PTO- Một may mắn trong chuyến công tác tại Lai Châu vừa qua là Báo bạn cử phóng viên Anh Tuấn đi cùng với anh em phóng viên Báo Phú Thọ lên thăm Cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng. Tuấn chưa đầy 30 tuổi, cũng người Phú Thọ, quê ở xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh. Lên Tây Bắc công tác mới được 5 năm nhưng chàng phóng viên này đã có hiểu biết rất khá về Lai Châu, đặc biệt là các huyện từng được phân công theo dõi, tuyên truyền. Dọc con đường 12 từ thị xã Lai Châu lên Phong Thổ, Tuấn luôn mau miệng kể về tình hình kinh tế - xã hội cũng như phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện biên giới này. Có Tuấn trò chuyện, dường như quãng đường 50 km ngắn hơn. Chỉ sau hơn 1 giờ xe chạy, chúng tôi đã có mặt ở Cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng. Được biết, năm 2001, sau khi thỏa thuận với Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở cửa khẩu Ma Lù Thàng thuộc địa phận xã Ma Li Pho và được áp dụng chính sách khu kinh tế cửa khẩu biên giới. Tháng 12- 2005, Cửa khẩu khai trương cùng với khu kinh tế có diện tích 43 ha với các dịch vụ: Thương mại (gồm trung tâm thương mại, kho, bến, bãi), du lịch (nhà hàng, khách sạn, các làng văn hóa dân tộc), khu vui chơi giải trí… Cửa khẩu này là đầu mối kết nối với Khu kinh tế mở Huổi Luông, Khu kinh tế - thương mại - du lịch Mường So, Khu công nghiệp Pa So, Khu nông - lâm kết hợp du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Phong Thổ. Vì thế, Khu kinh tế và cửa khẩu biên giới Ma Lù Thàng được coi là mũi nhọn để phát triển kinh tế ở tỉnh nghèo nhất nước và là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa của Lai Châu với Trung Quốc.
Như để chứng minh cho chức năng của cửa khẩu, Tuấn đọc vanh vách những con số: - Năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu qua Ma Lù Thàng trên 6,2 triệu USD, tăng 56% so với 2011; trong đó xuất khẩu trên địa bàn đạt giá trị 3,85 triệu USD, tăng xấp xỉ 300%. Giá trị nhập khẩu là 2,34 triệu USD… Chúng tôi xuống xe, đi một đoạn bên tả ngạn sông biên giới, nhìn hai bờ phía ta và phía bạn cảm thấy khung cảnh thật thanh bình. Con sông này người Việt gọi là Nậm Na. Nghe nói phía lưu vực thượng nguồn Nậm Na một số vùng có vàng sa khoáng nên người Trung Quốc gọi con sông biên giới này là Kim Bình Thủy với ý nghĩa dòng nước chảy mang theo những quặng vàng! Ở độ cao 1.200m so với mặt nước biển, bờ sông phía Việt Nam đang được gia cố kè chống xói lở; trên bờ, bên mấy chục gốc gạo khá to, nhiều nhà cửa đang được xây dựng. Dọc phía bờ bên kia, phố sá có vẻ sầm uất hơn, xa xa là những cánh rừng cây cao su nối dài, xanh ngắt.
Cùng phóng viên Anh Tuấn vào Trạm biên phòng để xin phép qua cửa khẩu đến bên cột mốc 65 (2). Dù vẫn thuộc lãnh thổ của ta, nhưng khi bước chân qua vòm cổng ốp gạch màu huyết dụ, dưới 7 chữ mầu vàng “Cửa khẩu Ma Lù Thàng Việt Nam”, mỗi chúng tôi đều cảm nhận ý nghĩa thiêng liêng của chủ quyền quốc gia. Cảm xúc ấy càng dâng lên mãnh liệt hơn khi được giang tay ôm cột mốc, được đặt mũi bàn chân lên nét vạch sơn chỉ giới kẻ ngang trên mặt cầu Hữu Nghị. Đứng bên thành cầu soi bóng xuống dòng Nậm Na, nhìn bà con hai bên qua lại mua bán, trao đổi hàng hóa; dù không nhộn nhịp, sôi động như Cửa khẩu Lào Cai hay Cửa khẩu Tân Thanh, nhưng cũng có thể hình dung đời sống kinh tế của nhân dân một vùng biên giới. Hoạt động ở cửa khẩu như một lát cắt giúp ta nhìn nhận để lý giải vì sao Ma Li Pho với 560 hộ, 2.300 nhân khẩu, là xã duy nhất trong số 22 xã thuộc 3 huyện biên giới của tỉnh Lai Châu đã thoát nghèo. Lúc ở Trạm biên phòng, dù thời gian không nhiều nhưng cũng đủ để tôi “phỏng vấn” chớp nhoáng đồng chí Thượng úy trực ban về tình hình quản lý, bảo vệ biên giới và được biết: Thực hiện 3 văn kiện về quan hệ biên giới Việt – Trung, Trạm biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng đã cùng với đồn biên phòng cửa khẩu Kim Thủy Hà xã Na Phà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam của nước bạn, tổ chức tuần tra song phương trên đoạn biên giới dài 13,5 km từ mốc 65 (2) đến mốc 67 (2) để giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mỗi nước. Mấy năm nay, do việc xác định rõ ràng mốc giới nên việc tranh chấp lãnh thổ không xảy ra, nhưng an ninh trật tự vẫn còn có những phức tạp. Tháng 6 vừa rồi, công an và bộ đội biên phòng hai bên đã phối hợp phát hiện, bắt giữ một số vụ buôn bán người, đưa phụ nữ, trẻ em từ Việt Nam qua biên giới trái phép. Thêm nữa, tình trạng buôn lậu, xuất - nhập khẩu hàng hóa không đúng quy định, nhất là hàng hóa liên quan vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh…, các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới tăng cường cảnh giác, ngăn chặn.
Ở một số cửa khẩu lớn, đã có lúc chúng ta vui mừng vì hoa quả, nông sản của ta được phía Trung Quốc nhập khá nhiều. Nhưng khi đến một cửa hàng người Trung Quốc thuê trong khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng, không ít người giật mình khi thấy quả vải, quả cà, ngọn măng sặt của ta được đóng hộp, dán nhãn Trung Quốc tái nhập, bày bán la liệt. Hiện tượng này khiến chúng ta không thể không nghĩ đến việc cần tổ chức khâu chế biến sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam! Trong khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng, bên con đường rộng dưới chân núi, có dựng một tấm áp phích lớn. Bên hình ảnh quốc kỳ Việt Nam, Trung Quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông, có khẩu hiệu song ngữ về phương hướng - nguyên tắc trong mối quan hệ Việt - Trung: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Với địa hình núi liền núi, sông liền sông, chúng ta không mong gì hơn 16 chữ vàng kia được thực hiện đầy đủ để cả hai nước cùng phát triển trong tình hữu nghị và hợp tác toàn diện. Các tranh chấp trên đất liền hay trên biển được giải quyết theo luật pháp quốc tế thông qua đàm phán, đối thoại hòa bình. Chốc lát tại Cửa khẩu Ma Lù Thàng với đồng nghiệp ở Báo Lai Châu đã cho chúng tôi những cảm nhận mới về một vùng biên giới – phần lãnh thổ thiêng liêng nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc thân yêu. |
Đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, lâu năm
Đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm
Bồi hoàn nếu chất lượng không đúng
Nhiều ưu đãi giá tốt cho khách hàng
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420