logo-dulich24

Những món ngon trứ danh của quê lúa Thái Bình

Những món ngon trứ danh của quê lúa Thái Bình
 
 

Những món ngon trứ danh của quê lúa Thái Bình

Thái Bình từ lâu nổi tiếng là miền quê lúa với “chị Hai năm tấn”. Nơi đây còn là quê hương của nhiều món ăn vặt, ăn chơi đặc sắc không kém.
 

Bánh cáy

Nếu người Hải Dương tự hào với bánh đậu xanh, Bắc Ninh có bánh phu thê, Hà Nội là bánh cốm Hàng Than, còn sản vật nông nghiệp trên miền đất lúa Thái Bình chính là bánh cáy. Nguyên liệu chính của bánh hoàn toàn sử dụng những nông sản địa phương như gạo nếp cái hoa vàng, vừng, lạc, mứt bí, gừng, gấc chín, mỡ phần, tinh dầu hoa bưởi.... Đây là loại bánh tổng hòa những đặc sản nông nghiệp Thái Bình, tạo nên món ăn địa phương đặc sắc. Mỗi khi đi xa, người dân nơi đây thường mang bánh cáy làm quà biếu như một cách giới thiệu về hình ảnh vùng quê mình.

Bánh cáy Thái Bình đã có tiếng trên toàn quốc
Bánh cáy Thái Bình đã có tiếng trên toàn quốc

Men theo đường quốc lộ 39 tới huyện Đông Hưng, về làng Nguyên Xá chính là nơi sản sinh ra loại bánh đặc biệt này. Xưa kia, bánh cáy là sản vật được người dân làm để tiến vua. Bánh có tên khá đặc biệt. Người làng Nguyên Xá giải thích, miếng bánh có sự hòa quyện của nhiều màu trắng, vàng xen lẫn hồng giống như trứng cáy nên cái tên dân dã ấy đã ra đời.

Để làm được một tấm bánh cáy hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỷ mỷ cao của người thợ. Gạo nếp cái hoa vàng được lựa chọn kỹ càng rồi chia làm hai phần. Một phần gạo đồ xôi cùng gấc chín để tạo màu hồng tươi, phần còn lại đồ cùng nước quả dành dành để có màu vàng bắt mắt. Hai loại này khi thành xôi sẽ được giã nhuyễn như bánh giày, cán mỏng, cắt lát như mứt bí rồi sấy khô. Sau đó, người thợ sẽ cho sản phẩm vào chảo mỡ lợn sôi để lát bánh thơm giòn. Mỡ lơn thái hạt lựu rồi xào ngọt đến độ trong mướt. Các nguyên liệu còn lại cũng được trộn cùng đường mía và hâm nóng tới khi dậy mùi thơm thì cho vào khuôn lót vừng. Bánh cáy thành phẩm không phơi nắng, không chất bảo quản nhưng làm đúng quy cách sẽ bảo quản được khá lâu.

Ăn miếng bánh cáy xắn mỏng nhâm nhi cùng chén trà nóng để lai rai câu chuyện giữa tiết trời hơi se lạnh, du khách càng cảm nhận được nét nồng hậu của đất và người Thái Bình. Vị béo bùi đan xen sự dẻo, giòn hòa quyện với vị chan chát của trà xanh khiến miếng bánh càng nồng đượm.

Canh cá Quỳnh Côi

Canh cá Quỳnh Côi nức danh trên miền quê lúa
Canh cá Quỳnh Côi nức danh trên miền quê lúa

Quỳnh Côi là huyện cũ của tỉnh Thái Bình, thuộc phía tây huyện Quỳnh Phụ ngày nay. Cách trung tâm thành phố Thái Bình chừng 20km, thị trấn nhỏ Quỳnh Côi nổi tiếng với món canh cá với hương vị hấp dẫn đặc biệt mà chỉ vùng đất này có được.

Gọi là canh cá nhưng đây không phải là món canh nấu chua thường xuất hiện trong các bữa cơm hằng ngày của mỗi gia đình Việt. Đây là món ăn sáng ưa thích của nhiều gia đình ở vùng quê lúa. Món ăn được làm từ những nguyên liệu rất đời thường nhưng gây ấn tượng đặc biệt bởi sự ngọt mát dễ chịu hòa quyện lẫn nhau.

Trước kia, người Quỳnh Côi chỉ dùng cá rô đồng để nấu canh cá. Đặc biệt vào thời điểm tháng 10, cá rô béo ngậy hơn so với các mùa khác. Nhưng đến nay, nhu cầu ăn của người dân tăng lên còn lượng cá rô không dồi dào như trước nên nhiều quán hàng sử dụng cả cá trắm, cá quả để thay thế.

