Hội Tôn cổ tự hiện nay tọa lạc trong một khuôn viên rộng hơn 1 ha, tại ấp Quới Hòa Đông, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành. Đến chùa Hội Tôn, du khách phải bước qua một khoảng sân rộng để vào tòa chính điện. Trong khu hoa viên, du khách sẽ được đắm mình trong cảnh sắc thanh tịnh của chốn thiền môn với nhiều cây cổ thụ và hoa kiểng có hình dáng và màu sắc phong phú, đa dạng. Tại đây, du khách sẽ bắt gặp một cây dương đã ngoài 200 tuổi mà người ta cho rằng do vị hòa thượng trụ trì đời thứ 2 của Hội Tôn cổ tự là cụ tổ Khánh Hưng trồng lên, hay một cây khế đã hơn 150 tuổi cùng hai cây sala song trụ, trổ hoa đầy quanh thân cây. Đặc biệt, tại đây được an trí miếu và nhiều tượng thờ thần Phật. Bên phải lối đi là miếu thờ Thủy thần, và giữa hai cây sala là tượng Phật nhập niết bàn, tượng Quán Thế Âm Bồ tát lộ thiên, tượng Thích ca Mâu ni, Bổn sư thành đạo, bên trái là miếu thờ Sơn thần và tượng Phật tọa thiền dưới cội bồ đề.
Cửa chùa
Khu chính điện chùa với hệ mái được kiến thiết thành ba tầng mái chồng lên nhau theo kiểu thức “trùng thềm điệp ốc”, hệ mái với những đầu đao vuốt cong theo mô típ hoa hoa sen uốn lượn mềm mại. Bên trên nóc là hình hoa sen đang nở giữa bầu trời. Bên dưới là một tòa sen rộng, tạo nên một không gian yên tĩnh, trầm mặc của chốn tu hành.
Bên trong chính điện, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, người có công khai sáng đạo từ bi, đang ngồi trên một tòa sen cao, xung quanh có ánh hào quang với vô số đức Phật và Bồ tát ẩn hiện. Hai bên thờ hai vị: Bồ tát Văn Thù được tạc bằng đá, cưỡi trên mình Thanh sư, tượng trưng cho trí tuệ của con người; và Bồ tát Phổ Hiền đang ngồi trên Bạch tượng, tượng trưng cho tấm lòng từ bi, bác ái phổ độ chúng sinh. Đặc biệt, tại đây có thờ Tháp Xá Lợi Phật và Bồ tát được các hòa thượng trụ trì chùa Hội Tôn thỉnh về thờ đầu tiên trong tỉnh. Ngoài ra, hai bên Đức Phật thích ca là hai vị Bồ tát Xá Lợi Phật và Bồ tát Mục Kiền Liên, hai vị Bồ tát này, một người được xem là có trí tuệ bậc nhất, hơn 40 năm cận kề đức Thái Tôn, chăm lo cho Đạo pháp, nổi tiếng tôn sư trọng đạo; và một người có tấm lòng từ bi, đại hiếu với mẹ cha, tạo nên mùa Vu lan cho Phật giáo.
Phía chính diện chùa
Phía sau Phật Thích ca, bên phải thờ Đông Phương Dược sư Phật, đây là vị phật chăm lo cho sức khỏe, giải trừ bệnh tật, nghiệp chướng giúp cho thân tâm được yên vui. Bên trái thờ Phật A Di Đà ở giữa, hai bên là Bồ tát Quán Thế âm và Bồ tát Đại Thế Chí, nơi đây thể hiện cho thế giới bền vững, an vui và tuổi thọ bền lâu, vô hạn. Phía trước Phật Thích ca, bên trái thờ Long Hoa Di Lặc Tôn Phật, tượng trưng cho tương lai luôn bình an, hoan hỷ. Bên phải thờ U Minh Địa Tạng Bồ Tát, nhằm cứu giúp và cải hóa chúng sinh, tại đây, hai bên là tượng hai vị thần mặc áo võ tướng, tay cầm gươm, đây chính là hai vị thiện hữu – thiện báo và ác hữu – ác báo thể hiện triết lý của đạo Phật xưa nay, làm việc thiện thì được hưởng thiện, làm việc ác sẽ bị trả báo. Tại 4 bệ thờ này, có tất cả 26 tượng cổ gồm tượng Phật: Di Lặc, Quan âm, Hộ Pháp, Long thần, Nam Tào, Bắc Đẩu… có niên đại hàng trăm năm được phối thờ tại đây. Ngoài ra, trên nóc chính điện là một khoảng trời thu nhỏ, trên đó có những án mây ẩn hiện hình ảnh các vị Phật. Có thể nói, cách bày trí tượng thờ tại chùa Hội Tôn phần nào gần giống với cách bày trí trong những ngôi chùa Việt ở miền Bắc, miền Trung, vì các vị thiền sư tạo lập chùa ở Nam bộ phần lớn xuất phát từ những nơi này.
