logo-dulich24

Tư vấn du lịch Bắc Kạn

Tư vấn du lịch Bắc Kạn
 
 

Tư vấn du lịch Bắc Kạn

Bắc Kạn thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía đông giáp tỉnh Lạng Sơn, phía nam giáp tỉnh Thái Nguyên và phía tây giáp tỉnh Tuyên Quang.Bắc Kạn là tỉnh ít dân nhất cả nước. Bắc Kạn là tỉnh được thiên nhiên ban tặng cho nhiều phong cảnh thơ mộng, hữu tình với tiềm năng để khai thác du lịch rất lớn. Trong đó hồ Ba Bể tập trung nhiều thế mạnh phát triển du lịch sinh thái, văn hoá, cảnh quan. Ba Bể đang trở thành một trung tâm du lịch của vùng trung du và miền núi phía bắc
 

GIỚI THIỆU DU LỊCH BẮC KẠN

Đến Bắc Kạn, du khách sẽ được tham quan các điểm du lịch khác như: Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Đền Thắm, chùa Thạch Long, du ngoạn trên sông Cầu, sông Năng… Đặc biệt, du khách còn được đến thăm các bản làng dân tộc với những nét văn hoá truyền thống đặc sắc, được thưởng thức hương vị ngọt ngào của hồng không hạt, lê, cam quýt....với hương vị đặc biệt của núi rừng Việt Bắc


Du lịch Bắc Kạn

DI CHUYỂN ĐI LẠI Ở BẮC KẠN

Bắc Kạn cách Hà Nội 180km và cách Sài Gòn khoảng 1.800km.

Có 3 hướng chính để đến Bắc Kạn, một là từ các tỉnh miền Bắc, hai là từ miền Trung, ba là từ miền Nam. Song do quá trình di chuyển phức tạp, nên du khách miền Trung hay miền Nam thường dùng Hà Nội làm điểm trung chuyển. Vì thế, có thể tính như 2 hướng là các tỉnh phía Bắc và từ Hà Nội.

Đi bằng xe đò (xe khách):

Từ Hà Nội – Bắc Kạn có thể đi từ bến Lương Yên hoặc Mỹ Đình. Bạn nên liên lạc trước với xe hay bến xe để đến đúng giờ.

Đi bằng xe máy hay ô tô cá nhân:

Từ Hà Nội - Bắc Kạn đi theo đường số 3 qua Thái Nguyên lên Bắc Kạn mất khoảng 4 - 6 tiếng. Nếu thích ngắm biển, có thể di chuyển theo hướng từ cầu Thăng Long qua điểm soát vé đường cao tốc Bắc Thăng Long (khoảng 100m) rẽ tay phải lên đường cao tốc Nội Bài-Bắc Ninh, đến thị trấn Đông Anh, sau đó rẽ trái đi Sóc Sơn. Cung đường này rất đẹp nhưng phải chú ý bảng hướng dẫn, nếu không bạn sẽ bị lạc.

Đường Hà Nội - Bắc Kạn khá nhỏ, xấu. Di chuyển bằng xe máy thuận tiện hơn, riêng xe con thì phải từ loại 2 cầu trở lên.

Lưu ý khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân cần mang theo đầy đủ giấy tờ, cũng như tuân theo đầy đủ các yêu cầu về vận chuyển đường bộ. Đặc biệt, không chỉ cung đường từ Hà Nội - Bắc Kạn, mà trong lúc di chuyển giữa các địa danh, thắng cảnh cũng cần lưu ý xăng, xe, thức ăn và nước uống.

NÊN DU LỊCH BẮC KẠN VÀO THỜI GIAN NÀO

Có thể đến bất kỳ mùa nào trong năm, nhưng nếu đến vào tháng 8 – tháng 10, bạn nên mang theo dụng cụ đi mưa, đây cũng là thời điểm để bạn có cơ hội thưởng thức đặc sản quýt Quang Thái. Ngoài ra vào rằm tháng giêng, có lễ hội tại hồ Ba Bể.

ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN Ở BẮC KẠN

1. Hồ Ba Bể

Ba Bể là một hồ nước ngọt ở Bắc Kạn, Việt Nam. Nó là một trong một trăm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới và nằm trong vườn quốc gia Ba Bể, nơi đây được công nhận là khu du lịch quốc gia Việt Nam. Hồ được hình thành từ cách đây hơn 200 triệu năm. Cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ Camri, đã đưa một khối nước khổng lồ với diện tích bề mặt xấp xỉ 5 triệu m2 và chiều dầy hơn 30m lên lưng chừng vùng núi đá vôi, tạo ra hồ Ba Bể.


Hồ ba bể

2. ATK (Bắc Kạn)

Đến với khu di tích ATK – Bắc Kạn, ngoài việc tham quan các di tích lịch sử truyền thống, du khách còn có cơ hội tìm hiểu đời sống người dân địa phương, khám phá những nét đẹp văn hoá, đồng thời chứng kiến nhiều đổi thay trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.


ATK Bắc Kạn

3. Chùa Thạch Long

Chùa Thạch Long (Rồng đá) thuộc xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Nơi đây được mệnh danh là “chùa thiêng trong hang đá”. Ngôi chùa chứa trong mình nhiều sự tích, huyền sử đẹp. Vào sâu trong lòng hang sẽ càng thấy không gian rộng với nhiều nhũ đá kỳ vĩ do thiên nhiên kiến tạo đặc sắc. Du khách thập phương đến đây không chỉ để bày tỏ lòng thành, cầu may mắn bình an mà còn có dịp chiêm ngưỡng thắng cảnh do thiên nhiên ban tặng.


Chùa Thạch Long

4. Thác Đầu Đẳng

Cách động Puông chừng 4km theo dòng sông Năng, một con rạch bên tay trái sẽ đưa du khách từ sông Năng nhập vào hồ Ba Bể, nhưng hãy khoan rẽ vào hồ vội mà hãy đi tiếp chừng 2,5km để đến bản người Tày Hua Tạng (xã Nam Mẫu) tại nơi tiếp giáp tỉnh Tuyên Quang, mà theo tiếng Kinh có nghĩa là Đầu Đẳng. Tại đây thuyền không thể đi tiếp vì dòng sông Năng bị những khối đá lớn nhỏ xếp chồng trên một đoạn dài gần 2km chia dòng nước thành nhiều dòng nhỏ chảy xiết tạo nên một thác Đầu Đẳng vừa bề thế vừa ngoạn mục.


Thác Đầu Đẳng

5. Động Puông

Có dịp theo dòng sông Năng đến với hồ Ba Bể, du khách nên một lần dừng chân ghé thăm động Puông, để chiêm ngưỡng một hang động kỳ ảo, lung linh mà tạo hóa ban tặng cho người dân Bắc Kạn. Ngồi trên con thuyền nhỏ, nhẹ lướt với tiếng mái chèo khỏa nước tưởng như tiếng gõ nhịp cầm canh, đưa du khách lạc vào một miền quê ký ức với nhiều cảm xúc…


Động Puông

6. Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ thuộc huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, có diện tích trên 14.000ha, trải dài từ các xã Vũ Muộn, Cao Sơn (huyện Bạch Thông) tới các xã Lương Thượng, Ân Tình, Côn Minh (huyện Na Rì), là nơi lưu giữ được hiện trạng nguyên sơ của thiên nhiên kỳ thú cùng với một hệ sinh thái động, thực vật phong phú và đa dạng, với rừng trên núi đá vôi, biểu trưng cho giá trị độc đáo của vùng Đông Bắc Việt Nam.


Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ

7. Động Nàng Tiên

Động Nàng Tiên thuộc xã Lương Hạ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, là một hang đá tự nhiên có từ lâu đời và đã được Bộ văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1999. Nhìn từ xa, động như một thiếu nữ đang nằm ngủ, còn bên trong động lại lung linh huyền ảo bởi những mảng thạch nhũ.


