Biệt diện Trần Lệ Xuân lúc mới xây dựng
Biệt điện Trần Lệ Xuân tọa lạc trên đồi Lam Sơn, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 3km, được khởi công xây dựng vào năm 1958 với diện tích khoảng 13.000m². Khu biệt điện từng là “đệ nhất trời Nam” này gồm 3 biệt thự là: Bạch Ngọc, Lam Ngọc và Hồng Ngọc được xây dựng với những mục đích khác nhau.
Một góc khác của Biệt thự Bạch Ngọc
Biệt thự Bạch Ngọc
Biệt thự Bạch Ngọc (nơi giải trí của gia đình Trần Lệ Xuân và các tướng tá) tráng lệ nhất, với mặt tiền hướng về đường Yết Kiêu, với cầu thang dài, với hồ bơi nước nóng phía trước. Nội thất bên trong của Bạch Ngọc khá hiện đại với phòng họp, phòng làm việc, khiêu vũ, trang điểm…
Một góc biệt điện Trần Lệ Xuân
Hồ bơi tại Biệt thự Bạch Ngọc
Biệt thự Lam Ngọc (nơi nghỉ cuối tuần của gia đình Lệ Xuân) có hướng quay về biệt thự Bạch Ngọc và được thiết kế gấp khúc, với nhiều phòng ốc nối nhau. Tất cả các phòng đều được trang bị hệ thống lò sưởi kiểu Pháp hiện đại vào bậc nhất thời đó. Trong phòng ăn có chiếc tủ lạnh có dung tích khá thể hiện sự giàu có của gia đình này. Tại Lam Ngọc, còn có một đường hầm thoát hiểm nội bộ và hầm trú ẩn với sức chứa khoảng 10 người có nắp đậy bằng thép. Hầm không sâu nhưng rộng, với nhiều kệ sách và két sắt bên trong.
Phòng ăn trong Biệt thự Lam Ngọc
Tại khu biệt điện Hồng Ngọc, Trần Lệ Xuân đã cho xây dựng một căn hầm trú ẩn sâu khoảng hơn 2m, rộng 2m, dài 3m, nắp hầm được làm bằng loại sắt dày có thể chống được đạn. Có lẽ do lo sợ sẽ có một vụ đảo chính hay ám sát trong nội bộ mà khi xây dựng biệt thự này, Trần Lệ Xuân đã cẩn thận cho xây dựng căn hầm để đề phòng bất trắc.
Hầm thoát hiểm trong biệt thự Lam Ngọc không sâu.
Bên trong hầm trú ẩn hiện còn một chiếc tủ sắt và một cánh cửa của két sắt có khóa mã cùng một đống cửa sắt các loại vứt ngổn ngang. Ngoài hầm trú ẩn, tại biệt thự này còn có hầm thoát hiểm. Theo nhiều người dân sống ở khu vực này cho biết, bà Nhu đã cho xây dựng căn hầm thoát hiểm thông ra tận sân bay quân sự Cam Ly, cách biệt thự này khoảng 2km. Căn hầm được xây kiên cố, cũng có nắp hầm chống đạn và có cửa thoát hiểm, nhưng khi chúng tôi xuống tham quan thì chỉ đi được một đoạn khoảng hơn 10m, không thể tìm được lối đi nữa. Theo nhiều người cho biết, có lẽ căn hầm có mật thất nên không thể đi tiếp được, mà chỉ có chủ nhân của nó mới biết cửa thông ra ở khu vực nào?
Khu hầm trú ẩn trong biệt điện.
Có lẽ do tiết trời Đà Lạt lạnh lắm nên tại khu biệt thự này, bất cứ căn phòng nào Trần Lệ Xuân cũng cho xây dựng hệ thống lò sưởi hiện đại mang dáng dấp của kiến trúc Pháp. Với hơn 10 chiếc lò sưởi khác nhau không trùng lắp, lại được bố trí khéo léo từng phòng, thật sự đã tạo nên một vẻ đẹp hài hòa trong kiến trúc của ngôi biệt thự. Đặc biệt trong hệ thống lò sưởi này, có một chiếc rất độc đáo, được làm bằng đồng đỏ từ chân lò sưởi lên đến đỉnh lò sưởi, đặt tại phòng khiêu vũ của biệt thự. Nhiều du khách đến đây tham quan đã không khỏi trầm trồ thán phục về tính hài hòa trong việc bố trí không gian trong từng căn phòng, mà đặc biệt là hệ thống làm ấm căn phòng. Nó không tạo ra cảm giác bị vướng víu, cũng như là mất cân đối giữa lò sưởi và căn phòng. Từ đó tạo nên một không gian thoáng đãng mà ấm áp.
