Tôi yêu xứ sở kim chi có lẽ là bắt đầu từ những bộ phim lãng mạn, những bản tình ca ngọt ngào, những khung cảnh đẹp đến đắm say lòng người... vV nhắc đến Hàn Quốc, người ta không thể không nhắc đến một nền văn hoá truyền thống độc đáo nơi đây. Tốc độ biến đổi dân số và kinh tế Hàn Quốc đã ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống hàng ngày của người Hàn Quốc trong những thập niên vừa qua. Từ lĩnh vực nhà ở, y tế, giáo dục, hình thức giải trí và các giá trị văn hoá đều có nhiều thay đổi. Song giữa những thay đổi đó, dấu ấn quá khứ của Hàn Quốc vẫn còn hiện rõ và những giá trị truyền thống như các mối quan hệ gia đình gắn bó, chặt chẽ vẫn còn tồn tại mạnh mẽ.
Những năm gần đây, văn hoá và những truyền thống độc đáo của Hàn Quốc đã hồi sinh. Ngày càng có nhiều đám cưới được tổ chức theo kiểu truyền thống. Những môn thể thao truyền thống cũng được quan tâm đặc biệt. Thực tế, hầu như mọi mặt của văn hoá Hàn Quốc đều được giới trẻ khảo nghiệm lại và bảo tồn cho thế hệ mai sau. Vì thế văn hoá là một trong những lĩnh vực rất được chính phủ Hàn Quốc quan tâm, từ nghề làm giấy, những điệu nhảy dân gian cho tới trang phục và thức ăn truyền thống.
Cô dâu Hàn Quốc trong trang phục truyền thống.
Đối với người Hàn Quốc, gia đình có ý nghĩa đặc biệt và là giá trị không thể thay thế trong tâm thức của họ. Các thành viên trong gia đình sống cùng trong một nhà, hoặc gần đó. Người đàn ông lớn tuổi nhất là chủ gia đình, được tất cả mọi người tôn trọng và nghe theo. Khi người này mất, vai trò làm chủ gia đình được chuyển sang cho người con trai cả rồi cho người con trai của anh ta. Giờ đây quá trình công nghiệp hoá đã làm tăng sự xa cách về địa lý của các gia đình, song vai trò xã hội của gia đình vẫn rất quan trọng, truyền thống tôn trọng và nghe lời vẫn được tiếp tục.
Thậm chí dù ở xa nhưng con cái vẫn luôn hướng về gia đình. Các gia đình vẫn họp mặt thường xuyên, đặc biệt là trong những dịp lễ hội lớn hàng năm như Chusok (lễ Trung thu), hay trong những sự kiện gia đình như lễ cưới và Tol (lễ thôi nôi). Đặc biệt, các giá trị gia đình còn giúp hình thành nền tảng của những công ty thành công nhất Hàn Quốc – đó là các Chaebol. Chaebol chính là một tập hợp các công ty và là một phần của công ty mẹ lớn. Ở Hàn Quốc, các chaebol gồm có Samsung, Daewoo, Huyndai và LG. Và hầu hết các Chaebol của Hàn Quốc đều phát triển từ những công ty gia đình (công ty gia đình là công ty mà người cha quản lý công ty mẹ, các con trai và những người họ hàng khác điều hành công ty con).
Người Hàn Quốc nổi tiếng thân thiện và dễ gần. Thậm chí những việc hàng ngày như tới trường, đi làm hay đi mua sắm, người Hàn Quốc đều đi với nhau. Hầu như ở bất cứ nơi nào, bạn cũng thấy mọi người đang cùng trò chuyện, đôi khi họ còn trò chuyện với cả những người họ vừa mới gặp. Điều đó thể hiện ý thức cộng đồng của họ đã vượt ra khỏi phạm vi gia đình. Trong khi ở một số nước, sức ép của cuộc sống đô thị hiện đại có xu hướng làm cho các mối quan hệ xã hội chặt chẽ trở nên lỏng lẻo nhưng ở Hàn Quốc, tình trạng này hầu như không có. Nếu không thể gặp mặt trực tiếp, họ sẽ sử dụng điện thoại di động như là một hình thức để quan tâm đến nhau.