Cá được làm sạch, lọc kỹ phần nạc và thái miếng vừa ăn. Sau đó chúng được ướp đầy đủ nước cốt nghệ, chút mắm, tiêu. Khi cá đã ngấm kỹ gia vị, người ta dùng chảo sâu lòng để rán cá vàng giòn hai mặt. Phần tưởng chừng vứt đi như xương cá cũng được tận dụng để làm chả. Thường người đầu bếp chỉ lựa phần xương mềm để xay nhuyễn cùng hành khô, ớt tươi, thì là cho tới khi mềm mịn. Sau đó chúng được thêm chút thịt và nặn thành những viên chả nhỏ xinh. Chả cá được rán vàng đều hai mặt, đảm bảo độ xốp mềm . Đầu và phần xương sống cá ninh kỹ để lấy nước dùng trong vắt. Tùy theo từng mùa, canh cá sẽ có rau ăn kèm như rau ngót, cải cúc, rau rút hay rau cần.

Đặc biệt nhất của món canh cá Quỳnh Côi chính là những sợi bánh đa được làm tại đây. Bánh được làm từ gạo xay mịn và tráng mỏng. Dù không dùng hàn the nhưng bánh vẫn đảm bảo độ dai, mềm mượt. Bát canh cá Quỳnh Côi là sự tổng hòa của nhiều hương vị kích thích vị giác: nước dùng trong vắt đậm đà, miếng cá vàng ươm giòn rụm bên ngoài nhưng vẫn đảm bảo vị ngọt bùi của cá, thìa là, rau theo mùa xanh mướt kèm miếng cà chua bổ cau đỏ tươi lẫn mùi cay nhẹ của gừng, ớt.... Món ăn giản dị như chính cuộc sống đời thường bình yên của vùng đất nơi đây.

Nem chạo

Nem chạo hay còn gọi là nem sống là món ăn không thể thiếu được trong ngày giỗ hay cưới hỏi ở làng Vị Thủy, huyện Thái Thụy, Thái Bình. Chỉ những người đầu bếp có kinh nghiệm mới được tự tay chế biến để người ăn không bị đau bụng.
Nem chạo hay còn gọi là nem sống là món ăn không thể thiếu được trong ngày giỗ hay cưới hỏi ở làng Vị Thủy, huyện Thái Thụy, Thái Bình. Chỉ những người đầu bếp có kinh nghiệm mới được tự tay chế biến để người ăn không bị đau bụng.

Khác với nem ở nhiều vùng miền trên cả nước, nem ở đây được làm từ thịt và xương sống lợn băm nhuyễn. Thịt lợn xẻ ra còn nóng hổi không dùng nước lã để rửa. Người ta lấy phần thịt mông và phần xương sống băm nhuyễn. Sau hơn 1 tiếng, thịt, xương và tủy hòa cùng nhau tạo ra độ dính, dẻo.

Nét hấp dẫn trong món nem chạo là bì luộc thái mỏng và thính gạo rang. Bì lợn được cạo sạch lông với nước sôi rồi thái nhỏ. Sau đó các nguyên liệu được trộn cùng nước mắm ngon, tỏi thái mỏng, ớt tươi, mỳ chính và thính gạo rang. Ở khâu cuối cùng, người thợ sẽ nằm nem thành từng quả nhỏ vừa đủ khéo để thịt không rơi ra ngoài.

Món ăn được dùng kèm rất nhiều tỏi tươi, ớt sống, lá sung, đinh lăng và lá ổi. Nhiều người nơi xa tới đây khi thưởng thức món ăn dân dã đã bị nghiền. Nem chạo thường xuất hiện trong dịp lễ tết hay cưới xin ở làng Vị Thủy để tăng thêm tình cảm gắn bó giữa gia đình.

Nộm sứa

Nộm sứa là món ăn dân dã quen thuộc xuất hiện ở nhiều vùng miền biển trên cả nước
Nộm sứa là món ăn dân dã quen thuộc xuất hiện ở nhiều vùng miền biển trên cả nước

Nộm sứa là món ăn dân dã quen thuộc xuất hiện ở nhiều vùng miền biển trên cả nước. Nhưng mỗi nơi, món ăn này lại có một “hơi thở” riêng. Người dân Thái Thụy, Thái Bình thường truyền tai nhau: “Tới Thái Thụy mà chưa thưởng thức nộm sứa coi như chưa về”. Câu mời chào quyến rũ đó khiến du khách thập phương khó lòng chối từ.

Sứa có rất nhiều ở vùng biển Thái Thụy. Thời điểm sứa nổi nhiều nhất vào khoảng tháng 4, tháng 5 hàng năm. Sau khi bắt về, sứa được làm sạch và ướp cùng muối phèn để tạo độ giòn, dai. Sau đó miếng sứa được cắt cẩn thận thành lát mỏng, trần qua nước sôi rồi xếp ra đĩa.

Nộm sứa ngọt mát rất thích hợp ăn vào dịp hè nóng nực. Đĩa sứa được trộn cùng hành tây thái mỏng, lá chanh, mực khô xé nhỏ, rau thơm và lạc rang. Hương vị sứa càng được dậy mùi hơn khi ăn kèm rau kinh giới và bát mắm tôm chanh ớt đánh sủi bọt. Ăn miếng nộm giòn ngon đậm đà càng khiến du khách cảm nhận trọn vẹn hương vị biển mặn mòi nơi đây.

Nguồn : dantri.com.vn

 

Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420

Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.