Ở huyện Chương Mỹ, Hà Tây bên dòng sông Đáy hiền hòa, có một ngôi làng chuyên nghề làm nón - làng Chuông. Nón làng Chuông nổi tiếng cách đây vài thế kỷ. Xưa kia, chính nón Chuông là vật tiến cống cho hoàng hậu và công chúa, đồng thời cũng là thứ trang sức cho các bà,các chị, nhất là những thiếu nữ.
Vừa là mốt mới vừa tiện lợi cho công việc đồng áng nên lúc đó ở Bắc kỳ, nón Huế bán đắt như tôm tươi. Cung không đủ cầu có lúc giá lên đến một hào rưỡi một cái, trong khi đó nón thúng bán 2 xu không ai mua ! Lại đúng lúc kinh tế khủng hoảng, làng Chuông đã sa sút lại càng ngập sâu trong sa sút.
Người làng bỏ đi gần hết, cái làng gần một trăm nóc nhà vậy mà chỉ còn lưa thưa mấy ông bà già. Cái đói khiến họ không còn thiết tha với làng Chuông và muốn quên hẳn nghề làm nón quai thao mặc dù chính nó đã nuôi cái làng này hơn 500 năm có lẻ.
Hai Cát cũng bỏ làng đi ra chốn kinh kỳ đem theo nghiệp làm nón quê nhà. Khốn nỗi, nơi Hà thành nón nhiều khủng khiếp, nhất là phố Hàng Nón, mốt cách tân áo dài lại càng làm cho nón Huế lên ngôi. Thế là rõ. Chẳng còn có thể trông cậy gì vào nghề làm nón thúng quai thao.
Biết nón Huế lúc bấy giờ được sản xuất ở Trung kỳ rồi chuyên chở ra Bắc. Trong đầu chàng trai trẻ Hai Cát lóe lên ý nghĩ: Vậy tại sao ta lại không làm nón kiểu Huế ngay tại Hà thành này ? Và rồi anh quyết tâm thực hiện bằng được .
Với đôi bàn tay của người thạo nghề cùng với chút sáng tạo của tuổi trẻ, lại thêm cái đói thúc đẩy, Hai Cát dốc toàn bộ vốn liếng mua nguyên liệu về làm nón Huế. Lúc bấy giờ Bắc kỳ không có lá gồi, ông dùng lá cọ, vốn làng Chuông vẫn dùng để làm nón quai thao. Sau bao lần thí nghiệm thất bại, chiếc nón do ông làm tuy đã đẹp nhưng vẫn vàng khè so với nón Huế. Đúng là không phải lá gồi thì không thể nào làm được nón Huế.
Không ngần ngại, ông vào tận Quảng Trị mua lá gồi mang ra, làm lại từ đầu. Và lòng kiên trì đã dẫn tới thành công. Năm 1930, ở hội chợ Trường Đấu Xảo - Hà Đông, nón của Hai Cát được đánh giá rất cao, được chính quyền sở tại cấp giấy hành nghề, hiệp hội Hàng nón chứng nhận chất lượng cao hơn cả nón Huế. Thế là Hai Cát trở về bản quán với nghề làm nón mới cùng với 6 cái giấy phép dạy nghề làm nón xuyên suốt từ Hà Đông, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.
Làng Chuông lúc đó đã điêu tàn lắm lắm, người dân li tán gần hết. Nhưng rồi nhờ tài năng và danh tiếng Hai Cát, sau một năm số người làng quay về ngày một đông, hồi sinh lại làng Chuông sau 30 năm tưởng sẽ không bao giờ làm nón nữa.
Khi làng Chuông đã khôi phục nghề cũ, Hai Cát đi các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình để dạy nghề làm nón. Dân nghèo hoan hỷ học nghề của ông. Nghề làm nón của Hai Cát đã thực sự cứu đói cho khá nhiều nông dân.
Là người đầu tiên đem nón Huế ra Bắc. Nhưng Hai Cát không tham làm giàu cho riêng mình mà truyền dạy nghề cho người dân không một chút tính toán, đem lại cơm ăn, áo mặc cho hàng vạn gia đình nghèo.
... Thấm thoắt hơn 70 năm gắn bó với nghề nón. Giờ đây, ông Hai Cát đã ở tuổi tám mươi. Mắt không phải đeo kính, tai không điếc nhưng tay run lắm rồi, ông không thể khâu được, chỉ ngồi xem người bạn đời đã gắn bó với ông suốt 60 năm khâu nón. Các con ông bây giờ không ai làm nón, kẻ trong Nam, đứa ngoài Bắc. Căn nhà chỉ còn hai ông bà già sớm tối bên nhau. Cuộc sống đơn sơ giản dị nhưng cũng đầy hạnh phúc.
Làng Chuông với nghề làm nón giờ đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Ngôi làng nhỏ bé luôn tấp nập khách ra vào. Khách đến làng không chỉ để đặt hàng mà còn muốn tham quan, tận mắt chứng kiến công việc làm nón.
Ngày nay, cùng với xu thế cách tân nữ phục truyền thống, chiếc nón cũng được đa dạng hóa thêm, thị trường nón lại mở ra một hướng khác. Bất cứ người khách du lịch quốc tế nào đến Việt nam đều yêu thích chiếc nón. Chính vì thế, người làng Chuông làm những chiếc nón đủ các kích cỡ, phục vụ nhu cầu của khách quốc tế …
Hôm nay, nhìn làng nghề ngày càng sung túc, ông Hai Cát cũng thấy mừng. Có lẽ ông coi sự no ấm, hạnh phúc của làng chính là của mình. Cũng như hầu hết người dân làng Chuông, ông chỉ có một niềm mong ước: Nghề làm nón sẽ được lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Đất nước đổi mới, hội nhập, thời trang hiện đại xuất hiện trăm nghìn loại mũ nón khác nhau, nhưng mãi mãi trong mọi ca khúc, vũ điệu, trong tiềm thức của người dân cả nước và thế giới, vành nón luôn là hình ảnh đặc trưng của bản sắc trang phục phụ nữ Việt Nam, lãng mạn, kiêu sa và bình dị.
Có lẽ bởi thế, nguyện vọng của người dân làng Chuông cũng là mong muốn của nhân dân Thủ đô và cả nước.
Đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, lâu năm
Đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm
Bồi hoàn nếu chất lượng không đúng
Nhiều ưu đãi giá tốt cho khách hàng
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420