Động Nàng Tiên

8. Ao Tiên

Ao Tiên là một hồ nước nhỏ, rộng chừng 3 ha nằm trên đỉnh núi. Bị bao bọc bởi rừng nhiệt đới nên khí hậu ở đây rất mát mẻ và trong lành. Tương truyền đây chính là nơi các nàng tiên trên trời thường xuống tắm và đánh cờ


Ao Tiên

9. Phya Khao

Điểm du lịch Phya Khao thuộc huyện Chợ Đồn, là nơi có khí hậu ôn hòa, môi trường trong sạch. Độ cao trung bình so với mặt biển là 800 m (2,400 ft), khí hậu ở đây ấm áp về mùa đông và mát về mùa hè. Trước kia Pháp đã tìm ra địa điểm có khí hậu tuyệt vời này và đã cho xây nhà nghỉ mát tại đây


Phya Khao

10. Lễ hội hồ Ba Bể

Lễ hội Hồ Ba Bể được tổ chức vào ngày mùng 9 và 10 tháng giêng âm lịch hàng năm. Ðua thuyền, ném Còn, đấu vật, bắn cung và biểu diễn múa, hát truyền thống của các dân tộc được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Lễ hội cũng giúp cho khách thập phương hiểu thêm về con người và truyền thống văn hoá nơi đây.


Lễ hội hồ Ba Bể

11. Thác Roọm

Bắc Kạn – một tỉnh miền núi Phía Bắc với những địa điểm du lịch còn mang đậm chất nguyên sơ của núi rừng, của hang động, của thác nước gập ghềnh. Đặt chân trên đất Bắc Kạn, chắc hẳn rằng du khách sẽ tìm đến Hồ Ba Bể, Vườn quốc gia Ba Bể, Động Puông đã quá nổi tiếng cả trong nước và quốc tế. Nhưng sau đó, không vị khách nào lại bỏ qua cơ hội tận mắt chứng kiến vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của Thác Roọm


Thác Roọm

12. Vườn quốc gia Ba bể

Ba Bể đẹp ở khung cảnh tĩnh lặng, màu xanh bạt ngàn của hệ sinh thái rừng, ở những nét văn hóa đặc sắc rất riêng của đồng bào các dân tộc nơi đây. Hồ Ba Bể với những vách núi đá vôi dựng đứng, được gắn với câu chuyện cổ tích của đảo Bà Góa (Pò Giả Mải) kể về biến cố của thiên nhiên để tạo ra hồ Ba Bể; động Hua mạ còn gọi là Động treo, có vô số các nhũ đá rất đặc biệt kỳ vĩ, chỗ như bông hoa, có nơi lại như đức Quan Âm Bồ Tát đưa tiễn thầy trò Tam Tạng đi lấy kinh, lại có chỗ như một thủy cung, một hoàng cung trong buổi thiết triều. Động Hua Mạ còn gắn với câu truyền thuyết dân gian bi hùng và anh dũng.


Vườn quốc gia Ba Bể

ĂN GÌ? Ở ĐÂU?

1. Tôm chua Ba Bể

Tôm chua là món ăn ngon, có mặt ở nhiều nơi và nhiều vùng chế biến nhưng tôm chua ở Khang Ninh- Ba Bể có một hương vị rất riêng biệt của vùng miền núi Việt bắc. Du khách đến Bắc Kạn mà không được thưởng thức tôm chua Ba Bể thì thật sự đáng tiếc . Hiện nay cứ 5 ngày một phiên tôm chua được bày bán tại chợ Khang Ninh (trên đường du khách vào tham quan hồ Ba Bể) bởi lẽ nó không chỉ là món ăn quen thuộc của đồng bào miền núi nữa mà nó đã được nhiều du khách thập phương biết đến.

TomChua Ba Be Đặc sản Bắc Kạn   Đến Bắc Kạn ăn gì ?
Tôm chua Ba Bể

2. Cá nướng Ba Bể

Cá trong hồ Ba Bể có rất nhiều, thường được người dân đánh bắt thủ công, số lượng cá không nhiều nhưng chất lượng thì thật tuyệt vì thịt cá trắng, chắc và có vị ngọt. Người ta chọn lấy loại cá chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, loại cá này vừa giống như cá bống, vừa giống con cá nẹp ở xuôi để làm món cá nướng.

canuonghobabe Đặc sản Bắc Kạn   Đến Bắc Kạn ăn gì ?
Cá nướng Ba Bể

Không gì khoái bằng ngồi bên bờ hồ Ba Bể, nhâm nhi đĩa cá nướng chấm tương ớt với vài chén rượu ngô. Vị cá thơm lừng, thịt cá bùi và dai. Rượu ngô cay cay nhưng vẫn có vị ngọt đâu đây nơi cuống lưỡi. Cùng ngắm cảnh hồ Ba Bể, thần tiên và thăng hoa hơn bất cứ mâm cao cỗ đầy nào khác.

