Chùa Hòe Nhai (quận Ba Đình) tọa lạc trên khuôn viên rộng, không gian xanh mát bóng cau, cây bồ đề cổ thụ. Chùa gồm hai bái đường, mỗi tòa 5 gian, chính điện 3 gian và nhà tổ 7 gian tạo thành hình chữ công. Sân chùa có hai ngọn tháp cao ba tầng, bên cạnh dựng hai bia đá lớn.
Trong chùa, du khách vãn cảnh sẽ nhìn thấy một bức tượng "Vua sám hối". Theo trụ trì chùa, pho tượng này là kết quả từ một cuộc pháp nạn của các tăng ni Phật giáo Việt Nam năm 1678. Lúc đó, Phật giáo không còn được đứng ở vị trí quốc giáo nữa, thay vào đó là Nho giáo thịnh hành.
Pho tượng độc đáo. Ảnh: giadinh.net
Vua Lê Hy Tông có một sắc lệnh đuổi hết các sư sãi lên rừng, nếu không tuân lệnh sẽ bị trừng trị. Lúc này, hòa thượng Chân Dun, vị sư Tổ thứ hai chùa Hòe Nhai đã viết bài biểu bỏ vào tráp đem đến triều đình dâng vua và tâu trong hộp có ngọc minh châu.
Khi vua mở hộp xem không thấy ngọc, chỉ có bài biểu nội dung nói về sự độ trì của đức Phật đã giúp các triều đại tại vị lâu bền. Sau đó, vua Lê hạ chiếu sám hối thay đổi thái độ với Phật giáo. Xuất phát từ việc này mà bức tượng một vị vua trong tư thế để Phật ngồi trên lưng đặt ở chùa Hòe Nhai.
Gian Quan âm chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm) đang trưng bày pho tượng hoà thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với kích cỡ như người thật. Tượng được đưa về chùa dịp lễ Tiểu tường - một năm ngày hoà thượng viên tịch. Nhiều người đi lễ chùa ngạc nhiên vì không biết đây là người thật hay tượng.
Bức tượng hòa thượng Thích Thanh Tứ như người thật. Ảnh: H. Hà
Tượng được làm tại Thái Lan trong một năm. Đây là thành quả của các tăng, ni, phật tử Thái Lan hiến tặng. Họ từng có tâm nguyện này từ năm 2008 nhân dịp Đại lễ Phật đản Liên hợp Quốc tại Hà Nội.Tượng được làm bằng sáp nhưng nhìn trông như người thật với từng đường nét trên khuôn mặt như đôi lông mày, nét mũi, miệng, nếp nhăn hai bên khóe mép, nếp nhăn cuối má, những đường gân hay nếp nhăn trên cổ... đều trông như của người sống. Bàn tay trái bức tượng đang lần tràng hạt, nét gân nổi xanh, bàn chân được tạo ngón với những đường nét rất chân thật.
Chùa Bộc thuộc làng Khương Thượng (quận Đống Đa) là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Ngôi chùa cổ kính, trầm mặc nằm bên con phố lúc nào cũng tấp nập. Trong tòa tam bảo của ngôi chùa ngoài thờ Phật, bên phía gian thờ bên phải còn có một ban thờ Đức Ông từ xa xưa đã mang nhiều bí mật.
Ở ban thờ này có tới 3 vị Đức Ông, trong đó, tượng Đức Ông to hơn, ngồi cao hơn một bậc, ở phía dưới có hai tượng ngồi. Pho tượng Đức Ông ngồi trên lại đội mũ xung thiên, một chân để trong hài một chân để ở ngoài dáng vẻ rất thoải mái. Ngài mặc áo ngoài có thêu rồng ẩn trong mây, lưng thắt đai trông rất oai nghiêm. Đây là điều hiếm thấy trong các pho tượng thờ Đức Ông ở các ngôi chùa khác. Cho đến ngày nay, cũng không ai biết được chùa được xây dựng từ thời nào.
Tượng Đức Ông với một chân trần độc đáo từ lâu vẫn luôn là điều bí mật. Ảnh: giadinh.net
Cách Hà Nội hơn 20 km, ngôi chùa Đậu nổi tiếng linh thiêng bởi hai pho tượng táng của Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường sau khi viên tịch, thân xác vẫn còn nguyên vẹn. Di hài của hai vị sư trong tư thế ngồi thiền, được bó sơn ta.
Nhiều nhà khoa học Việt Nam hiện nay vẫn chưa giải mã được bí ẩn về việc không cần đến một loại thuốc tẩm ướp xác mà di thể của hai vị thiền sư vẫn không bị phân hủy.
Ngoài những giá trị kiến trúc, chùa Đậu còn bảo lưu được nhiều di vật quý như: hai con chồn đá ở thềm Tam Quan có niên hiệu thời Trần, đôi rồng đá ở thềm Bậc Tiền Đường, đến nay đã có hơn 500 tuổi; các loại gạch đất nung có văn hoa thời Mạc, thời Lê…Với hai pho tượng táng quý hiếm và những di vật có giá trị, như vậy, chùa Đậu luôn là một bí ẩn và độc đáo đối với du khách khắp nơi.
Nguồn: Anh Phương
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420
Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.