Phía sau chính điện là Tổ đường. Giữa thờ Tổ sư Đạt ma, bên dưới là hình ảnh và những linh vị của các bậc thầy tổ trụ trì tại chùa. Như vậy, phần nhà Tổ của chùa Hội Tôn cũng như nhiều ngôi chùa khác ở Nam bộ nói chung, Bến Tre nói riêng là tiền Phật – Hậu Tổ, khác với miền Bắc, tiền Phật – Hậu Thánh.
Tại chùa hiện còn lưu giữ nhiều Phật bảo có giá trị về nghệ thuật và niên đại lâu đời. Tại chính điện chùa an trí một cây đèn Dược sư cao hơn 3m. Đây là một trong những đặc trưng của một số ngôi chùa cổ ở Nam bộ vì đây là vùng đất mới, nơi đây nảy sinh ra nhiều bệnh tật. Đèn Dược sư nhằm cầu nguyện đức Dược sư Lưu ly Quang Phật tiêu trừ bệnh tật, cứu khổ, cứu nạn cho người dân trong thời kỳ đầu khẩn hoang vùng đất này.
Bên cạnh đó, còn có Đại hồng chung do hòa thượng Khánh Hưng, trụ trì đời thứ 2 đặt đúc bằng đồng tại Huế năm 1805, nặng hơn 100 kg, được xem là một cổ vật quý. Quai Đại hồng chung được thể hiện đôi rồng đấu lưng vào nhau, hai đầu hướng về hai hướng, thân đại hồng chung được chia thành hai phần trên dưới, mỗi phần chia làm bốn ô, trên có đúc nổi những dòng chữ Hán: “Tín cúng Nguyễn Văn Đệ phổ nhất, Võ Thị Nguyệt phổ hiện/ Thập phương bổn đạo đẳng đáo đại hồng chung cúng/ Hội Tôn tự hòa thượng Khánh Hưng chứng minh/ Gia Long Ất Sửu niên (1805) thập nhất nguyệt đúc cúng”.
Bảo chung có niên đại muộn hơn, được đúc bằng đồng, quai cong hình rồng, hai đầu hướng về hai phía. Trên thân có các đường chỉ nổi chia chuông làm hai phần trên dưới mỗi phần được chia làm bốn ô, mỗi ô ở phần trên có chạm bốn con dơi ở bốn góc, bốn chữ xuân, hạ, thu, đông chia đều ở mỗi ô. Bốn ô dưới chạm hoa sen, long mã, rồng, phượng. Xung quanh đế có băng hồi văn hình chữ S. Trên chuông có dòng lạc khoản ghi niên đại: “Long phi Đinh Hợi niên tứ nguyệt thập cát nhật tân tạo”. Như vậy, chuông được đúc đúng vào tháng 4 năm Đinh Hợi 1887.
Đặc biệt, chùa còn giữ một bức hoành phi hình chữ nhật, do Hòa thượng Long Thiền tạo tác vào năm Nhâm Dần (1782), với chiều dài 1m60, rộng 0m80, sơn son thiếp vàng, xung quanh chạm nổi mười con rồng uốn lượn thể hiện nhân sinh quan, vũ trụ quan “Bốn phương trời, mười phương Phật” của triết lý nhà Phật. Ở giữa bức hoành có ghi hàng chữ Hán: “Hội Tôn tự”, hai bên bức hoành có 2 dòng lạc khoản “Tuế thứ Nhâm Dần niên chánh nguyệt cát đán” và “Thập phương bổn đạo đồng tạo”.