3. Khâu nhục

Món khâu nhục làm cũng lắm công phu, khoai được chọn phải là khoai môn Bắc Kạn, bên trong lòng khoai có vân màu tím . Thịt lợn phải là thịt ba chỉ ngon, luộc sơ qua,dùng tăm tre chọc bì thật kĩ ,tẩm ướp gia vị rồi đem quay, vưa quay vừa quết mật ong cho vàng bì . khoai cũng phải rán vàng . mọi thứ được xếp vào bát, cứ một miếng khoai,một miếng rhịt ,cho nhân được làm bằng thịt, nấm hương, mộc nhĩ …đã xào lên trên hấp cách thuỷ khoảng 5 tiếng đồng hồ .

khaunhuc Đặc sản Bắc Kạn   Đến Bắc Kạn ăn gì ?
Khâu Nhục

Món khâu nhục làm cầu kì nhưng ăn lại rất ngon nên nhân dân Bắc Kạn thường dành vào những dịp đặc biệt như lễ tết, cưới hỏi và vào nhà mới . Chỉ cần thử một chút bạn cũng đủ cảm nhận được hết hương vị của món đặc sản này, vị béo ngậy của thịt, vị thơm của khoai dã hầm bở … tất cả đều kết tinh trong món ăn. Ngưòi Bắc Kạn rất tự hào vì ngoài đặc sản cơm lam, bánh gio, tôm chua… còn có thêm món khâu nhục và họ không bỏ qua cơ hội để giới thiệu đặc sản của quê hương mình với thực khách gần xa .

4. Trám đen

Nếu đã thưởng thức các món ăn từ trám đen thì thật khó quên hương vị của nó, vị bùi, ngậy, đậm đà, trám đen là đặc sản của rừng núi Việt Bắc nói chung và Bắc Kạn nói riêng, quả trám hoàn toàn trong môi trường tự nhiên không bị ảnh hưởng hay tác động bởi hóa chất.

tram den Đặc sản Bắc Kạn   Đến Bắc Kạn ăn gì ?
Trám đen

Trám kho với thịt lợn ba chỉ là món ăn ngon. Đặc biệt người dân địa phương thường dùng trám để đồ xôi hay còn gọi là “xôi trám”, trám sau khi om mềm, bóc tách vỏ, trộn với xôi vừa đồ chín còn nóng hổi sẽ có món xôi trám đen vị ngon đặc trưng. Xôi trám có thể ăn không hoạc ăn kèm với thịt băm, lạc vừng …rất phù hợp trong tiết trởi se lạnh của mùa thu.

5. Măng vầu

Rừng Bắc Kạn có rất nhiều loại măng như: Măng tre, măng trúc, măng nứa, măng mai,… Nhưng nếu nói là đặc sản phải kể đến thứ “măng vầu” hay còn gọi là “măng đắng”. Cây măng vầu có sức sinh sôi thật kỳ diệu, cứ đào hết đợt này măng lại lên đợt khác cứ tựa hồ như sấm gọi. Rừng vầu cứ khai thác hết năm này đến năm khác.

mang vau-bac-kan
Măng vầu

Nhưng ngon hơn cả vẫn là món măng luộc chấm mắm tôm chanh ớt. Có thể luộc cả măng củ và măng cái. Người không ăn được đắng có thể ăn loại măng củ luộc, chất non ngọt của củ măng tạo cho món ăn một hương vị dìu dịu, mát ruột và rất dễ ăn. Những người sành ăn măng thì hay chọn ăn loại măng luộc thật đắng. Vì như vậy mới cảm nhận hết được sự thú vị của món ăn này, cái cảm giác đắng, chát cứ mất dần sau mỗi miếng nhai nhẩn nha thay vào đó là cảm giác thoang thoảng ngọt, nhẹ nhẹ cay, rất lạ. Và khi đã ăn một lần đều muốn ăn thêm lần sau.

