Địa chỉ số 1 phố Lò Rèn, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ngày nay, toạ lạc ngôi đình Lò Rèn. Khu vực này, đầu thế kỷ XIX, là đất thôn Tân Khai, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương; xưa xa hơn, vào thế kỷ XVI, là phần đất mở rộng của khu phố cổ ở Thăng Long thời Lê. Đình Lò Rèn do dân làng làm nghề thợ rèn lập nên để thờ Tổ nghề rèn sắt.
Theo truyền tụng thì, thời Hùng Vương, ở vùng châu thổ sông Hồng có người họ Lỗ tên Cao Sơn, thông minh tuấn tú, giỏi võ nghệ lại ham thích các việc thủ công. Biết người Thục giỏi nghề rèn sắt, ông tìm đường sang học được các bí truyền của nghề đó, về nước còn cải tiến thêm khiến nghề rèn không thua kém nghề rèn của họ, rồi đem dạy cho mọi người. Nước Nam có nghề rèn là do ông, nên sau khi ông qua đời, người người làm nghề rèn tôn ông làm Tổ sư.
Trong lịch sử phát triển của Thăng Long thì sự phát triển của “36 phố phường” có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Như trong sách Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn đã viết:" Thời nhà Lý mới đóng đô ở Thăng Long, người bốn phương đã lũ lượt kéo đến, tụ họp, buôn bán..." Diễn biến lịch sử cụ thể cho thấy, sau cải cách của vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), thế kỷ XVI và XVII, nền kinh tế của đất nước đã có bước phát triển lớn và bền vững, đặc biệt là nền kinh tế hàng hoá.
Rất đáng kể là sự hình thành thêm và phát triển các làng nghề thủ công. Khi đó, Thăng Long đã trở thành một trung tâm hấp dẫn, khiến xuất hiện nhiều đợt di động lớn, đưa các thợ thủ công từ các làng nghề về hành nghề tại phố phường Kẻ Chợ. Cùng với một số nghề thủ công gốc ở Thăng Long, như nghề dệt ở Nghi Tàm, nghề giấy ở Yên Hoà, Yên Thái... có thêm nhiều nghề thủ công ở các vùng phụ cận được di chuyển vào, tạo nên “ba mươi sáu phố phường”.
Đa phần, thợ thủ công các nghề vào Thăng Long đều tập trung ở khu vực phía đông kinh thành, ví dụ: nghề nhuộm đào từ Đan Loan, Hải Dương; nghề thêu từ Quất Động, Thường Tín; nghề kim hoàn từ Định Công, Thanh Trì và từ Đồng Xâm, Thái Bình; nghề da – giầy từ Trúc Lâm, Văn Lâm, Hải Dương; nghề tiện từ Nhị Khê; và nghề rèn sắt từ Hoè Thị, Từ Liêm và Đa Hội, Đông Anh…
Về nghề rèn sắt di chuyển vào Thăng Long gồm hai nhóm chính; một nhóm khá đông đảo đã đến lập nghiệp ở khu vực Tân Khai – Tân Lập, còn nhóm kia thì kéo đến khu vực gần cửa Nam, sau này là phố Sinh Từ. Nhiều năm sau, nghề rèn phát đạt, mở rộng thêm, một số thợ đã đến Kim Mã, Hàng Bột, Ô Cầu Dền... Một lượng thợ rèn từ Hoè Thị đã đến Tân Khai – Tân Lập để định cư, hành nghề, sau có thêm một số thợ các làng khác như Đa Sĩ, Đa Hội cũng đến đây, khiến vùng Tân Khai – Tân Lập có một hình ảnh điển hình là những bễ lò rèn và sản phẩm chính bày rất nhiều trước nhà.
Do vậy mà đầu thế kỷ XIX xuất hiện phố Hàng Bừa. Đến cuối thế kỷ XIX, người Pháp mở mang phố xá, nên nguyên vật liệu bằng sắt rất thông dụng, và suốt dãy phố nhà nào cũng có bễ lò rèn phì phò hoạt động. Từ đấy xuất hiện tên phố Lò Rèn. Lúc phát triển nhất, thợ rèn ở Nam Định, Thanh Hoá cũng đến lập nghiệp ở phố Lò Rèn, có gần trăm bễ lò hoạt động, trong đó quá nửa là lò rèn của người gốc Hoè Thị. Và rồi, cũng như bao làng nghề, phường nghề khác, người dân phường rèn cũng đã cùng nhau dựng một ngôi đình chung để thờ Tổ nghề và các vị khai công đầu tiên đưa nghề rèn lên Thăng Long lập nghiệp.
Trước kia, sản phẩm của người thợ rèn ở Lò Rèn và một số nơi nữa gồm lưỡi cày, bừa, cuốc, liềm, hái, dao phát bờ, kéo... đáp ứng cho nhu cầu của dân kinh thành và dân các tỉnh lên Hà Nội mua. Dần dần, nhu cầu xã hội phát triển nhiều mặt hàng sắt, người thợ rèn đã luôn luôn thích ứng, lại không ngừng cải tiến mẫu mã, chất lượng và kỹ thuật.
Đầu thế kỷ XX, thợ Lò Rèn Hà Nội đã sản xuất bulông theo đơn đặt hàng của công trình xây dựng đường sắt Hà Nội đi Vân Nam và Hà Nội đi Sài Gòn. Rồi tất cả các đồ sắt cho các công trình xây dựng công sở, xây dựng các công trình văn hoá công cộng lớn như cửa sắt hoa, hàng rào, cổng, bản lề... đều được người thợ rèn ở Hà Nội làm ra. Và nhiều mặt hàng công cụ người thợ rèn Hà Nội chế tạo rất đẹp và bền như khoan, kìm, búa, chàng, đục... Thời kỳ Cách mạng Tháng Tám 1945, Nghiệp đoàn thợ rèn đã được thành lập tại đình Lò Rèn.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các bễ lò rèn vẫn nổi lửa, người thợ vẫn làm ra những dụng cụ thiết yếu cho đời sống của nhân dân, và còn rèn những vật phẩm phục vụ công cuộc kháng chiến trong đó có các loại vũ khí thô sơ như lưỡi lê, kiếm để cung cấp cho quân đội, cho du kích.
Đến năm 1954, tại đình Lò Rèn đã có buổi lễ long trọng thành lập Liên đoàn thợ rèn. Mọi hoạt động của công nhân Liên đoàn thợ rèn đều được tổ chức tại Đình.
Sau ngày giải phóng Thủ đô, và cho đến hôm nay, sản phẩm của nghề rèn thủ công Hà Nội vẫn luôn đáp ứng được nhu cầu thị trường trong Hà Nội và một số vùng lân cận. Trong nhịp độ phát triển kỹ thuật hiện đại, phố Lò Rèn hôm nay còn nhiều nhà vẫn giữ được nghề truyền thống.
Sát vách nhà là nghề mới trên phố cũ
Phố Lò Rèn giờ còn kinh doanh cả gốm sứ
Trên một đoạn đường phố Lò Rèn, chỉ dài 128 mét là phố nhỏ thôi mà có đến 20 số nhà là những bễ lò rèn của người quê gốc Hoè Thị! Đó là sắc thái làng nghề thật đặc biệt của Thăng Long trải mấy trăm năm vẫn còn đến hôm nay. Và, nó đâu chỉ là giá trị kinh tế kỹ nghệ, mà nó là những giá trị văn hoá lịch sử của Thăng Long - Hà Nội.
Đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, lâu năm
Đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm
Bồi hoàn nếu chất lượng không đúng
Nhiều ưu đãi giá tốt cho khách hàng
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420