logo-dulich24

Chùa Ông

Ninh Kiều - Cần Thơ - Việt nam Di tích lịch sử được yêu thích tại Ninh Kiều, Cần Thơ
 
 

Chùa Ông

Tọa lạc trên đường Hai Bà Trưng, nhìn ra bến Ninh Kiều là Chùa Ông do người Hoa thuộc hai Phủ Quảng Châu, Triệu Khánh (Quảng Đông - Trung Quốc) góp công xây dựng vào những năm 1894 - 1896.
 

Giới thiệu Chùa Ông

Chùa Ông

Chùa Ông - Trăm năm nguyên vẹn

Nằm ngay trung tâm thành phố Cần Thơ, nhìn ra Bến Ninh Kiều lộng gió, chùa Ông - còn có tên Quảng Triệu Hội Quán - là ngôi chùa cổ hiếm hoi của thành phố Cần Thơ giữ được nguyên hiện trạng từ ngày lập chùa. Công trình 114 tuổi mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc Hoa này được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993.

Chùa Ông nổi bật giữa dãy phố Hai Bà Trưng với kiến trúc, màu sắc rực rỡ đặc trưng của dân tộc Hoa. Chùa được trang trí bằng những hình nhân bằng sành sứ tái hiện những điển tích, truyền thuyết Trung Hoa như Bát Tiên quá hải, chuyện Tam Quốc Chí... trên bờ nóc và hai bên cổng tam quan. Những chiếc lồng đèn được treo hai bên cửa. Hai cột đá chính của cổng tam quan được trang trí thêm đôi lân; mái ngói âm dương với các gờ bó ngói ống men xanh thẫm; bờ nóc trang trí những hình lưỡng long chầu nguyệt, cá hóa rồng, phụng hoàng... bằng gốm sứ đủ màu. Hai đầu đao còn có tượng người cầm mặt trăng mặt trời tượng trưng cho tư duy “nhị nguyên” của triết học phương Đông.

Chùa Ông - Quảng Triệu Hội Quán
Chùa Ông - Quảng Triệu Hội Quán

Bên trong các gian nhà của chùa Ông được bố trí theo thứ tự lớp lang rõ ràng: Tiền điện - Sân thiên tỉnh (còn gọi là giếng trời) - Chánh điện và các dãy nhà phụ bao quanh chánh điện theo hình chữ Quốc vuông góc và khép kín với nhau. Chùa được tôn dáng vẻ uy nghiêm nhờ 6 hàng cột gỗ nâng đỡ vòm mái. Bên trên, hệ thống kèo phức tạp được chạm trổ công phu. Khắp nơi trong chùa trang trí nhiều bức phù điêu hoành tráng, màu sắc rực rỡ được chạm trổ trên bao lam, hoành phi, liễn đối, xà ngang với hình ảnh mai, lan, cúc, trúc, rồng, phụng, bông lúa, cá hóa rồng và những điển tích trong văn học Trung Hoa. Đặc biệt, trong chùa có chiếc chuông đồng đúc từ năm 1892, đến nay vẫn ngân vang những khi có khách thập phương đến viếng cảnh chùa. Ông Trần Đông Sanh, Hội trưởng Quảng Triệu Hội Quán, cho biết: “Toàn bộ ngôi chùa, từ những chiếc cột, đá làm trụ chân cột đến hoành phi, bao lam, câu đối, lư đồng đều được chuyển từ Trung Quốc sang vào những năm xây chùa 1894-1896. Từ đó đến nay, Hội Quán chúng tôi đã gìn giữ được nguyên vẹn, không để mất hay hư hỏng bất cứ vật gì”.

Theo Bảo tàng TP Cần Thơ, chùa Ông là một công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử văn hóa, gắn liền với quá trình phát triển của đất Cần Thơ. Ông Huỳnh Đỉnh Chung, Giám đốc Bảo tàng, cho biết: “Người Hoa đã đến sinh cơ lập nghiệp tại ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng từ thế kỷ 17-18. Nhưng đến cuối thế kỷ 19, chùa Ông mới được xây dựng. Đó cũng là thời kỳ Cần Thơ của chúng ta đã phát triển mạnh mẽ về giao thông, buôn bán sầm uất”. Theo ông Trần Đông Sanh, ngôi chùa được xây dựng những năm Cần Thơ sung túc, buôn bán phát đạt, người Hoa tụ về đông. Nên những đồng hương di cư sang đây từ hai phủ Quảng Châu và Triệu Khánh mới họp bàn xây dựng Hội Quán làm nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng chung.

Đến chùa Ông, đi qua hai hàng binh khí của Bát Tiên, khách thập phương sẽ được chiêm ngưỡng tượng Quan Thánh Đế Quân được thờ ngay chánh điện. Quan Thánh Đế Quân còn được gọi là Quan Công, là một danh tướng thời Tam Quốc, tượng trưng cho nhân - nghĩa - lễ - trí - tín, không chỉ được người Hoa mà còn cả người Việt sùng kính. Chùa còn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị thần bảo hộ của những ngư dân trên biển và Phật bà Quan Âm tượng trưng cho sự nhân hậu, yêu thương con người. Chùa Ông có ba lễ vía chính trong năm là ngày vía Quan Thánh Đế Quân được tổ chức vào ngày 26 tháng 6 âm lịch, vía Thiên Hậu Thánh Mẫu ngày 23 tháng 3 âm lịch và trả lễ cuối năm. Trong các ngày vía đó, đông đảo bà con người Hoa, du khách và người dân địa phương đem heo quay đến cúng, thành kính dâng hương, thể hiện ước vọng an lành, bình an trong cuộc sống. Tập tục này đã tồn tại hằng trăm năm, như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Cần Thơ.

