Chuyện cóc mọc râu thật huyền hoặc nhưng cá lóc thì có thể. Cách nay khoảng 2 năm, anh Quốc Việt, chủ quán Tạ Hiền ở TP. Mỹ Tho, Tiền Giang mua được một “cụ” lóc đồng nặng gần 4kg, mép lún phún vài cọng râu ngắn ngủn. Anh Việt liền xây một cái hồ nhỏ thả cá vào rộng, réo gọi bạn bè chốn xa về thưởng lãm. Nào ngờ, không quá 3 ngày, “cụ” lóc đã... hấp hối, mặc dù được “cung phụng” rất nhiều mồi ngon: rô bí, sặc non, lia thia... Tiệc “tống tiễn” cụ quả là thơm nức nở!
Đã hai mùa lũ, một số lưu dân Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An còn ríu rít kể cảnh “trần ai lai khổ” khi mần con lóc nặng tới năm ký: phải tốn một người vịn và một người đánh vẩy mới xong. Đầu nó to bằng cái tô. Sơ sẩy, nó táp cụt... móng tay như chơi. Tiếc rằng, sức vóc dòng lũ ngày càng èo uột, nên cảnh đượm mùi Ba Phi mà có thật 100% ấy đành xa vắng!
Quay về vùng giáp giới thuộc huyện Đức Huệ cùng tỉnh, nhờ lệnh cấm khai thác cá tôm bằng xung điện của chính quyền địa phương có hiệu lực... một nửa, nên họ tộc thủy sản nước phèn chua còn cơ may sinh sản. Những chú lóc đồng nặng 1 - 2 kg vẫn thỉnh thoảng “ra” chợ Rạch Gốc. Hiện giá một ký cá cỡ này không dưới 90.000 đồng. Trong khi đó, giá một ký thịt nạc heo là 65.000 đồng. Do vậy, một đồng nghiệp ở Cần Thơ mới kể chuyện đời nay tréo ngoe: “Nhà nghèo ăn thịt heo, còn nhà giàu mê cá đồng.”
Riêng miền Đông, họ nhà lóc thường lớn con hơn. Lóc rừng Nam Cát Tiên hay Mã Đà nặng cỡ 9 - 10kg/con là chuyện không hiếm. Đám lóc bông còn “phát tướng” hơn. Tuy nhiên, thịt chúng bở và lạt hơn lóc đen.
Và nói chung, theo nhận định của những người sành ăn thịt lóc, cá miền Tây ngọt và béo đậm hơn. Còn thịt lóc miền Đông cứng song lạt, hợp cho việc xẻ phơi khô.
Nếu kẹt phải ăn tươi, họ sẽ đập đầu cá, đợi 5 phút sau cho thịt cá dẽ lại. Mượn chất ngọt thanh từ cây mía lau, bằng cách xỏ khúc mía xuyên từ họng đến đuôi, với món nướng trui. Khi lớp da cá ửng vàng, vẩy cháy đen tỏa mùi thơm mời gọi, họ bứt ngay nắm lá sả tươi gợt sạch lớp vẩy cháy. Tức thì, tinh dầu sả “hùn hạp” ngay với mùi thơm thanh từ mỡ cá tươi. Chúng toát lên hương thơm thư thái mà động lòng trần!
Hoặc cần kho tộ hay nấu canh (lẩu), nhất thiết phải giữ lại cái mật. Bóp bể, thoa đều lên mình cá trước khi chế biến, khiến món ăn thêm đậm đà hơn.
Đông y cho rằng thịt cá lóc mát, bổ dưỡng song cũng có người nói chưa chắc!
Anh Quốc Việt thường kể một câu chuyện thật như đùa, tại bộ lòng con lóc đồng “bự chà bá” đã làm sứt mẻ tình cảm cha vợ với con rể. Số là, hai cha con cùng đi ăn giỗ. Món bén mồi nhất chính là tô cháo cá lóc “hoang” ăn kèm mớ rau đắng đất non “lặt lìa”. Cá cỡ 1,5 ký, nằm chểm chệ gần chật lòng dĩa bàn, đường kính hơn gang tay. Kiềm lòng không đặn, anh con rễ xớt ngay bộ lòng chấm ngập mắm nhỉ nhai rao ráo.