Cũng tại biệt thự này, còn lưu giữ được một số những hiện vật đắt tiền như hệ thống labo, bồn tắm, tủ lạnh được nhập khẩu từ các nước Mỹ, Ý… Đặc biệt chiếc tủ lạnh hiện đang được trưng bày tại đây là một vật chứng đáng giá còn lại. Tủ lạnh cao khoảng 2m, rộng gần 1m, tình trạng vẫn nguyên vẹn, được đặt bên cạnh chiếc hầm trú ẩn.
Ngày nay, khu biệt thự này đã được đưa vào danh mục những điểm tham quan du lịch tại Đà Lạt, vì vậy có rất nhiều du khách muốn biết thời bấy giờ Trần Lệ Xuân đã sử dụng những vật dụng gì mà khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ đã có rất nhiều người hiếu kỳ đổ xô đến Đà Lạt để xem. Trong khu biệt thự này, Trần Lệ Xuân đã sử dụng biệt thự Lam Ngọc làm biệt thự chính. Nơi đây có phòng khách, phòng ngủ, phòng đọc sách và phòng nhảy.
Vườn Nhật Bản sau lưng biệt thự Lam Ngọc
Theo ý kiến của nhiều khách du lịch đến thăm quan tại khu du lịch, Trung tâm Lưu trữ nên nghiên cứu, để có chính sách sưu tầm những hiện vật liên quan đến gia đình Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân, để tạo nên một khu tham quan di tích lịch sử văn hóa thêm phần phong phú và ý nghĩa hơn khi mà chủ nhân cũ của khu biệt thự này đã qua đời.
Biệt thự Hồng Ngọc
Rời Lam Ngọc, men theo một con đường uốn cong sẽ đến Hồng Ngọc. Biệt thự có diện tích nhỏ hơn cả và nằm khá tách biệt, là quà tặng của Trần Lệ Xuân dành cho cha mình. Nếu Lam Ngọc, Bạch Ngọc mang thiết kế của kiến trúc Pháp hiện đại thì Hồng ngọc mang đặc trưng của trường phái cổ điển với những viên đá màu xám, cột tròn.
Trong khuôn viên biệt điện Trần Lệ Xuân có khu vườn mang đậm phong cách Nhật với những thảm cỏ, bãi đá, những loại hoa lạ và đẹp của Đà Lạt. Hồ hoa sen tinh khiết cân đối một cách hoàn hảo với nhau cũng như hòa hợp một cách kỳ lạ với các biệt thự và rừng thông xung quanh. Sau vườn hoa có một hồ nước. Khi được bơm đầy, đáy hồ sẽ hiện lên hình bản đồ Việt Nam. Giữa địa đồ thu nhỏ này còn có cả dải phân cách thể hiện vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền Nam -Bắc.
Phía trước Bạch Ngọc
Dòng suối nhân tạo trong khu biệt điện
Đến đây vào ban ngày, từ vọng đài ngoài sân, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ nét đẹp của khu biệt điện, cùng những con đường nhỏ uốn cong, những ngôi nhà ẩn hiện trong màu xanh của thông. Nếu đến vào ban đêm, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác đế vương, nhâm nhi bình trà nóng trong cái lạnh của Đà Lạt, trong cái đẹp sang trọng nhưng không kém phần lãng mạn của biệt điện, những đêm trời có trăng khung cảnh càng thơ mộng.
Khu vườn phong cách Nhật giữa những đồi thông ngút ngàn phía sau Lam Ngọc
Biệt điện Trần Lệ Xuân (nay là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV) là một trong những khu Biệt điện nổi tiếng thời kỳ đệ nhất của chế độ Việt Nam Cộng hòa mà chủ nhân lại là Đệ nhất Phu nhân Trần Lệ Xuân (vợ của Ngô Đình Nhu). Khu Biệt điện này được Trần Lệ Xuân bắt đầu cho xây dựng từ năm 1958 nhằm mục đích nghỉ mát và giải trí của gia đình Trần Lệ Xuân và các tướng tá Sài Gòn mỗi dịp lên Đà Lạt.