Theo ông Trần Đông Sanh, những năm chiến tranh, chùa là nơi trụ ngụ, tá túc của rất nhiều cư dân nghèo chạy loạn. Những năm tháng đó, chùa rộng cửa đón tiếp và chu toàn chuyện ăn, ở cho rất nhiều người, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng. Những đóng góp đó của chùa Ông được khắc trên bia di tích, đặt trang trọng ngay sân chùa. Ngày nay, chùa Ông vẫn tiếp tục là nơi lan tỏa nhiều hoạt động thiện nguyện.

Phù điêu trang trí ở chùa Ông - Quảng Triệu Hội Quán.
Phù điêu trang trí ở chùa Ông - Quảng Triệu Hội Quán.

Lễ hội tiêu biểu nhất của chùa Ông là Lễ đấu đèn được tổ chức 10 năm một lần, nhằm tạo thêm một sinh hoạt văn hóa đặc sắc tại địa phương, vừa quyên góp tiền giúp các cơ sở từ thiện, xây nghĩa trang, trường học, giúp đỡ trẻ mồ côi trong thành phố. Lễ đấu đèn gần đây nhất được tổ chức năm 2007, thu về trên 200 triệu đồng từ việc đấu giá những chiếc lồng đèn có 6 mặt, mỗi mặt mang hình phong cảnh và những câu chúc phúc; có hình rồng thếp vàng được chạm trổ ở 6 góc đèn, đầu chầu vào nhau, đuôi dang ra tạo thành chân đèn. Khi bóng đèn phía trong được đốt nóng, thì đèn lồng cũng tự động xoay từ từ, tạo nên hình ảnh vô cùng đẹp mắt.

Lễ đấu đèn diễn ra ngay trong chánh điện của chùa Ông, mọi người đều có thể tham gia để được sở hữu chiếc đèn mình yêu thích. Theo quan niệm của người Hoa, được sở hữu chiếc đèn lồng từ lễ hội 10 năm mới có một lần này tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt, vinh hoa; đồng thời họ cũng muốn thông qua hoạt động này đem phúc lộc đến với những người có hoàn cảnh khó khăn vì Ban Quản trị chùa dùng toàn bộ số tiền đấu đèn để làm từ thiện. Vào những dịp lễ Tết, Ban Quản trị chùa Ông còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tươi vui như múa lân sư rồng, thi hát dân ca, hát tuồng... góp phần giữ gìn nét đẹp của nghệ thuật truyền thống của người Hoa và làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam.

Ông Trần Đông Sanh cho biết: “Hằng năm chùa đều trợ cấp học phí cho học sinh nghèo với số tiền khoảng 25 triệu đồng, tổ chức tặng quà cho người nghèo ở xã Mỹ Khánh huyện Phong Điền nhân dịp Tết, đóng góp cho các hoạt động vì người nghèo, cứu trợ thiên tai do MTTQVN TP Cần Thơ vận động với số tiền khoảng 40 triệu đồng”.

Hiện nay, Ban quản trị chùa Ông đang chuẩn bị nâng nền ngôi chùa, bởi những năm gần đây chùa luôn bị ngập sâu mỗi khi triều cường dâng cao mùa lũ. “Thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy đã đến khảo sát và lên phương án nâng nền cho chùa, đảm bảo không làm thay đổi bất cứ kiến trúc vốn đã được gìn giữ hơn trăm năm...

Vì sao nên chọn chúng tôi

8 Năm kinh nghiệm

Phục vụ hơn 10.000 lượt khách mỗi tháng

Tư vấn chuyên nghiệp

Đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm

Cam kết chất lượng

Bồi hoàn nếu chất lượng không đúng

Ưu đãi giá tốt

Nhiều ưu đãi giá tốt cho khách hàng

 

Liên hệ đặt tour: 0903 662 420

Top khách sạn xung quanh Chùa Ông (124)

Vinpearl Can Tho Hotel
Vinpearl Can Tho Hotel
Ninh Kiều
9.1 Tuyệt vời
Victoria Resort Cần Thơ
Victoria Resort Cần Thơ
Ninh Kiều
9.1 Tuyệt vời
CT Morning Hostel
CT Morning Hostel
Ninh Kiều
9.1 Tuyệt vời
Cù Lao Xanh Homestay
Cù Lao Xanh Homestay
Ninh Kiều
9.2 Tuyệt vời
MIDMOST VILLA
MIDMOST VILLA
Ninh Kiều
9.0 Tuyệt vời
Quan Corner
Quan Corner
Ninh Kiều
9.0 Tuyệt vời
 

Điểm du lịch ở gần Chùa Ông (13)

Chợ đêm Tây Đô

Chợ đêm Tây Đô

phía tây sông Hậu, tọa lạc trong khu Hội chợ triển lãm quốc tế Cần Thơ
Chợ cổ Cần Thơ

Chợ cổ Cần Thơ

gần công viên Ninh Kiều, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Bến Ninh Kiều

Bến Ninh Kiều

Ninh Kiều, Cần Thơ, Việt Nam
Chùa Phước Hậu

Chùa Phước Hậu

Cần Thơ, Việt Nam
 

Xem thêm về Cần Thơ