6. Rau Bồ Khoai

Rau Bồ Khai thường mọc trên những vùng núi đá cheo leo, ngọn rau giống như cây tầm gửi, thân bám vào những cây gỗ lớn để vươn lên đón lấy cái trong trẻo của ánh sáng và khí trời. Ngọn rau thoạt nhìn giống ngọn mướp hương nhưng mảnh mai hơn và có màu xanh non tơ như lá cành mới nhú. Khoảng mùa xuân, bồ khai bắt đầu trổ ngọn xanh tốt. Người dân trong vùng đã quen với mùa đi hái Bồ Khai. Vào dịp này, ở khắp các phiên chợ vùng cao nơi đây đều có bày bán rau Bồ Khai.

rau bo khai Đặc sản Bắc Kạn   Đến Bắc Kạn ăn gì ?
Ray bồ khoai

Bồ Khai mang về chẳng phải chế biến cầu kì gì nhiều, chỉ cần nhặt sạch, phi tỏi thơm trên bếp rồi đổ rau vào xào to lửa là đã có một món rau hấp dẫn, xanh mướt, thơm giòn…Bồ Khai còn được dùng làm món phở xào, mì xào hay xào lẫn với thịt bò. Rau Bồ Khai có một mùi vị rất riêng, không thể tìm được sự tương đồng ở bất cứ loại mùi vị nào khác.

7. Rau dớn

Rau dớn là một loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, cành dài lá nhỏ, mặt lá có màu xanh nhẵn, cuống lá có lông. Ở Bắc Kạn, rau dớn thường mọc ở vùng núi cao, nơi ngọn nguồn của các con sông, con suối và thường mọc ở bờ suối, bờ khe, nơi có độ ẩm ướt cao. Rau dớn ăn ngon nhất là sau mùa lụt đến cuối mùa xuân. Lá rau dớn non uốn cong như vòi voi, có nhựa nhớt, cây xanh tươi tốt quanh năm. Đồng bào thường chỉ hái ngọn cong non, lá bánh tẻ để ăn.

raudon Đặc sản Bắc Kạn   Đến Bắc Kạn ăn gì ?
Rau dơn

Đồng bào dân tộc ở Bắc Kạn có thể chế biến các món ăn độc đáo từ rau dớn như: Rau dớn xào tỏi, rau dớn xào cùng nước măng chua… nhưng món ngon nhất phải kể đến món nộm. Món nộm rau dớn chỉ cần vài mớ rau, lạc rang giã nhỏ, chanh và một số loại rau thơm như húng, mùi tàu, ớt, tỏi và một chút muối, mì chính. Sau khi sơ chế, bỏ rau vào bát to, cho rau thơm, ớt, gừng, tỏi, nước chanh tươi, mì chính và muối trắng trộn đều. Để khoảng 5 phút cho ngấm gia vị, sau đó cho lạc rang giã nhỏ vào là có thể ăn ngay được. Món nộm rau dớn khi ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của các loại rau, vị bùi của rau dớn, vị chua ngọt xen lẫn một chút vị cay của ớt. Rau dớn còn có tính mát, lợi tiểu, chống táo bón, làm ngưng các cơn đau âm ỉ do viêm đại tràng, giúp dễ ngủ, giúp cơ thể khoẻ mạnh.

8. Rau sắng

Không giống như các loại rau khác chỉ cần trồng ngày một ngày hai là được hái lá, rau sắng từ khi trồng đến khi được hái lá lần đầu tiên phải sau ít nhất là 3-5 năm, và sau 10 năm mới được thu hoạch với số lượng lớn. Cây sắng cao hơn đầu người, cành lá sum sê. Cuối mùa đông cây ngót rụng hết lá già, mùa xuân, khoảng tháng tháng 2, cây bắt đầu ra những đọt lá non đầu tiên, và đến tháng 3 tháng 4 là mùa thu hoạch ngọn, lá và cả những chùm hoa.

Rau sang Đặc sản Bắc Kạn   Đến Bắc Kạn ăn gì ?
Rau sắng

Lá rau dùng để nấu canh với thịt hoặc cá. Mùi vị của loại rau này rất đậm đà, chỉ cần một vài cọng cũng đã đủ để có thể nấu bát canh thơm ngon cho 4 người ăn.Theo kinh nghiệm của người dân, phải ăn canh rau sắng nấu suông, nêm một chút muối, chậm rãi nhai kỹ từng chiếc lá nhỏ, thưởng thức thật sâu, thật kỹ vị ngọt, vị bùi khó tả của nó thì mới cảm nhận được hương vị đặc biệt của cây rau sắng. Những cây rau sắng đực cho những chùm rồng rồng. Loại này có thể nấu canh và ngon hơn nữa là xào với thịt bò.

