logo-dulich24

Tư vấn du lịch Sơn La

Tư vấn du lịch Sơn La
 
 

Tư vấn du lịch Sơn La

Nằm cách thủ đô Hà Nội hơn 300km với diện tích 14.125km². Dân số hơn 1 triệu người, cộng đồng các dân tộc sinh sống tại Sơn La bao gồm 12 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thái chiếm đa số, tiếp đến là Kinh, Mông, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, Kháng, La Ha, Dao, Hoa, Lào, Tày.
 

GIỚI THIỆU DU LỊCH SƠN LA

Sơn La đón bạn với Mộc Châu hoa mận trắng trời, đàn bò sữa thơ thẩn gặm cỏ, thác Dải Yếm lung linh...Để chuyến đi ngắm cảnh được trọn vẹn, bạn hãy lưu ý tới những điều dưới đây.

Sổ tay du lịch so tay du lich Sotaydulich Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Kinh nghiệm du lịch bụi Sơn La
Du lịch Sơn La

DI CHUYỂN, ĐI LẠI Ở SƠN LA

Phần di chuyển sẽ bắt đầu từ Hà Nội. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thông tin tại bến xe của mỗi tình.

Bằng phương tiện công cộng

Tại Hà Nội, bạn có thể mua vé xe đến Sơn La tại bến xe Mỹ Đình hay của các hãng xe có tiếng như Hải Vân, Ngọc Thuận, Bắc Sơn... Giá vé từ 160.000 - 220.000 đồng tùy chất lượng xe.

Bằng phương tiện cá nhân

Sơn La cách Hà Nội 320km, khoảng cách không quá dài cho một chuyến phượt bằng xe máy hay xe ô tô. Bạn có thể di chuyển cung đường trên theo QL 6.

Lưu ý khi di chuyển bằng xe cá nhân là mang đầy đủ giấy tờ xe. Mang bao tay, khẩu trang, mắt kính, áo khoác để an toàn khi vận hành. Mang điện thoại có chức năng google map để tiện di chuyển. 

NÊN DU LỊCH SƠN LA VÀO THỜI GIAN NÀO

Nếu đi Mộc Châu các bạn có thể lựa chọn một số khoảng thời gian như sau

- Tháng 11 thời điểm hoa cải nở, ngay trước Tết Nguyên Đán là thời điểm hoa đào, mận nở
- Tháng 9 có Tết Độc Lập của người Mông
- Tháng tuyến đường Quốc lộ 6 cũ nổi tiếng với sắc vàng của hoa dã quỳ
- Đi vào mùa Đông để trải nghiệm văn hóa tắm suối nước nóng của người Thái

ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN Ở SƠN LA

1. Cao nguyên Mộc Châu

Có một Đà Lạt ở Tây Bắc ... Cũng mát mẻ quanh năm, cũng thoai thoải những núi đồi phủ xanh non đồng cỏ, cao nguyên Mộc Châu từ lâu đã được nhiều người mệnh danh là Đà Lạt của vùng Tây Bắc. Có dịp đến với Mộc Châu một lần, dù mùa hè hay mùa đông, ngày sương mù trắng núi hay ngày nắng trải vàng mơ trên rừng..., du khách đều không khỏi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của vùng đất này.


Mộc Châu

2. Động Sơn Mộc Hương

Ai đã từng tới Mộc Châu không thể không thăm Động Sơn Mộc Hương hay còn gọi là Hang Dơi, cái tên đã trở nên quen thuộc từ lâu với nhiều du khách. Động Sơn Mộc Hương được ví như một tác phẩm nghệ thuật, một thắng cảnh mà thiên nhiên ban tặng cho cao nguyên Mộc Châu.


Động Sơn Mộc Hương

3. Thác Dải Yếm

Thác nước Bản Vặt, một địa danh gắn liền với lịch sử cư trú rừ rất xa xưa của tộc người Thái ở vùng đất Mường Sang xưa, Mộc Châu ngày nay. Có thể nói đây là một cảnh quan sinh thái tuyệt đẹp được thiên nhiên ban tặng cho chủ nhân vùng đất này. Ngoài tên gọi dân dã trên, thác nước này còn có tên gọi khác như thác Nàng, thác Dải Yếm, nhằm ví vẻ đẹp của thác nước như xuân sắc của người con gái tuổi trăng tròn


Thác Dải Yếm

4. Hồ Chiềng Khoi

Hồ Chiềng Khoi thuộc Bản Pút, Xã Chiềng Khoi, Huyện Yên Châu, Tỉnh Sơn La. Từ trung tâm thị trấn huyện Yên Châu về phía Nam 4 km, Hồ Chiềng Khoi có diện tích 40 ha hiện ra như một con nhện khổng lồ. Đến Chiềng Khoi, ngoài thưởng ngoạn vẻ đẹp của thắng cảnh Hồ Chiềng Khoi, du khách còn được thưởng thức nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Thái Yên Châu với những lễ hội, ca vũ đặc sắc.