Ngoài ra, tại chùa còn lưu giữ bộ in kinh bằng gỗ được tạo tác vào năm Bính Tý 1876. Bộ Thập điện diêm vương được chế tác bằng đồng trong tư thế ngồi. Chum chứa nước bằng đất nung có màu nâu đỏ, cổ thắt, thân phình rộng phần vai thu nhỏ dần về phía đáy. Quanh vai có bốn dấu hoa văn đắp nổi. Chum được tạo tác năm 1886, đời hòa thượng Tâm Định. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ nhiều bộ tượng có niên đại thế kỷ XIX như tượng phật A Di Đà, Quan Âm, bộ tượng Ngọc Hoàng – Nam Tào – Bắc Đẩu... Tất cả đều được gìn giữ cho đến ngày hôm nay.
Đến nay, chùa đã trải qua 9 lần trùng tu, tôn tạo, lần đầu tiên vào năm 1786 dưới thời hòa thượng Long Thiền và lần trùng tu lớn lần thứ nhất dưới thời hòa thượng Khánh Hưng năm 1805. Trong lần trùng tu này, Hội Tôn cổ tự từ một thảo am có kiểu dáng hình tứ trụ, chuyển sang dạng chữ đinh (丁). Đến tháng 9 năm 2009, chùa được trùng tu, tôn tạo một lần nữa với kiểu dáng hoàn toàn khác trước đây. Hiện nay, chùa Hội Tôn là ngôi chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc hiện đại nhưng mang đậm những nét cổ xưa của một ngôi chùa truyền thống Nam bộ.
Để có một không gian thoáng đãng và trang nghiêm hơn nên chùa đang tiếp tục được trùng tu, tôn tạo. Các bộ tượng Phật cổ được quý thầy lưu giữ cẩn thận và nhang khói hằng ngày. Trong thời gian đến, khi Điện Quan Âm, Di Lặc và điện Đa Lộc được xây dựng hoàn chỉnh, thì toàn bộ những bộ tượng cổ tại chùa sẽ được sắp xếp lại theo trình tự hợp lý, để du khách trong và ngoài tỉnh mỗi khi có dịp đến viếng chùa được chiêm bái những pho tượng gắn liền với nhiều đời trụ trì và tấm lòng mộ đạo của cư dân nơi đây suốt bao thế kỷ qua trong lịch sử.
Khuôn viên chùa
Đến với Hội Tôn cổ tự, du khách còn bắt gặp những miếu thờ Thủy thần, Sơn thần, Ngọc Hoàng thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu,… vốn là những vị thần trong tín ngưỡng dân gian và trong Đạo giáo cũng được đưa vào nơi thờ Phật, tạo nên sự dung dị và hòa hợp giữa tín ngưỡng dân gian với tôn giáo trong đời sống của người dân nơi đây.
Hằng năm, vào những ngày lễ, hàng ngàn du khách trong và ngoài tỉnh đến viếng chùa để được lễ Phật nhằm cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và cũng là để tưởng nhớ về cội nguồn, về những bậc tiền nhân đã có công khai phá vùng đất này.
Tượng phật quan âm
Trong quá trình hình thành và phát triển, ngoài việc hoằng dương Phật pháp, chùa Hội Tôn đã có nhiều đóng góp vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, các vị trụ trì chùa đã nhiều lần cùng đồng bào, phật tử quyên góp tài vật ủng hộ nghĩa quân tham gia cuộc khởi nghĩa do Thủ Khoa Huân lãnh đạo. Đặc biệt, trong cuộc khởi nghĩa ở Ba Châu, huyện Giồng Trôm dưới ngọn cờ của Tán Kế – Lê Quan Quang, Hội Tôn cổ tự đã có 10 môn sinh tham gia và đã oanh liệt ngã xuống. Còn trong phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Nam bộ, các vị hòa thượng trụ trì chùa Hội Tôn cũng đã thuê người chạm khắc in kinh bằng gỗ, gửi kinh đến các chùa để cùng hưởng ứng phong trào.
Ngày nay, chùa Hội Tôn là nơi đặt văn phòng Ban đại diện Phật giáo huyện Châu Thành. Chùa đã tham gia tích cực các phong trào từ thiện xã hội của địa phương. Với bề dày lịch sử cùng những hiện vật quý có niên đại hàng trăm năm còn tồn tại đến ngày nay, chùa Hội Tôn xứng đáng là một ngôi cổ tự trên đất Quới Sơn cần được bảo tồn và gìn giữ.
Đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, lâu năm
Đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm
Bồi hoàn nếu chất lượng không đúng
Nhiều ưu đãi giá tốt cho khách hàng
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420