logo-dulich24

Gò Đống Đa

Đống Đa - Hà Nội - Việt nam Di tích lịch sử được yêu thích tại Đống Đa, Hà Nội
 
 

Gò Đống Đa

Gò Đống Đa là một gò nằm bên đường phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Tại đây năm 1789 quân Tây Sơn đã đại phá và đánh thắng quân nhà Thanh trong Trận Ngọc Hồi - Đống Đa.
 

Giới thiệu Gò Đống Đa

Gò Đống Đa

Gò Đống Đa

Đống Đa xưa bãi chiến trường/ Ngổn ngang xác giặc vùi xương thành gò

Những câu thơ đã đi vào tâm thức mỗi người dân Việt Nam bởi nó ghi lại chứng tích của một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Nơi ghi dấu công ơn của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ đã chiến thắng oanh liệt quân ngoại xâm vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 bằng trận đánh Đống Đa - Ngọc Hồi (mồng 5 tháng Giêng) giải phóng kinh thành Thăng Long.

tượng đài vua Quang Trung
tượng đài vua Quang Trung

Công viên văn hóa

Năm 1989, nhân kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Công viên văn hoá Đống Đa (Hà Nội) được thành lập trên cơ sở khu vực Gò Đống Đa theo quyết định số 2308 QD/UB ngày 12-5-1990 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Đây là công trình kiến trúc mang tính lịch sử văn hoá nhằm ghi nhớ công ơn của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tổng diện tích của công trình  21.745 m2 được chia làm hai khu vực, gồm khu vực tượng đài, nhà trưng bày... và khu vực gò.

Khu vực thứ nhất có diện tích 15.200m2 bao gồm tượng đài, hai bức phù điêu, nhà trưng bày...

Nếu vào công viên từ phố Đặng Tiến Đông, chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ đứng sừng sững, uy nghi, lưng đeo gươm. Tượng đài vua Quang Trung cao 14,65m, làm bằng chất liệu bê tông cốt thép nặng đến 200 tấn, được ốp đá hoa cương và phun vảy đồng. Phía dưới chân tượng đài là chiếc lư hương bằng đồng đúc. Sân khấu rộng, được lát đá hoa cương và các đường băng, thảm cỏ, cây xanh. Phía bên trái khu vực tượng đài cao 17m.

Còn hai bên phía sau của tượng đài là hai bức phù điêu, bức bên phải dài 30m, cao 4,5m (diện tích 135m2), bức bên trái dài 17m, cao 4,5m (diện tích 77,4m2). Đây là hai bức phù điêu mô tả trận đánh của quân và dân ta dưới sự chỉ huy tài tình về quân sự của Quang Trung tấn công thần tốc vào giải phóng kinh thành Thăng Long vào mùa xuân Kỷ Dậu. Hình ảnh đoàn quân hùng mạnh trên những bức phù điêu như làm sống dậy không khí hào hùng của đoàn quân năm xưa. Mặt sau của hai bức phù điêu được ốp đá hoa cương, có ghi lời hịch của vua Quang Trung, sơ đồ trận đánh, triện đồng... Tất cả đã tạo cho cảnh quan khu vực tượng đài uy nghi, rộng lớn, để tổ chức lễ hội hàng năm và các hoạt động văn hoá văn nghệ.

Bia đá có ghi lời hịch của vua Quang Trung trên đỉnh gò
Bia đá có ghi lời hịch của vua Quang Trung trên đỉnh gò

Nhà trưng bày được đặt sau khu tượng đài, tổng diện tích trưng bày là 100m2. Bên ngoài cửa của nhà trưng bày là hai khẩu súng thần công (mô phỏng). Ngay sau cửa vào là bộ Bát xà mâu, phía sau là sa bàn trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa; bên phải là tượng vua Quang Trung được làm bằng thạch cao, bên trái là tượng đô đốc Long cạnh dàn cồng chiêng Tây Nguyên. Bên phải sát tường của nhà trưng bày bao gồm ảnh Vườn Trầu, ấp Tây Sơn Nhất, điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Gò Lăng...tiếp đó là cây gia phả họ Hồ, phía dưới là tấm bia Mộ Tổ phục chế. Sau là mô hình thuyền Đại Hiệu - một loại thuyền chiến cỡ lớn có trang bị hoả lực mạnh của quân Tây Sơn.

Còn phía bên trái của nhà trưng bày là một số loại vũ khí thời Tây Sơn như súng thần công, kiếm của nữ tướng Bùi Thị Xuân, một số bút tích chiếu chỉ, lệnh chỉ của vua Quang Trung. Ngoài ra nhà trưng bày còn lưu giữ một số hiện vật như tảng đá ong dùng để xây thành Hoàng Đế năm 1778, tảng đá cột đình làng Kiên Mỹ - quê hương Tây Sơn tam kiệt... Chị Bùi Hoàng Hậu, cán bộ phòng trưng bày cho biết: đây là nơi lưu giữ những chứng tích quan trọng nhất của phong trào Tây Sơn tại kinh thành Thăng Long. Khách đến thăm quan khá đông, đặc biệt là vào dịp lễ hội đầu năm. Mấy năm gần đây một số trường học trên địa bàn cũng dẫn học sinh đến thăm quan nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Ngắm nhìn khu trưng bày khá cổ kính nhưng rất vững trãi phần nào toát lên vẻ trầm mặc mà hào hùng của một thời hoàng kim trong lịch sử. Những gì còn lại cũng đủ để chúng ta thấy được sự thành công của một phong trào bắt nguồn từ những người nông dân áo vải.

