiên – Phú Quốc – Long xuyên – Châu Đốc

+  Bến Tre – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang …

+  Sài Gòn – Đồng Tháp – Long Xuyên – Rạch Giá – Phú Quốc

KHÁCH SẠN Ở ĐỒNG THÁP

Khách Sạn Sông Trà
Khách sạn Sông Trà

 

Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420

Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.

 

Xem thêm Tư vấn du lịch Làng hoa Sa Đéc

 

Bài viết nổi bật về Làng hoa Sa Đéc

 

Top khách sạn nổi bật ở Làng hoa Sa Đéc (1)

Maison en Bambou Phong-Le Vent
Maison en Bambou Phong-Le Vent
Sa Đéc
8.9 Rất tốt
 

Điểm du lịch liên quan

Làng hoa Sa Đéc

Làng hoa Sa Đéc

Thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp, Việt nam
Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Cao Lãnh - Đồng Tháp - Việt nam