Lễ hội Nghinh Cô nằm trong hệ thống lễ hội thờ Mẫu - Nữ thần tiêu biểu của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng đây không đơn thuần chỉ thờ Mẫu - Nữ thần mà là sự kết hợp của lễ hội Cầu Ngư với tục thờ cúng Thần biển (Bà Thủy Long, cá voi của người Chăm) và tín ngưỡng thờ Mẫu - Nữ thần của cư dân địa phương.
Hàng năm, cứ đến ngày mồng 10 tháng 02 âm lịch hàng chục ngàn người ở khắp các miền quê tề tựu về Dinh Cô (Thị trấn Long Hải - Bà Rịa - Vũng Tàu) tham dự lễ hội. Đây là lễ hội không thuộc loại lâu đời nhưng lại được coi là một trong những lễ hội nước lớn nhất của ngư dân ven biển Nam Bộ. Lễ hội diễn ra ở Dinh Cô, dưới mom núi Thùy Vân thuộc ấp Hải Sơn, thị trấn Long Hải huyện Long Đất. Người dân địa phương thường gọi đây là lễ hội Dinh Cô.
Truyền thuyết kể lại rằng, có một cô gái tên là Lê Thị Hồng Thủy, quê quán ở Phan Rang. Cô là con gái duy nhất của ông Lê Văn Khương và bà Thạch Thị Hà. Thỉnh thoảng cô hay theo cha vào vùng Bà Rịa và Gò Công buôn bán. Cô rất yêu cảnh mến người và không muốn rời xa vùng đất phía Nam. Trong một lần vào Nam buôn bán, khi thuyền còn neo đậu tại vùng Mù U (Long Hải), cô không muốn rời khỏi đất này nên đã xin cha ở lại đây sinh sống lâu dài. Nhưng người cha kiên quyết không bằng lòng nên buộc cô phải trở về quê hương cùng ông. Khi thuyền bắt đầu nhổ neo, người cha tìm mãi không thấy cô đâu. Sau ba ngày không tìm thấy cô ông buồn bã quay về quê nhà.
Vài hôm sau, xác cô trôi dạt vào Hòn Hang. Ngư dân Phước Hải chôn cất cô trên đồi cát gần nơi tìm thấy xác cô (đó là Mộ Cô bây giờ). Mộ của cô luôn được cát bồi đắp, cỏ không mọc được mà ngay bên cạnh một cây đa tươi tốt mọc nhanh như thổi che mát mộ Cô. Sau một thời gian vùng này có dịch bệnh, có rất nhiều người bị đau và chết. Trong khi dịch bệnh đang hoành hành thì có người nằm mơ thấy Cô báo mộng về giúp dân làng vượt qua khỏi dịch khí. Dân làng thấy vậy liền thắp hương cầu khấn cô, quả nhiên dịch bệnh qua khỏi. Sau sự việc ấy, có người đã xin bà con xây am thờ phụng để mong Cô sẽ độ trì dân làng làm ăn phát đạt cuộc sống an lành. Hàng năm lễ hội Dinh Cô được ngư dân Long Hải tổ chức rất long trọng theo nghi thức cổ truyền vào 3 ngày từ 10 đến 12 tháng 2 âm lịch.
Trong ngày lễ. Dinh Cô được trang hoàng hết sức rực rỡ, trang nghiêm, có chăng đèn kết hoa. Các nhà trong vạn ghe đều đặt bàn hương, trên có nhang đèn, bánh trái, mâm xôi... ban đêm có treo đèn lồng. Các tàu thuyền của ngư phủ đều đậu ờ bến, mỗi chiếc đều treo đèn giấy nhiều màu, kết hoa từ mũi đến lái, kể cả cột buồm. Những chiếc thuyền ghe từ các làng cá như Long Hải, Phước Hải, Phước Tỉnh, Vũng Tàu và một số thuyền ghe từ miền Trung vào đều trở nên rộng lẫy. Vì thế, ban đêm ở đây hiện ra cảnh nhộn nhịp huy hoàng của hội hoa đăng. Thuyền ghe nào ở đây cũng hướng mũi vào trước Dinh Cô thực hiện nghi thức "Chầu Cô".
Khi đêm xuống những chiếc thuyền ghe chiếu sáng một góc trời. Ngư dân tin rằng khi thuyền của họ về chầu Cô, nếu trang trí đẹp cũng có nghĩa là bày tỏ lòng thành kính chân thành với Cô cùng với sự mong cầu Cô phù hộ, giúp đỡ cho thuyền ghe nhiều tôm cá. Chính từ quan niệm ấy cho nên tất cả các thuyền ghe đều thi đua trang trí thuyền ghe của mình sao cho đẹp nhất, tạo nên một vùng biển với hàng trăm chiếc ghe trang trí đủ màu sắc.
Một nghi thức khác xuất hiện trong lễ hội Nghinh Cô là lễ phóng sinh. Người ta mua chim để trong lồng và tổ chức thả chim ra, tương tự việc phóng sinh vào các ngày rằm hay mồng một mà nhân dân một số nơi vẫn làm.
Trong những ngày diễn ra lễ hội Nghinh Cô ở Bà Ria Vũng Tàu có các đoàn hát về diễn tuồng và hát bội. Các vở diễn cũng có nội dung giống như các vở diễn trong lễ Nghinh Cô. Ngoài ra, người ta còn tổ chức múa lân sư rồng, múa bông (mâm ngũ sắc, mâm vàng, mâm bạc) và các trò chơi dân gian khác như thi bắt cá, bắt lươn và các môn thi đua thuyền, đua thúng… Các trò chơi dân gian này thường thu hút đông đảo thanh niên ngư dân trong lòng tham gia. Vì vậy mà trò chơi này thường diễn ra rất hào hứng và sôi nổi vì sự cổ vũ nhiệt tình của người xem, giúp cho lễ hội thêm phần náo nhiệt và hấp dẫn.
Như vậy, có thể nói nét độc đáo của lễ hội Nghinh Cô Long Hải chính là sự hội tụ, ngưng đọng của nhiều dòng, nhiều nét đẹp văn hóa và hương vị riêng của mọi miền. Và trong khoảnh khắc của không khí lễ hội thiêng liêng và tin cẩn này, người dự hội có cảm giác khoảng cách giữa thần linh và đời sống dân dã dường như không còn nữa. Chính sự quy mô và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham dự lê hội Nghinh Cô đã tạo ra một diện mạo và tác động tích cực đối với lễ hội khác ở địa phương và trong vùng.
Đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, lâu năm
Đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm
Bồi hoàn nếu chất lượng không đúng
Nhiều ưu đãi giá tốt cho khách hàng
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420