Gò Đống Đa

Trong chiến dịch đại phá quân Thanh, Đô đốc Long được tin tưởng giao nhiệm vụ đánh đồn Khương Thượng, bị đánh bất ngờ quân Thanh không chống cự nổi. Sầm Nghi Đống hoảng hốt dẫn tàn quân chạy đến Loa Sơn (gò Đống Đa) thì cùng đường, tất cả từ quân đến tướng đều phải tự vẫn. Nhân dân lấp đất lên đó thành mồ chôn quân giặc. Từ đó gò Đống Đa hình thành.

Diện tích hiện nay của khu gò là 6.275m2 , bao gồm khu gò đã được tôn tạo thành gò tự nhiên. Cổng chính để lên gò nằm trên phố Tây Sơn. Tiến vào theo hướng này chúng ta sẽ bắt gặp một cổng dẫn lên gò, bên trên có ghi ba chữ Trung Liệt Miếu (miếu Trung Liệt). Theo lời kể của chị Bùi Hoàng Hậu thì trước đây trên đỉnh gò có một ngôi miếu. Theo tâm thức tín ngưỡng người Việt, nhân dân đã xây dựng miếu để thờ cúng những linh hồn chết trận. Nhưng rất tiếc ngôi miếu này hiện nay không còn nữa.

Cổng Tam Quan
Cổng Tam Quan

Ngoài việc đi lên đỉnh gò bằng cổng chính (có người còn gọi là bậc tam cấp, cổng Tam quan hay cổng gò), chúng ta cũng có thể lên bằng các bậc đá hay những lối mòn. Hiện nay tại khu gò vẫn còn một số cây cổ thụ. Theo một số cụ già sống gần khu gò cho biết: một số cây có thể trồng từ khi có gò, còn một số cây xà cừ khá lớn thì được trồng vào những năm 60 của thế kỷ trước khi Bác Hồ phát động tết trồng cây. Ngoài ra trên đỉnh gò còn có hai cây mít - loại cây thường được trồng ở các đình, chùa, miếu.

Năm 1990 người ta đã cho dựng trên đỉnh gò một tấm bia đá nặng 8 tấn có ghi lời hịch của vua Quang Trung:... Đánh cho sử chi Nam quốc anh hùng chi hữu chủ... (Đánh cho biết rằng nước Nam anh hùng là có chủ). Bất cứ ai khi lên đến đỉnh gò đều có thể đọc được lời hịch đó. Mỗi người sẽ có một cách cảm nhận riêng nhưng chắc chắn rằng sẽ có chung niềm tự hào về lịch sử của cha ông. Không ít người nước ngoài khi đến thăm quan đã ngạc nhiên, thắc mắc rằng vì sao giữa thủ đô đồng bằng lại có một khu gò như vậy. Khi được giải thích thì họ càng thêm cảm phục dân tộc Việt Nam anh hùng.

Hiện nay độ cao của gò so với mặt đất khoảng 10m, thấp hơn khá nhiều so với trước đây do bị mưa nắng bào mòn theo thời gian. Mặc dù khu gò chỉ là một phần của Công viên văn hoá Đống Đa nhưng mọi người lại chỉ quen gọi cả quần thể là Gò Đống Đa bởi cái tên đó đã in sâu vào tâm trí mỗi người dân Việt Nam.

Hằng năm cứ đến ngày mồng 5 tết âm lịch, mọi người khắp nơi lại tụ hội về đây để cùng giỗ trận Đống Đa, để cùng làm sống dậy hào khí Tây Sơn. Nhiều hoạt động được tổ chức: làm lễ dâng hương, diễn lại cảnh vua Quang Trung đại phá quân Thanh tiến vào Thăng Long...làm cho ai ai cũng thấy hân hoan, tự hào.

Rời Gò Đống đa trong buổi chiều muộn, những ồn ào của phố thị bên tai mà tôi nghe như tiếng reo vang thắng trận của đoàn quân Tây Sơn. Tự nhủ với lòng mình mùa xuân này lại cùng đoàn người đi giỗ trận Đống Đa.

 

Vì sao nên chọn chúng tôi

8 Năm kinh nghiệm

Đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, lâu năm

Tư vấn chuyên nghiệp

Đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm

Cam kết chất lượng

Bồi hoàn nếu chất lượng không đúng

Ưu đãi giá tốt

Nhiều ưu đãi giá tốt cho khách hàng

 

Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420

Top khách sạn xung quanh Gò Đống Đa (66)

Grand Mercure Hanoi
Grand Mercure Hanoi
Đống Đa
9.0 Tuyệt vời
Paradise Suites Nguyen Khuyen
Paradise Suites Nguyen Khuyen
Đống Đa
9.3 Tuyệt vời
Tofu's House - A place called Home
Tofu's House - A place called Home
Đống Đa
9.1 Tuyệt vời
A&EM VILLA
A&EM VILLA
Đống Đa
9.6 Tuyệt vời
Homestay Nam Dong
Homestay Nam Dong
Đống Đa
9.4 Tuyệt vời
Newlife Apartment Hanoi 1
Newlife Apartment Hanoi 1
Đống Đa
9.0 Tuyệt vời
 

Điểm du lịch ở gần Gò Đống Đa (53)

Văn Miếu Quốc Tử Giám

Văn Miếu Quốc Tử Giám

Đống Đa - Hà Nội - Việt nam
 

Xem thêm về Hà Nội