Bên cạnh hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống, dòng tranh Kim Hoàng phát triển từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19. Sự hợp nhất hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng thành Kim Hoàng tiến tới xây dựng đình chung "Trưởng bảng hội đình" vào ngày 3-2 năm Chính Hoà thứ 22 (1701), cũng có lẽ chuẩn bị cho sự bắt đầu của nghề in tranh trong làng.
Hàng năm, người Kim Hoàng làm tranh từ rằm tháng một (tháng 11 âm lịch) đến giáp tết, thoạt đầu thì cúng tổ nghề. Các ván in do một ông chủ phường có tài năng vẽ và khắc. Sau ngày giỗ tổ mới phát cho các gia đình. Trong quá trình in họ trao đổi ván cho nhau. Hết mùa tranh họ lại giao ván cho các chủ phường khác cất giữ.
Tranh Kim Hoàng cũng đủ loại tranh thờ cúng, chúc tụng như một số dòng tranh khác cùng thời (Đông Hồ, Hàng Trống). Nhưng tranh Kim Hoàng lại kết hợp nhiều ưu điểm của hai dòng tranh đó. Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ; màu sắc tươi như tranh Hàng Trống. Về màu, tranh Kim Hoàng dùng mực tàu, trắng là thạch cao, phấn; chàm, xanh chàm từ mực tàu hoà với nước chàm và các màu hoá học.
Giấy in không quét điệp như tranh Đông Hồ, cũng không dùng giấy xuyến như tranh Hàng Trống mà in trên giấy màu đỏ, giấy hồng điều, giấy tầu vàng. Tranh lợn bột in hình con lợn mình đen, viền trắng cách điệu rất ngộ nghĩnh giống như những con lợn đất bán ở chợ, trên nền giấy đỏ tạo một vẻ đẹp riêng gây ấn tượng mạnh mẽ của tranh Kim Hoàng.
Tương truyền, dòng họ Nguyễn Sĩ là dòng họ làm tranh sơ khởi người Thanh Hoá theo mẹ ra Thăng Long rồi lập nghiệp ở đây. Trận lụt năm 1915 làng mạc ngập trắng từ Phùng đến Cầu Giấy, cuốn trôi nhiều ván in tranh của làng. Tranh Kim Hoàng dần bị thất truyền, đến năm 1945 thì hoàn toàn không còn sản xuất nữa. Ngày nay, một vài ván in của dòng tranh này còn được lưu giữ ở bảo tàng mỹ thuật Việt Nam.
Đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, lâu năm
Đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm
Bồi hoàn nếu chất lượng không đúng
Nhiều ưu đãi giá tốt cho khách hàng
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420