Món cao lầu có bán tại hầu hết các nhà hàng trong phố Hội.
Cái tên cao lầu phố Hội đã gắn bó với Hội An từ cả trăm năm nay và là món ngon nhiều người muốn được nếm thử khi đến nơi này. Tìm quán hàng có cao lầu không khó bởi món ăn này có mặt trong hầu hết các nhà hàng từ sang trọng đến bình dân trong phố cổ.
Bát cao lầu được thành hình từ những sợi mì to có màu vàng nghệ, giòn dẻo và khô cùng với thịt xá xíu, chút giá chần, nước tương và vài nguyên liệu khác, ăn cùng với rau sống Trà Quế. Món cao lầu với người không thích ăn khô sẽ cảm thấy hơi khó ăn, nhưng khá thú vị vì sợi mì quyện với nước dùng. Bát cao lầu chứa đựng tinh túy của mảnh đất phố Hội với tất cả sản vật trong vùng làm nên hương vị.
Mì Quảng ngon bán tại quán bà Minh, khu Cẩm Hà hay trong chợ Hội An, đầu phố Trần Phú.
Khác với cao lầu, mỳ Quảng là món ngon dân giã mà bạn có thể ăn ngay tại các quán bình dân. Mỳ Quảng là món có thể ăn cả ngày. Buổi sáng là món ăn sáng quen thuộc của người dân Hội An, buổi trưa là món ăn nhanh, chiều là món lót dạ cho đỡ đói và đêm vẫn là mì Quảng giúp ấm bụng trước khi đi ngủ.
Tô mỳ Quảng với những nguyên liệu được lấy từ chính mảnh đất Quảng Nam với vị nước dùng được ninh từ xương gà ngọt lịm cùng thịt heo quay, tôm béo ngậy, chút hạt điều thơm ngậy. Buổi tối, hãy thả bộ bên dòng sông Hoài và xà vào một quán ven sông dân giã, mát mẻ, thưởng thức tô mỳ Quảng ngon mà không bị quá no, để lại có sức đi bộ thăm thú phố cổ Hội An khi đêm về.
Cơm gà bà Buội trên phố Phan Chu Trinh nổi tiếng xa gần.
Món cơm từ gạo tẻ nấu với nước luộc gà thơm ngậy, ngọt lịm khiến thực khách ăn cơm thấy ngon đến hạt cuối cùng. Cơm gà Hội An nổi tiếng lâu nay với thịt gà xé nhỏ, bóp thấm với hành tây, rau răm và gia vị. Miếng thịt xé thơm thơm, cay cay nhưng vẫn không bở thịt và mất mùi gà. Cơm gà đa dạng với cơm phần hay thịt gà chặt, lòng mề xào, nộm gà cùng nước dùng thơm ngậy.
Các quán cơm và gánh cơm nổi tiếng có cơm gà bà Buội, cơm gà bà Minh, cơm gà kiệt Cika...
Quán bánh tráng có mặt tại khắp các con phố Hội An với giá 5000 đồng/xiên thịt nướng.
Từ khoảng 10h sáng đến 19h tối là khoảng thời gian thích hợp để ăn bánh tráng thịt nướng. Những gánh hàng bánh tráng đơn giản với đôi quang gánh, vài ba chiếc ghế rong ruổi khắp các con phố ngõ hẻm của phố cổ. Không cần cửa hàng sang trọng, đôi khi cũng chẳng cần ghế cần bàn, chỉ vác bậc tam cấp dưới hiên nhà nở hoa là đủ.
Bánh tráng thịt nướng với phần ăn gồm lát bánh tráng mỏng cuốn cùng thịt vừa nướng chín tới thơm lừng, cuộc trong rau sống, giá, chấm với món nước chấm đặc trưng ngon tuyệt. Vừa dễ ăn lại khó lòng có thể bỏ qua vì hương thơm nức mũi.
Đi qua cây cầu Cẩm Nam chừng 100m, cua sang trái là một dãy hàng quán san sát với tấm bảng hiệu “chè bắp, bánh đập, hến xào”.
Bánh đập, tên thì lạ thế. Bánh được làm bằng bột gạo xay nhuyễn, tráng trong lò, phơi, nướng. Hành khô thái nhỏ, phi dầu cho đến lúc vàng giòn chấm với nước chấm vừa có vị cay của ớt, hương thơm của hành và đặt biệt là mùi vị đặc trưng của mắm cái nguyên chất xứ Quảng.
Ăn bánh đập với hến trộn là ngon nhất. Hến Cẩm Nam bé tí trộn cùng hành xanh xanh và mít non trắng xắt mỏng thơm ngon khó cưỡng.
Bánh mì Phượng số 2 Phan Chu Trinh với giá 10.000 đồng một ổ.
Không thể không nhắc đến bánh mì trong danh sách những món ngon phải thử khi đến Hội An. Nổi tiếng và được biết đến vài chục năm nay, bánh mì Phượng và bánh mì Madam Khánh luôn được xếp hàng vào mỗi ngày. Khách ăn bánh mì là người dân phố cổ và đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Thực đơn bánh mì rất đa dạng với đủ các món ngon như thịt, pate, phomai, hay các loại giò chả…Mỗi ổ bánh mì có giá từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng tùy yêu cầu của khách ăn.
Đi bộ khát nước, giờ là lúc để thưởng thức một ly sữa đậu nành mát lạnh. Ở góc phố, một dãy hàng bán đủ các loại chè hấp dẫn. Mỗi ly chè có giá khoảng 10.000 đồng. Dưới cái nắng oi ả của chiều hè, ngồi trong tán cây mát mẻ, thưởng thức ly chè ngon lành ngắm dòng người qua lại, không gì thú vị bằng.
Lò bánh bao bánh vạc chính gốc ở Hội An là ở 533 Hai Bà Trưng (Nhị Trưng).
Không phải là món được nhiều người để ý đến nhưng bánh ít lá gai là quà mang về được lựa chọn. Đứng bên cạnh những gian hàng bánh phục vụ khách, bánh ít, bánh đậu xanh vẫn được nhiều người nếm thử.
Bánh ít lá gai có vỏ bọc làm bằng bột nếp trộn đường và nước lá gai để có màu đen bóng. Nhân bánh bằng đậu xanh, có màu vàng. Bánh đậu xanh với thành phẩm từ đậu xanh có nhân thịt, hình tròn hoặc vuông, vốn là một món quà có giá trị được cư dân địa phương dùng để dâng tặng các quan lại trong thế kỷ XVIII.
Bánh bao bánh vạc còn có tên gọi khác là bánh bông hồng trắng là món ngon thưởng thức tại chỗ. Đĩa bánh với những chiếc nho nhỏ, xinh xinh tựa như những đóa hồng trắng được điểm xuyết chút màu xanh của rau, chút đỏ hồng của ớt lạ miệng.
Bài và ảnh: Lam Linh - Báo Dân Trí
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420
Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.