Quả sắng hình bầu dục, to như quả nhót, khi chín có mầu vàng sẫm, ăn có vị ngọt đượm như mật ong. Hạt của quả sắng sau khi bóc vỏ đem ninh với xương rất thơm ngon, có vị ngọt, bùi.

9. Mèn mén

Mỗi dân tộc đều có những món ăn đặc sắc, mang đậm nét truyền thống của dân tộc mình. Khi nhắc tới những đặc sản truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, không thể không kể tới món “Mèn mén”.

menmen Đặc sản Bắc Kạn   Đến Bắc Kạn ăn gì ?
mèn mén

Mèn mén khi đã chín có vị thơm, dẻo, rất đậm đà. Ăn mèn mén bao giờ cũng kèm thêm một bát canh. Người Mông thường ăn món này với canh bí để tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn.
Ngày nay, khi cuộc sống của người Mông đã đầy đủ hơn, món Mèn mén đã không còn là món ăn chính trong bữa ăn hàng ngày nhưng mỗi dịp lễ tết, hội hè… vẫn không thể thiếu món ăn truyền thống Mèn mén.

10. Bánh gio Bắc Kạn

banhgio Đặc sản Bắc Kạn   Đến Bắc Kạn ăn gì ?
Bánh gio

Bánh gio đã có ở Bắc Kạn hàng trăm năm, làm bánh gio cầu kì đòi hỏi người làm phải khéo tay, tinh mắt . Muốn làm bánh được ngon ta phải bắt đầu từ khâu chọn loại cây đốt thành gio trắng mịn đem hoà với nước vôi có nồng độ thích hợp, quan trọng nhất là khâu thử độ đậm nhạt của nước gio trước khi ngâm gạo .Bánh gio ngon là phải mịn, dẻo, dai và có vị đậm đặc trưng, mát, lành và để được rất lâu .Trưa hè oi bức bóc chiếc bánh gio chấm mật mới cảm nhận được hết hương vị của đặc sản này.

11. Bánh Coóc Mò

banhcocmo Đặc sản Bắc Kạn   Đến Bắc Kạn ăn gì ?
Bánh Coóc Mò

Coóc mò cũng là một loại bánh được bà con các dân tộc Bắc Kạn hay làm. Mới nhìn qua nhiều người nhầm là bánh gio vì hình thức bánh coóc mò cũng giống như vậy . Bánh cũng được gói theo hình chóp nhưng lá gói bánh lại là lá chuối . Bánh coóc mò ăn có vị đậm và thơm bởi được làm từ gạo nếp nương và lạc nhân đỏ . Ăn không ngán vì dễ ăn và mùi vị hợp với nhiều người, bánh coóc mò rất hợp với những bữa điểm tâm buổi sáng. Bóc chiếc bánh xanh rền, ăn dẻo, thơm bạn mới thấy hết ý nghĩa của món bánh này. Nếu ghé Bắc Kạn bạn đừng quên thưởng thức món ăn giản dị mà hấp dẫn này.

KHÁCH SẠN Ở BẮC KẠN

cảnh quan
Khách sạn bắc Kạn

 

Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420

Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.

 
 
 

Điểm du lịch liên quan

ATK (Bắc Cạn)

ATK (Bắc Cạn)

thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn
Chùa Thạch Long

Chùa Thạch Long

xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn
Động Nàng Tiên

Động Nàng Tiên

Na Rì - Bắc Kạn - Việt nam
Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ

Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ

Na Rì - Bắc Kạn - Việt nam
Ao Tiên

Ao Tiên

Tỉnh Bắc Kạn,Việt Nam
Phya Khao

Phya Khao

Chợ Đồn - Bắc Kạn - Việt nam
Thác Roọm

Thác Roọm

Xã Quang Thuận, Huyện Bạch Thông, Tỉnh Bắc Kạn
Thác Đầu Đẳng

Thác Đầu Đẳng

Ba Bể - Bắc Kạn - Việt nam
Ðộng Puông

Ðộng Puông

Ba Bể - Bắc Kạn - Việt nam