Một góc biệt điện Trần Lệ Xuân
Những bậc cao niên ở Đà Lạt kể rằng biệt điện là khu không được ai bén mảng đến, mỗi ngày có hàng chục vệ binh cộng hòa túc trực, một con chim lạ bay qua cũng có thể bị bắn hạ. Sau khi chế độ “Gia đình trị” họ Ngô bị lật đổ (11/1963), khu Biệt điện này được chế độ Nguyễn Văn Thiệu dùng làm Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên nhưng không mấy phát triển. Sau năm 1975, khu Biệt điện được giao cho Sở Văn hóa – Du lịch Lâm Đồng. Năm 1984, khu Biệt điện được giao cho Cục Lưu trữ nhà nước. Từ ngày 25/8/2006, khu Biệt điện trở thành Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, là nơi tái hiện sinh động cuộc đấu tranh kiên cường trong cuộc chiến giành độc lập của Tây Nguyên và là nơi bảo quản khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn từng được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.
Hiện tại, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đang bảo quản 34.618 tấm Mộc bản. Trên khắp cả nước còn một số địa điểm lưu giữ được một số bộ ván khắc in này như ở Bảo tàng Nghệ An, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Phân viện Nghiên cứu Văn hóa - Nghệ thuật tại Huế, một số tư gia ở Huế. Tuy nhiên, số lượng ván khắc ở những nơi này không đầy đủ và không phong phú như ở Ðà Lạt. Sự ra đời của tài liệu Mộc bản do Quốc sử quán đảm nhận chính, Quốc sử quán được thành lập năm 1821.
Cán bộ trung tâm lưu trữ quốc gia giới thiệu Mộc bản triều Nguyễn.
Mộc bản triều Nguyễn có nội dung rất phong phú và được chia làm 9 chủ đề gồm: Lịch sử, Địa lý, Quân sự, Pháp chế, Văn thơ, Tôn giáo – Tư tưởng – Triết học, Ngôn ngữ - Văn tự, Chính trị - Xã hội, Văn hóa – Giáo dục. Trong khối tài liệu này có một số bộ sách rất có giá trị mà các nhà nghiên cứu về lịch sử, địa lý, pháp luật, văn hóa của Việt Nam không thể bỏ qua như: Đại Nam thực lục, Hoàng Việt luật lệ (luật Gia Long), Đại Nam nhất thống chí... Trong đó bộ sách Đại Nam thực lục là đồ sộ nhất được biên soạn trong 88 năm (1821 – 1909).
Khu trưng bày những di tích, những mốc lịch sử của cuộc chiến tranh giành độc lập ở Tây Nguyên.
Những bản sao hoàn hảo của những cuốn sách, tuyên ngôn được lưu trữ trên vách tường tại Trung tâm.
Theo một số tài liệu cho biết, những bản khắc Mộc bản chủ yếu sử dụng gỗ thị để khắc, bởi gỗ thị có đặc điểm có màu trắng, thớ gỗ mịn, nhẹ, thường được dùng để khắc dấu không nứt mẻ, không cong vênh. Vì thế nên trải qua mấy trăm năm đến nay Mộc bản vẫn có tình trạng vật lý tốt. Ngoài ra, người ta còn dùng gỗ lê, gỗ táo để khắc Mộc bản. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, một bộ sách địa chí nổi tiếng của triều Nguyễn còn cho biết: “Gỗ dùng để khắc Mộc bản là gỗ cây nha đồng, thớ gỗ mịn, trắng sáng như ngà voi”.
Chân dung bà Trần Lệ Xuân
Trần Lệ Xuân (1924-2011) sinh tại Huế, cũng có tài liệu nói sinh tại Hà Nội. Gia đình Trần Lệ Xuân vốn là một gia đình Phật tử, nhưng năm 1943 khi Trần Lệ Xuân 19 tuổi, có tấm bằng tú tài 1 của Pháp thì đã được bố gả cho người bạn học của ông là Ngô Đình Nhu, một gia đình dòng dõi theo Thiên chúa giáo.
Trần Lệ Xuân theo đạo và cổ súy cho nhiều hành động đàn áp tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Bà là dân biểu, Chủ tịch Hội Phụ nữ Liên đới, thường được gọi là "Bà cố vấn". Do tổng thống Ngô Đình Diệm không có vợ nên bà được coi là đệ nhất phu nhân của Việt Nam Cộng hòa từ năm 1954 đến năm 1963.
Đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, lâu năm
Đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm
Bồi hoàn nếu chất lượng không đúng
Nhiều ưu đãi giá tốt cho khách hàng
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420