Ngoài vô số loại cá tươi ngon thường thấy, mùa nước nổi ở miền Tây còn mang đến nhiều loại rau quả “dại” lạ miệng, ăn kèm lẩu hoặc món kho.
Món gỏi bông điên điển vàng ươm trộn cùng tôm, thịt.
Vào mùa nước nổi, khi chèo thuyền dọc các mé sông, du khách dễ bắt gặp những bụi điên điển vàng rực. Trước kia, cuộc sống còn khó khăn, người ta thường nấu cháo cùng bông điên điển để cầm cự qua ngày. Hiện nay, loại rau “dại” này lại trở thành thực phẩm không thể thiếu trong các món cá kho hoặc lẩu.
Người ta có thể dùng bông điên điển làm dưa muối bằng cách ngâm với giá sống, để ráo nước rồi ngâm trong nước vo gạo lắng cho trong. Sau đó, pha muối có độ mặn vừa phải vào trong keo lớn hay khạp nhỏ, đậy lá chuối hoặc lá môn, ủ kín chừng ba ngày sau là đã có một dĩa dưa vừa chua vừa giòn, lại hơi chút đăng đắng lạ miệng.
Dưa muối này chấm với nước tương dầm ớt ăn đã ngon mà chấm với cá kho hoặc thịt kho lại càng ngon hơn. Khi cho thêm bông súng, ngó sen, củ co, dừa nạo rồi nêm tỏi, đường, muối, bột ngọt thì giòn ngon không chê được. Đây là món thường được dùng ăn ghém với mắm kho lạt hay cá linh kho mía. Bông điên điển sống còn được dùng để ăn với lẩu mắm hoặc lẩu cá linh. Bánh xèo bông điên điển cũng mang đến sự hấp dẫn không kém đối với thực khách mỗi khi về miền Tây.
Bông súng nấu canh cá đồng thơm ngon.
Đây là loại thực vật có nhiều nhất ở vùng Đồng Tháp Mười mùa nước nổi. Tại các chợ miền Tây Nam Bộ, người ta thường bày bán những bó thân bông súng mập mạp, tươi rói, có màu nâu được cuộn tròn gọn gàng. Thân bông súng cắt khúc có thể dùng trộn gỏi với ngó sen, tai heo, hoặc ăn sống kèm cá kho, mắm hay lẩu cá.
Ngoài ra, món đơn giản nhất thường bắt gặp trong bữa cơm gia đình ở miền Tây mùa này là canh bông súng nấu tôm, cá đồng. Đây là món ăn dân dã, gần gũi với thiên nhiên và rất dễ chế biến. Thân bông súng sau khi ngâm trong thau nước muối để làm sạch thì cho vào nồi nước canh sôi gồm tôm hoặc cá đồng và cà chua thái lát. Sau đó cho thêm hành ngò, nêm nếm gia vị là đã có một món canh mát lành.
Rau dừa chỉ ăn được phần ngọn và lá non
Đây là loại rau thân bò thường mọc ở ao hồ, đầm lầy. Mùa nước lớn chúng sinh sôi rất nhanh, người dân hay hái ngọn và lá non ăn sống trong các món lẩu thập cẩm, lẩu mắm, lẩu cá mẻ.... Người ta còn nấu canh rau dừa cùng rau diếp cá ăn hàng ngày, có tác dụng giải độc thanh nhiệt, chữa ho sốt kéo dài.
Rau mác
Là loại rau thuộc họ lục bình, người miền Tây còn gọi là rau mác thon hoặc dong nước. Bẹ và lá non của loại rau này có thể dùng luộc hoặc xào cùng với rau muống, rau lang. Bẹ rau mác cũng dùng nấu canh chua me hoặc canh bần chua, muối chua chung với rau muống, bông súng. Bóp gỏi tôm, thịt heo hay gỏi cá lóc ăn giòn giòn, hơi đăng đắng nhưng rất hấp dẫn.
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420
Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.