Ra về, hai cha con bước thấp bước cao chung đường. Rõ khổ, anh con rể đi sau cũng bị cha vợ chửi, đi trước càng “vuốt mặt không kịp”. Ấm ức, anh lội hẳn xuống ruộng, vẫn nghe chửi “tàu ghe chở không hết”. Cuối cùng, anh ngửa mặt than: “Trời ơi sao tui khổ tâm quá trời! Cha muốn tui làm sao mới vừa lòng hả dạ?”- “Mày nhả trả lại bộ lòng con cá hồi nãy cho tao!”, chỉ thẳng mặt chàng rể, giọng ông cha vợ gầm gừ qua kẽ răng xệu xạo.
Rồi Quốc “Cò” tủm tỉm đúc kết: “Lòng cá lóc nóng... chảy máu cam chứ chẳng chơi!” Cho nên, bạn đừng quên câu “kính lão đắc thọ” hoặc “tiên chủ hậu khách” mới “đầu xuôi đuôi lọt” khi du ngoạn miền Tây.
Phần thịt cá săn chắc lẫn ngọt đậm, tuy không sánh nổi cùng sơn hào hải vị nhưng mỗi khi nhắc đến, vua chúa cũng phải thòm thèm. Ngày nắng hạ nóng bức, có một “ả” lóc nái bằng cổ tay người lớn đem nấu canh chua đọt choại thì hân khoái biết chừng nào! Mùi vị chua thanh, thơm “bạo” của cơm mẻ đủ hấp lực khiến những cánh mũi phập phồng nhiều đợt, suối nước bọt rạo rực tuôn trào lai láng!
Lần đầu, nhóm chúng tôi có diễm phúc ăn mớ đọt choại xanh tím, dài cỡ nửa lóng tay - non cực kỳ - cong queo tựa những con cuốn chiếu, thật ngọt bùi. Cảm giác thống sướng của người... khờ ăn rau dại, thật khó tả hết bằng lời!
Đang ngà ngà say bởi rượu nếp ngâm trái đủng đỉnh, húp vào 5 - 7 muỗng canh nghe ngọt mát làm sao! Trán lấm tấm mồ hôi, người dần khỏe lại.
Về Sài Gòn phồn hoa, tìm con lóc đồng trong hàng quán thật khó. Đa số là hàng nuôi quảng canh, thịt vẫn bở, lạt và tanh.
Cũng có loại khô lóc biển Hồ phơi một nắng rưỡi - hai nắng, đã gia vị sơ tí đường, bột ngọt; nướng lên ăn mộc hoặc trộn gỏi với ít xoài hườm bằm, đọt sầu đâu “xôi đậu”, chấm nước mắm me ăn cũng đỡ ghiền. Thịt cá chưa thật chắc, nên có người nghi là hàng của hồ nhỏ (nuôi bè).
Thử tìm lại hủ mắm lóc đồng Châu Đốc chính hiệu, do dân bản địa cất công làm để ăn dần hoặc biếu/ tặng người thân, chứ không “bán buôn”. Giở ra, chưng lên với ít củ hành tím bằm nhuyễn, củ gừng tươi xắt rối (cần đập giập sẽ cay thơm hơn), tiêu sọ giã năm. (Mẹo khử tanh mắm “ngủ đông” lâu ngày trong tủ lạnh là pha vào vài muỗng nước cốt trà ngon).
Bên cạnh đó, cần nhanh tay chuẩn bị đĩa chuối chát, khế hườm xắt mỏng cùng nhiều loại đọt rau bưng, rau vườn: bằng lăng, lụa, nhái, quế vị... Thêm nhúm ớt chim “gieo” cay đằm thoang thoảng đắng ngọt lẫn thơm, giòn rào rạo... Chưa dọn xong chén đũa, đã nghe hương mắm “hòa ca” lúc rầm rộ, khi dìu dặt, như “hết mình” đón đưa cơn mưa chiều giăng giăng.
Nghe hơi lạnh của đất trời, chợt chạnh lòng thương về những phận đời nông phu còn lăn lóc, nổi trôi chốn đồng xa!
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420
Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.