Nếu có chuyến du lịch miền Tây bạn nên mua những món bánh đặc sản dưới đây để làm quà cho bạn bè, người thân.
Dọc theo mọi con đường của tỉnh Sóc Trăng, du khách dễ dàng bắt gặp những chiếc bánh tròn dẹp, nhìn đẹp mắt và có mùi vị ngọt ngào được bày bán tại nhiều cửa hàng. Đó là bánh pía, đặc sản số một của vùng đất này.
Bánh pía được chế biến với nhiều công đoạn khéo léo và cầu kỳ. Đầu tiên bột mì được cán mỏng để làm lớp vỏ bánh bên ngoài. Phần nhân bánh là đậu xanh hoặc khoai môn hấp chín chà nhuyễn, xào với đường rồi trộn chung với chút sầu riêng tươi và lòng đỏ trứng muối. Sau khi cuộn tròn nhân bánh, vỏ ngoài sẽ được thoa một lớp lòng đỏ trứng muối rồi đem vào lò nướng.
Bánh pía có một hương vị rất đặc trưng. Cắn miếng bên ngoài thực khách sẽ cảm nhận được vị thơm của bột. Thưởng thức phần nhân bên trong thực khách sẽ nhận thấy vị dẻo bùi của khoai môn hòa với mùi sầu riêng thơm nức, vị ngọt của đường và vị mặn của lòng đỏ trứng. Tất cả được phối trộn một cách hài hòa độc đáo. Nếu có dịp đặt chân đến mảnh đất này du khách đừng quên thưởng thức bánh pía và mua làm quà cho người thân. Ngày nay bánh pía có mặt hầu hết ở các tỉnh, thành miền Tây và Sài Gòn nên du khách dễ dàng tìm thấy.
Trăng sáng Trung Thu thưởng thức món bánh pía với gia đình là điều hết sức thú vị. Ảnh: Foody
Mỹ Lồng là một ngôi chợ nhỏ chuyên bán đặc sản của vùng thuộc huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Ngoài dừa nơi đây còn có bánh tráng (bánh đa) được xem là nổi tiếng khắp vùng. Để làm được miếng bánh tráng ngon nức tiếng, người làm phải dùng một loại gạo sỏi, một giống lúa gạo đặc biệt ở Trà Vinh để bánh làm ra không co hay gãy nứt khi đem phơi. Nguyên liệu làm bánh gồm bột gạo sỏi, nước cốt dừa, đường. Phần nhân trên của bánh được đổ với mè, gừng, sữa, lòng đỏ trứng gà, lạp xưởng, tôm khô…phù hợp cho cả người ăn mặn và ăn chay.
Bánh tráng Mỹ Lồng cuốn hút nhiều thực khách với vẻ ngoài hấp dẫn bởi những miếng lạp xưởng, tôm khô và lớp trứng mỏng vàng rực, được nướng trên bếp than lửa rực hồng. Miếng bánh giòn tan, thơm mùi của nước cốt dừa hòa với vị tôm, vị lạp xưởng. Đến Bến Tre bạn sẽ dàng thấy đặc sản này ở khắp mọi nơi.
Người dân miền Tây hay Bến Tre thường có câu “bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc” ý nói về đặc sản đặc trưng gắn liền với địa danh của vùng đất này. Bánh phồng thơm ngon cũng bởi tinh túy của nước cốt dừa. Cái chất xôm xốp của miếng bánh hòa với vị béo ngậy của dừa như gói trọn tình cảm của người làm bánh ở quê hương Đồng Khởi. Dù bây giờ bánh phồng Sơn Đốc có thêm nhiều biến thể khác nhau như bánh hành, bánh mặn... nhưng loại bánh phồng dừa ngọt vẫn nổi danh hơn cả.
Ban đầu, bánh phồng Sơn Đốc chỉ xuất hiện trong dịp lễ, tết truyền thống. Nhưng chính hương vị thơm lừng, ngòn ngọt, giòn giòn, bánh phồng đã trở thành món quà quê có mặt khắp mọi nơi và mọi ngày trên những cung đường miền Tây. Qua thời gian, từ đời này sang đời khác, bánh phồng được nhiều người ưa chuộng và không biết từ khi nào đã trở thành đặc sản truyền thống của người dân nơi đây.
Nếu du khách có dịp đến Bến Tre, hãy tìm đến Sơn Đốc để tha hồ thưởng thức những chiếc bánh phồng và tận mắt chứng kiến cách làm bánh, rồi mua về làm quà cho người thân.
Hãy mang theo món quà quê dân dã cho bạn bè, người thân với bánh phồng miền Tây cho mỗi chuyến đi của du khách. Ảnh: Hiepcantho
Bánh tét Trà Cuôn – Trà Vinh là một trong hai loại bánh tét nổi tiếng ở miền Nam. Để có được đòn bánh chắc nịch, ăn dẻo ngọt, để được lâu ngày, người nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn như chọn lá gói, lấy màu tự nhiên cho nếp sáp đến làm nhân, gói và nấu bánh đều hết sức công phu.
Chọn lọc từ những tàu lá chuối tươi, khổ rộng vừa phải, không rách, đem phơi nắng cho hơi rám màu, lau kỹ và xếp lại gọn gàng. Khi gói bánh cần chọn nếp sáp địa phương ngon thuần nhất có độ dẻo phù hợp, không lẫn gạo hay nếp tạp khác, đãi sạch để ráo, trộn đều với nước cốt lá rau ngót để có màu xanh tự nhiên và hương thơm nhẹ không có phẩm màu.
Đậu xanh cho nhân bánh phải là loại hạt to, tròn đều và đãi sạch vỏ, nấu chín, quết mịn pha thêm hương vị tạo mùi riêng. Mỡ heo chọn loại dày dưới da, thịt và mỡ được sắc thỏi dài vuông vức các góc cạnh, tẩm ướp gia vị vừa phải như hành lá, muối, đường… Ngoài ra để hấp dẫn và thu hút khẩu vị thực khách, người gói còn cho thêm trứng muối.
Bánh tét Trà Cuôn có mặt ở Sài Gòn và hầu hết các tỉnh, thành miền Tây. Ảnh:Tapchigiadinh.
Bắt nguồn từ Bến Tre, món bánh tráng sữa được làm chủ yếu từ dừa, bột gạo, pha với bột sắn, nước, đường, mè, đậu xanh, lá dứa, sầu riêng theo một tỉ lệ nhất định. Khi tráng bánh người ta trải một tấm khăn trên nồi có nước sôi bên trong. Để ra được bánh tráng sữa vừa mềm, dẻo, vừa thơm phụ thuộc không chỉ vào kỹ thuật đổ bánh, mà động tác đổ cũng phải thật khéo léo, nhanh nhẹn, cuối cùng là rắc mè lên trên. Bánh chín người ta để lên nan tre mỏng và phơi nắng 3-5 ngày là dùng được.
Vị bùi béo của nước cốt dừa kết hợp với độ mịn, mềm của bột gạo cùng bột sắn, cộng thêm mùi thơm của sầu riêng tạo nên hương vị ấn tượng, khó quên cho bánh tráng sữa.
Đặt tour, khách sạn: 0903 662 420
Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.