Làng Mỹ Trạch (Ninh Hà, Ninh Hòa) có nghề dệt chiếu từ lâu đời. Chiếu Mỹ Trạch có tiếng không chỉ do đặc tính của cây cói nơi đây (bền, tốt) mà còn kết tinh từ kinh nghiệm, kỹ thuật dệt và cả tấm lòng người thợ. Thế nhưng, cũng như bao làng nghề truyền thống khác, làng dệt chiếu (LDC) Mỹ Trạch đang đi vào suy thoái. Dù vậy, người dân nơi đây vẫn quyết giữ nghề truyền thống của cha ông.
Một thời vang bóng
LDC Mỹ Trạch ra đời khi nào không ai biết rõ, nhưng người ta chắc chắn một điều là chất lượng chiếu Mỹ Trạch không chê vào đâu được. Nếu đem so sánh cùng một chủng loại, kích cỡ, một đôi chiếu do nơi khác sản xuất chỉ sử dụng được 6 tháng, thì chiếu Mỹ Trạch có thời gian sử dụng gấp đôi! Điều gì làm nên “kỳ tích” đó? Người ta bảo, chiếu Mỹ Trạch làm từ cây cói sống trong nước chà hai. Chính điều kiện đó đã làm cho sợi chiếu Mỹ Trạch săn chắc so với sợi cói nơi khác. Không những vậy, sợi cói Mỹ Trạch còn được sơ chế đặc biệt, “sáng phơi chiều cuốn” khiến sợi cói không bị giòn, trong khi ở nhiều nơi chiếu được phơi sương qua đêm nên sợi cói dễ bị giòn. Cùng với cách xử lý sợi, chiếu Mỹ Trạch còn được hun đúc bởi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làng chiếu. Tình cảm, tấm lòng của họ gửi hết vào khung dệt. Tổng hòa những đặc điểm đó khiến làng chiếu Mỹ Trạch trở nên nổi tiếng.
Chiếu Mỹ Trạch được các thương lái mang đi nhiều nơi, đâu đâu cũng được người tiêu dùng đón nhận với tình cảm chân thành. Do tiêu thụ tốt nên làng nghề ngày càng mở rộng, lúc cao điểm 90% dân số trong làng làm nghề dệt chiếu. Nghề dệt chiếu Mỹ Trạch còn lan sang làng Mỹ Thuận bên cạnh.
Những năm sau giải phóng, nghề dệt chiếu thịnh hành, Ninh Hà thành lập hợp tác xã (HTX) chiếu, xây dựng đội trồng cói thu hút 50-70 xã viên, tổ chức khai hoang, mở rộng diện tích trồng cói đến tận rừng sát. Đến khi phong trào nuôi tôm nở rộ, xã quy hoạch lại diện tích trồng cói khiến ruộng cói bị thu hẹp, nhường chỗ cho vuông tôm nhiều lợi nhuận. Ruộng cói thu hẹp, thiếu nguồn nguyên liệu cũng là lúc phong trào dệt chiếu đi xuống. Tuy nhiên, nông dân Ninh Hà vẫn không bỏ nghề truyền thống, họ chuyển đổi một số ruộng xấu, năng suất kém để trồng cói, đồng thời mua nguyên liệu từ nơi khác về để tiếp tục duy trì làng nghề.
Giữ mãi nghề truyền thống
Một điều lạ là trong khi nhiều làng nghề đi vào mai một thì Mỹ Trạch vẫn duy trì được nghề dệt chiếu truyền thống. Đến thăm nhà chị Nhung (Mỹ Trạch), chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy hai mẹ con chị vẫn say sưa bên khung dệt. Ngồi trên “con ngựa chiến” có mắc sẵn sợi đay làm khung, bé Ngân (học lớp 11) tay thoăn thoắt dồn các sợi chiếu về một phía. Phía ngoài, chị Nhung phóng cái thoi dài, một đầu có gắn sợi chiếu luồn qua khung dệt. Chị tâm sự: “Tôi học nghề này từ cha mẹ, đến khi lấy chồng vẫn tiếp tục làm. Tuy thu nhập không cao (mỗi ngày hai mẹ con chỉ kiếm được 10 ngàn đồng), nhưng cũng có đồng ra đồng vào, có thêm chi tiêu lặt vặt trong gia đình…”. Đối với người dân Mỹ Trạch, tuy thu nhập từ nghề dệt chiếu không cao nhưng đó là niềm tự hào của họ về nghề truyền thống cha ông để lại. Nhiều người bảo, nhà không có lúa nhưng có một kho lác (cói) là xem như có bồ lúa. Nhà không có gạo nấu, chỉ cần chịu khó ngồi vào dệt là xem như chiều có cơm ăn, có dầu chiên. Chính những lạc quan đó đã giúp người dân Mỹ Trạch gìn giữ được làng nghề.
Hiện sản phẩm của làng nghề gồm 2 loại: chiếu carô (chiếu hoa, chiếu đặt) và chiếu hàng (dệt thưa hơn). Giá cả phụ thuộc vào kích cỡ và chất lượng chiếu. Một đôi chiếu 1,4m thương lái mua tại chỗ, nếu chiếu hàng có giá 45.000 đồng, chiếu đặt giá 120.000 đồng; kích cỡ 1,6m chiếu hàng có giá 50.000 đồng, chiếu đặt giá 150.000 đồng. Do nguồn nguyên liệu bị thu hẹp nên người dân phải đặt mua nguyên liệu từ nơi khác, khiến thu nhập giảm xuống. Cói mua ở Nga Sơn (Thanh Hóa), đay mua ở miền Bắc hay kiếm dây trân trên núi. Hiện diện tích trồng cói ở Mỹ Trạch chỉ còn 4 ha.
Mong ước của người dân Mỹ Trạch hiện nay là sớm khôi phục lại làng nghề. Tuy nhiên, việc này không đơn giản. Xác định đây là làng nghề truyền thống phải bảo tồn và phát triển nên xã đã hỗ trợ vốn từ các dự án 120, Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp nông dân làm ăn, xem đây là nghề phụ, sử dụng lao động phụ nữ, trẻ em, lao động nông nhàn để tăng thu nhập kinh tế hộ, đảm bảo giữ vững nghề truyền thống, không để mai một theo thời gian.
Đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, lâu năm
Đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm
Bồi hoàn nếu chất lượng không đúng
Nhiều ưu đãi giá tốt cho khách hàng
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420