Đường về bản Tả Pìn – Ảnh: Mỹ Phượng
Mông, Dao đỏ, Giáy là ba dân tộc thiểu số sinh sống đông nhất ở huyện Sa Pa, Lào Cai. Mỗi dân tộc mang trong mình những nét đặc sắc về văn hóa và sức hấp dẫn riêng có. Trong đó phải kể đến bản Tả Phìn – nơi quần tụ rất đông dân tộc Dao đỏ với phong tục truyền thống rất đáng để du khách ghé tới tìm hiểu.
“Sa Pa đồi núi hồn nhiên
Chập chùng thửa ruộng lạc miền bậc thang
Xa xa thung lũng tơ vàng
Như trôi vào chốn bạt ngàn xứ tiên”.
Vùng đất Sa Pa quả là rất xứng đáng được viễn khách tặng lại những câu thơ này. Rời xa phố thị ồn ào, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi trước mắt là con đường trải dài hai bên là những thửa ruộng bậc thang đang độ chín vàng.
Bờ ruộng uốn lượn ôm sát lưng đồi tạo thành những đường cong mềm mại nối tiếp nhau dẫn tới bản Tả Phìn.
Từ trung tâm thị trấn Sa Pa, bạn có thể thuê một chiếc xe máy để tự lái tới bản Tả Phìn cách đó chừng 12km về phía Đông. Đường đi tới bản Tả Phìn có nhiều đoạn dốc cao, ngoằn nghèo và gồ ghề nên hãy đảm bảo rằng tay lái bạn đủ chắc để vừa đi, vừa có thể vãn cảnh ở đây.
Điểm đầu tiên du khách nên dừng chân là tu viện cổ Tả Phìn – nơi tu hành của 12 nữ tu theo dòng tu khổ hạnh của Hội thánh Kito bị trục xuất ra khỏi Nhật Bản, lưu lạc đến xứ đạo Lào Cai.
Tuy giờ chỉ là phế tích, còn lại với thời gian là những bức tường đá nhưng tu viện vẫn giữ những giá trị văn hóa và nét kiến trúc độc đáo thời thuộc Pháp đằng sau những lớp bụi thời gian phong kín.
Tu viện cổ Tả Phìn nay chỉ còn là phế tích hoang tàn sau lớp bụi thời gian – Ảnh: Mỹ Phượng
Đi sâu vào trung tâm bản, bạn nên dừng lại trước một nhà dân để gửi xe và đi bộ vào trong tham quan vì đường đi khá nhỏ.
Khi bạn xuống xe ngay đầu bản, người Dao đã thể hiện lòng mến khách bằng nụ cười và những câu chào hỏi tíu tít, mời khách ghé thăm và giới thiệu những nét văn hóa của dân tộc họ thể hiện ngay trong cách bố trí và sắp xếp các dụng cụ.
Người Dao thường xây nhà theo ba loại hình: nhà đất, nhà sàn và nhà nửa sàn – nửa đất, nhưng phần lớn người Dao đỏ ngụ ở bản Tả Phìn lại rất chuộng nhà đất với ba hoặc năm gian đứng (không có chái). Người ta cho rằng có ở nhà nền đất thì mới có chỗ để cúng Bàn vương.
Người Dao đỏ thường sinh sống hai ba thế hệ trong một ngôi nhà gỗ nhiều gian. Trong đó, họ bố trí hai bếp, một bếp chính để nấu ăn và một bếp phụ ngay gần cửa để sưởi ấm mùa lạnh giá.
Ở một vài góc gian giữa, không khó để bạn nhận ra những loại rau củ quả mà người dân trữ sẵn để sử dụng dần. Còn phía trên gác nhà xếp rất nhiều ngô để ăn trong năm vì mỗi năm họ chỉ thu hoạch được một vụ ngô mà thôi.
Những góc bài trí đồ vật ngôi nhà đất của người Dao đỏ – Ảnh: Mỹ Phượng
Ngoài công việc chính một năm một vụ trồng ngô và hai mùa lúa, những phụ nữ Dao đỏ ở nhà dệt đồ thổ cẩm hoặc hái lá thuốc trên rừng để biến chúng thành sản phẩm độc đáo phục vụ khách du lịch muôn phương đổ về.
Từ xưa, người Dao thường dùng những vị lá thuốc từ trên rừng về nấu nước tắm vào ngày cuối năm để đón năm mới. Nhận thấy việc tắm lá thuốc có tác dụng tốt cho sức khỏe, nhiều người dân đã linh hoạt mở dịch vụ tắm tại bản hoặc bán lá thuốc cho khách du lịch mang về.
Để tắm lá thuốc theo truyền thống của người Dao đỏ, mỗi thùng nước tắm thường dùng đến hơn 10 loại lá thuốc, thậm chí có khi dùng tới 120 loại khác nhau.
