Than Uyên mùa nước đổ - Ảnh: Le Hong Ha
Nằm ở phía Tây Nam tỉnh Lào Cai, huyện Than Uyên (thuộc tỉnh Lai Châu) là một thung lũng lớn khép kín giữa hai núi Phan Xi Păng và Púng Luông. Than Uyên lại được tạo hóa ban tặng hệ thống sông suối chằng chịt, tiêu biểu là sông Nậm Mu chảy qua huyện với chiều dài 160 km, có độc dốc lớn là nguồn năng lượng vô tận thuận lợi cho việc phát triển thuỷ điện nhỏ ở địa phương.
Những mảng màu mùa nước đổ - Ảnh: Le Hong Ha
Thủy điện Than Uyên - Ảnh: vietnamtourism
Thêm vào đó, Than Uyên còn sở hữu cánh đồng Mường Than - một trong 4 cánh đồng màu mỡ nổi tiếng khu Tây Bắc được người đời ca tụng: “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”, điều đó khiến Than Uyên càng trở nên đẹp hơn bao giờ hết khi vào mùa vụ.
Than Uyên sở hữu những cánh đồng rộng lớn - Ảnh: Le Hong Ha
Lung linh khi mặt chời chiếu rọi - Ảnh: Le Hong Ha
Không giống như những vùng khác ở vùng núi phía Bắc, ở Than Uyên vẫn có 2 vụ lúa trong năm, chính vì vậy khách du lịch hoàn toàn có thể ngắm mùa nước đổ ở Than Uyên và các vùng lân cận như Tân Uyên, Mường Lay vào độ tháng 12, tháng 1 hàng năm.
Ở Than Uyên vẫn có 2 vụ lúa trong năm - Ảnh: Le Hong Ha
Là một thung lũng lớn, Than Uyên không chỉ có ruộng bậc thang mà còn có cả những cánh đồng rộng lớn bạt ngàn, tạo nên những sắc màu đa dạng cho mùa nước đổ nơi đây. Mùa nước đổ chính là vẻ đẹp được con người tạo nên một cách chân thực nhất, hoàn hảo nhất. Thiên nhiên ban cho đất đai trù phú, nhưng bàn tay khéo léo của con người mới là yếu tố tạo nên điều kỳ diệu.
Bàn tay con người làm nên điều kỳ diệu - Ảnh: Le Hong Ha
Hình ảnh người dân lam lũ trên các thửa ruộng, con trâu lặng lẽ theo sau, thấp thoáng cánh chim phía xa xa… rất thân thuộc, gần gũi. Bóng nắng chiều hôm buông xuống hay ánh bình minh chiếu rọi càng làm đẹp hơn cánh đồng, thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ.
Những bóng hình lam lũ - Ảnh: Le Hong Ha
Bóng nắng ráng chiều - Ảnh: Le Hong Ha
Dân xê dịch cũng phải kì công lắm khi vượt hàng trăm cây số để đến với thung lũng Than Uyên trong mùa đông giá rét này. Nhưng chắc chắc sẽ vô cùng đã mắt trước cảnh quan tuyệt đẹp mà những người dân nơi đây hàng ngày đã vô tình tạo nên. Những tay máy ảnh chắc cũng phải khó khăn lắm mới có thể rời mắt khỏi những hình ảnh đầy chất “nghệ”, chất “tình” mộc mạc như thế.
Khung cảnh mộc mạc - Ảnh: Le Hong Ha
Ngoài ra, khi tới Than Uyên bạn có thể thăm di tích đèo Khau Co, bản Nà Khoảng (Mường Kim) - một trong những căn cứ du kích thời kỳ chống Pháp, Hang Che Bó (xã Mường Than), quần thể thắng cảnh Tà Gia “Sơn thuỷ hữu tình”…
Khung cảnh trên đèo Khau Co - Ảnh: laichautourism
Một góc thị trấn Than Uyên - Ảnh: laichautourism
Làm sao rời mắt khỏi những khung cảnh tuyệt đẹp như thế này? - Ảnh: Le Hong Ha
Thêm vào đó, tới Than Uyên đừng quên ghé thăm những bản làng người Thái cổ truyền với mái nhà sàn độc đáo, ngắm nhìn trang phục, chăn gối, khăn đội với nhiều mô típ hoa văn rực rỡ sắc màu; nghe nhiều truyện cổ dân gian về lịch sử thiên nhiên, non nước con người; tắm mình trong dòng suối dân ca và nhảy múa say sưa trong các điệu “Xoè vòng” người Thái, “Lăm vông” người Lào. Vui chung với những giờ phút thăng hoa trong các lễ hội: Xên Mường người Thái, bắt cá người Kháng, cầu mưa té nước người Lự, bảo vệ hồn lúa người La Ha…
Người Thái trong ngày hội dân tộc - Ảnh: baolaichau
Mùa nước đổ Than Uyên vẫn nhẹ nhàng như thế - Ảnh: Le Hong Ha
Truyền thống và văn hóa dân gian ở vùng đất Than Uyên vẫn được gìn giữ sau nhiều thế hệ. Đến với Than Uyên là đến với bản sắc văn hóa dân tộc vô cùng đặc sắc. Mùa nước đổ Than Uyên không cầu kỳ hoa lệ nhưng lại rất thu hút nhờ vẻ đẹp bình dị, yên ả của làng quê Việt Nam, sự kết hợp hài hòa của tạo hóa và bàn tay con người. Giữa cái rét căm căm của mùa đông miền Bắc, đâu đó vẫn hiện hữu những vẻ đẹp tự nhiên, và mùa nước đổ Than Uyên càng lung linh hơn bao giờ hết, giữa núi rừng, dưới làn mây và trong tiếng nhạc du dương của đại ngàn.
Nguồn: Hoa Cát - Mytour.vn
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420
Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.