Tên thường gọi: Chùa Tuyên Linh Chùa tọa lạc ở ấp Tân Quới Đông B, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Chùa được xây dựng vào năm Tân Dậu (1861) gần rạch Tân Hương, có tên là Tiên Linh do truyền thuyết có một phụ nữ tên Tiên bị cọp bắt ăn thịt. Oan hồn của bà hiển linh, thường hiện về vào chùa nghe kinh hoặc ngồi ở gốc cây đa trước chùa. Tác giả Suối Nghệ (Báo Giác Ngộ TP. Hồ Chí Minh ngày 27–11–2003) cho biết vị trụ trì đầu tiên của chùa là Hòa thượng Thích Khánh Phong. Ngài viên tịch năm 1905. Năm 1907, Phật tử bổn đạo thỉnh Hòa thượng Thích Khánh Hòa về trụ trì. Hòa thượng đã trùng tu và đổi tên chùa là Tuyên Linh năm 1924. Năm 1941, Hòa thượng tổ chức trùng tu, mở rộng ngôi chùa. Hòa thượng Thích Khánh Hòa (1877 – 1947) là người chủ xướng “Phong trào chấn hưng Phật giáo” ở miền Nam từ những năm 1920. Năm 1920, Hòa thượng cùng quý Hòa thượng khác lập ra Hội Lục Hòa, nhằm tạo sự đoàn kết, tương thân trong giới tăng, ni theo chánh pháp. Ngài đã mở nhiều trường gia giáo để đào tạo tăng, ni, trong đó, có trường Phật học ở chùa Tuyên Linh. Ngài còn dịch nhiều kinh sách từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ để phổ cập trong quần chúng. Năm 1932, Ngài làm Chủ nhiệm tạp chí Từ Bi Âm của Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học. Chùa đã được Hòa thượng Thích Thành Lệ đứng ra xây dựng sau năm 1975. Đến năm 1983, Sư Bà Diệu Ninh trùng tu thành ngôi tự viện khang trang hơn. Ngày 24 – 12 – 2000, Thượng tọa Thích Nhựt Tấn, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bến Tre đã đứng ra vận động ngôi chùa di tích trang nghiêm. Ngày 24 – 10 – 2003, chùa đã tổ chức lễ cung nghinh đại hồng chung cao 1,7m nặng trên 330kg do quý thầy chùa Thiên Tôn và chùa Phước Long (TP. Hồ Chí Minh) hỷ cúng. Ở vườn chùa, có bảo tháp ghi tên ba vị tổ: Hòa thượng Khánh Phong, Thiền sư Minh Bảo và Pháp sư Khánh Hòa. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Bàn thờ giữa tôn trí tượng đức Phật Thích Ca, đức Phật A Di Đà, đức Phật Dược Sư , tượng Đản sanh và các vị Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Địa Tạng… Bàn thờ hai bên thờ tượng Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng. Đặc biệt, chùa có tượng đức Hộ Pháp bằng đồng, cổ, cao 0,70m. Chùa được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.
Chùa Việt Nam - Xưa và Nay |