Bà Lý Tả Mẻ (55 tuổi) cho biết với mỗi thùng nước tắm, người dân sẽ lượng khoảng 3kg lá thuốc, pha vào một thùng lớn dung tích chừng 50 lít, đun sôi trong nước khoảng 20 phút rồi khi nhiệt độ giảm còn chừng 50 độ C thì có thể pha loãng nước để khách ngâm mình 15 – 30 phút.
Với nhiều tác dụng như chữa các bệnh đau nhức cơ, xương, khớp, cảm cúm; hoặc để tăng cường thể lực cho phụ nữ sau khi đẻ hay người sau khi ốm.
Đặc biệt nếu du khách tới Sa Pa leo đỉnh Fansipan về thì lựa chọn ở lại tắm lá thuốc Dao đỏ sẽ giúp giảm đau cơ thể và sức khỏe được hồi phục rất nhanh.
Hiện nay giá bán 1kg thuốc tắm tại bản chỉ khoảng 50.000 đồng, khá phù hợp đối với khách du lịch.
Phụ nữ Dao thường lên rừng tìm các loại lá thuốc khác nhau – Ảnh: Mỹ Phượng
Ngâm mình trong bồn nước nóng với khói thuốc thơm nức gia truyền của đồng bào dân tộc – Ảnh: Khắc Thành
Theo chân những phụ nữ Dao đỏ đi quanh bản, bạn có thể còn được biết phong tục đặt tên truyền thống của họ cũng rất thú vị. Người dân tộc Dao đỏ thường sử dụng một số họ phổ biến là Lý, Tẩn, Phan, Lò… và cách đặt tên đệm, tên chính cũng theo quy ước nhất định.
Trong mọi gia đình, các con gái có tên đệm theo thứ tự: con gái đầu có tên đệm là Tả, tên đệm của người tiếp theo là Lở, tiếp theo là San, Sử, Mán. Chẳng hạn, bà Lý Tả Mẻ là con gái đầu của gia đình nên bà có tên đệm giữa là “Tả”, em gái bà là Lý Lở Mẻ…
Đối với con trai, cách đặt này có chút hoán đổi vị trí. Sự phân biệt tên gọi của các anh em trai trong gia đình cũng giống như con gái theo thứ tự: Tả, Lở, San, Sử, Mán… nhưng những chữ này lại nằm ở cuối tên – có thể coi là tên chính của họ.
Giả sử trong gia đình có ba anh em trai, tên của họ lần lượt sẽ là Lò Láo Tả, Lò Láo Lở, Lò Láo San…
Thật sự người Dao đỏ có cách đặt tên tương đối dễ nhớ và khá thú vị theo một quy luật nhất định là thế.
Ngoài những đặc sắc kể trên, điều dễ thấy nhất trong văn hóa dân tộc này thể hiện ngay ở trang phục truyền thống của họ. Tất cả những bộ quần áo hay khăn quấn đầu đều do chính đôi bàn tay những phụ nữ nơi đây đan, dệt nên.
Khi mặc, họa tiết đã tạo nên sự cân đối hài hòa cho toàn bộ y phục, thể hiện sự gần gũi và thân thiện với thiên nhiên của người Dao đỏ – Ảnh: Mỹ Phượng
Theo quan niệm dân gian của người Dao đỏ, bộ trang phục hay còn gọi là “luy hâu” bao gồm khăn, mũ, áo, quần, thắt lưng, xà cạp quấn chân và giày dép. Để tạo thành bộ y phục đẹp phải có năm màu cơ bản nhưng chủ yếu nhất vẫn là màu đỏ.
Khăn đội đầu (goòng phà) được người Dao đỏ trang trí hình vết hổ, cây vạn hoa, hình cách đoạn… màu chủ đạo là đỏ và viền có màu trắng, nay đã được đơn giản hóa và thiết kế gọn gàng để tiện cho sinh hoạt hằng ngày.
Với quần áo, màu chính yếu vẫn là xanh đen, thắt lưng phải cuốn từ 3-4 vòng và buộc chặt phía sau. Hoa văn trang trí trên quần được thêu thùa tỉ mỉ hơn. Họa tiết ở viền áo và nửa dưới của hai ống quần là các họa tiết hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ – vàng – trắng, hình cây thông, hình chữ vạn, hình quả trám…
Khi mặc, họa tiết đã tạo nên sự cân đối hài hòa cho toàn bộ y phục, thể hiện sự gần gũi và thân thiện với thiên nhiên của người Dao đỏ.
Với nếp sống bình dị quanh bản làng yên an, bên bếp củi truyền thống, trong ngôi nhà đất quần tụ nhiều thế hệ, những người dân Dao đỏ luôn cởi mở đón những lượt khách du lịch cùng mong muốn được tiếp xúc với những gì mới hơn, khác hơn và có thể cải thiện cuộc sống của mình nhờ những dịch vụ du lịch thân thiện nơi đây.
Chiếc khăn đỏ và bộ quần áo xanh đen nhiều họa tiết là đặc trưng trong trang phục của phụ nữ Dao đỏ – Ảnh: Mỹ Phượng
Theo Tuoitre.vn
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420
Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.