Những lúc rảnh rỗi, người Hàn Quốc rất thích đi du lịch. Đối với người lớn tuổi, các cung điện nổi tiếng và các công viên quốc gia tuyệt đẹp là những địa điểm được yêu thích nhất. Còn với giới trẻ, họ cùng nhau đi ăn ở ngoài phố, gặp gỡ nhau ở những quán cà phê, lượn quanh các cửa hàng hay tới các rạp chiếu phim. Việc xem phim đã trở nên phổ biến tới mức có cả một liên hoan phim được tổ chức hàng năm (như liên hoan phim quốc tế Busan) nhằm tôn vinh phim Hàn và những bộ phim nước ngoài hay nhất. Thậm chí còn có cả một con đường danh vọng, nơi các ngôi sao điện ảnh để lại dấu tay của mình.
Người Hàn Quốc cũng rất thích thể thao. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp người dân đang tập đi bộ, trượt ván, đi xe đạp trong các công viên thành phố. Những môn thể thao phổ biến nhất ngày nay là bóng đá, bóng chày, cầu lông, bắn cung...Ngày nay, lối bắn cung cổ truyền “gungdo” vẫn còn được duy trì cùng với các môn thể thao truyền thống khác của Hàn Quốc như ssireum (đấu vật) và taekwondo (võ thuật).
Sở thích của người Hàn quốc thường bắt nguồn từ những thói quen. Chính vì thế mà nền ẩm thực độc đáo của Hàn Quốc vốn dựa trên nguồn lương thực sẵn có trong nước. Cho dù giờ đây các loại đồ ăn phương Tây đã có mặt ở khắp mọi nơi, thì các món ăn Hàn Quốc vẫn được ưa chuộng nhất. Do phần lớn đất nước này được bao biển quanh, cá và các loài tôm, cua, sò, hến là những món chính trong bữa ăn hàng ngày của người Hàn Quốc và được chế biến thành canh, món ăn kèm hay snack khô...
Ẩm thực của Hàn Quốc rất cầu kỳ, họ có câu “Thực vị ngũ phúc chi nhất”, có nghĩa là ăn uống là điều phúc lớn nhất trong năm điều phúc. Vì vậy mà bữa ăn của họ rất phong phú, cầu kỳ. Bữa ăn hàng ngày của người Hàn Quốc có cơm, kim chi, tương đen, tương ớt, rau cải muối, rau bát trân và canh tương đen. Thịt cũng đã trở thành một phần trong bữa ăn của họ trong những năm gần đây, trong đó thịt bò, thịt gà và thịt lợn là những loại phổ biến nhất.
Bữa ăn của người Hàn Quốc
Người Hàn Quốc đặc biệt thích ăn ớt, mỳ trộn ớt, tương ớt là món gia vị chính trong bữa ăn. Song sẽ thật thiếu sót nếu không để đến món kim chi, món ăn đặc sắc không thể thiếu (nhất là mùa đông) của dân tộc Hàn. Kim chi là một món rau được muối chua, thường là bắp cải, củ cải hoặc dưa chuột, được ăn kèm trong hầu hết các bữa ăn. Có khoảng 200 loại kim chi, sử dụng các nguyên liệu khác nhau trong quá trình muối như tỏi, ớt, muối sò và cá trổng. Kim chi mùa đông theo truyền thống được muối trong các vại làm đất sét. Những vại này được chôn một phần dưới đất để giữ cho các nguyên liệu được muối dưa lên men ở nhiệt độ thích hợp. Giờ đây, kim chi đã trở thành món ăn quốc hồn quốc tuý của dân tộc Hàn.
Vại muối kim chi của người Hàn Quốc
Và nếu đến Hàn Quốc, bạn đừng quên ghé thăm ngôi làng Seongeop ở đảo Jeju để có cơ hội chiêm ngưỡng những ngôi nhà truyền thống của người Hàn Quốc. Đó là những ngôi nhà được xây dựng từ đá và mái được lợp bằng tranh, bên cạnh những phong tục truyền thống vẫn được duy trì. Chẳng hạn, mỗi nhà đều có hai trụ đá ở hai bên lối vào, mỗi trụ có ba lỗ để cắm ba cây sào ngang lối đi. Nếu cả ba cây đều nằm đúng chỗ thì có nghĩa là không có ai ở nhà, do đó xin hãy ở ngoài. Nếu cây sào trên cùng có một đầu ha xuống nghĩa là chủ nhà sẽ quay lại ngay. Còn nếu cả ba cây sào đều hạ một đầu xuống đất tức là có người ở nhà, đồng nghĩa với lời mời “xin hãy vào trong”.
Những ngôi nhà truyền thống ở Seongeup, đảo Jeju-do
Và còn rất nhiều những nét văn hoá truyền thống đặc sắc khác nữa, hãy khám phá chúng nếu bạn có dịp đến Hàn Quốc, nhé!.
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420
Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.