Một chiếc thuyền độc mộc trên hồ
Hồ Chiềng Khoi

5. Ngũ Động Bản Ôn

Ngũ Động Bản Ôn được phát hiện ra năm 2006 sau cơn lũ lịch sử ở Mộc Châu. 4 năm qua không ít người vượt chặng đường hơn 16 km tìm đến để tận mắt nhìn thấy. Ngũ Động nằm sâu trong những hẻm núi của bản Ôn (Mộc Châu) khá tách biệt với bên ngoài. Do đường vào Ngũ Động còn nhiều khó khăn nên vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ hiếm có.

vẻ đẹp hoang sơ tại Ngũ Động Bản Ôn
Ngũ động bản Ôn

6. Rừng thông bản Áng

Rừng thông Bản Áng thuộc xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đây là khu du lịch lý tưởng. Hai dãy hồ nước chạy đài theo hướng Đông - Tây với độ cao thấp khác nhau, hai hồ nước tự nhiên 750m2 và 4000m2 nằm sát cạnh rừng thông có diện tích 43 ha gồm 2 chủng loại thông địa phương, thông Đà Lạt trải dài trên dãy đồi đất Feralít đỏ nâu đã tạo cho nơi đây thành một cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp. Nếu đến Bản Áng vào ngày rằm tháng giêng du khách có thể tham gia lễ hội “Xe Chả” của người Thái nơi đây


Rừng thông bản Áng

7. Núi Pha Luông

Núi Pha Luông, hay còn gọi là Bờ Lung, (tiếng Thái là núi lớn) có độ cao gần 2.000m ở khu vực biên giới Việt-Lào, nằm ở phía đông huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Từ ngàn đời nay, địa danh Pha Luông luôn in đậm trong tâm trí mỗi người dân ở Mộc Châu với đỉnh núi sừng sững thâm u, những ngôi nhà vách gỗ, mái lợp tranh ẩn hiện trong sương mù lưng núi


Pha Luông

8. Vườn hoa nhiệt đới Mộc Châu

Tính cho đến năm 2011, diện tích sản xuất của Vườn hoa nhiệt đới Mộc Châu đã được mở rộng ra Bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, với tổng diện tích 07 ha, nâng diện tích sản xuất của công ty lên 21 ha. Từ chỗ chỉ có 05 ha, đến nay Công ty đã có 21 ha trồng hoa và rau. Vào mùa thu hoạch hoa, mỗi ngày công ty chuyển về Hà Nội 20.000 đến 30.000 cành hoa, trung bình từ 1 - 2 tấn rau/ngày, mùa thu hoạch chính vụ thu từ 3 - 4 tấn rau/ngày. Chất lượng, năng suất sản phẩm rau, hoa quả của Công ty ngày càng nâng cao.

Những trái dâu tây ngon lành
Vườn hoa nhiệt đới Mộc Châu

9. Đồi chè Mộc châu

Cao Nguyên Mộc Châu nổi tiếng với những đồi chè xanh mướt trải dài đến tận bên kia quả đồi. Nói đồi chè Mộc Châu là cảnh đẹp thiên nhiên, Nhưng nói đồi chè Mộc Châu là nét đẹp nhân tạo cũng chẳng sai bởi chính bàn tay của những con người, những công nhân nông trường chè đã tạo nên những tuyệt tác đó như đồi chè hình chữ S, đồi chè hình trái tim trên đường đến Ngũ Động Bản Ôn


Đồi chè Mộc Châu

10. Hang ma suối Bàng

Du Lịch Mộc Châu cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên,Cách Hà Nội khoảng 180km đi theo hướng quốc lộ 6, Mộc Châu không những nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp mà còn có sức hấp dẫn từ những bí ẩn của hang quan tài treo lưng núi cao chót vót ở Suối Bàng


Hang ma suối Bàng

11. Đồn Mộc Châu

Đồn nằm trên đường đi Thác Dải Yếm và cửa khẩu Pa Háng (Lóng Sập) sang Lào. Từ quốc lộ 6 rẽ vào chỉ mất chừng gần 1km, đồn nằm bên tay trái. Giữa một khoảng sân rộng, tấm bia lịch sử Đồn Mộc Lỵ nằm trang trọng ghi lại chiến công oanh liệt của bộ đội ta.

tấm bia lịch sử Đồn Mộc Lỵ
Đồn Mộc Châu

ĂN GÌ? Ở ĐÂU?

Pa Pỉnh Tộp (Cá nướng gập)

Người Thái gọi món cá nướng là món Pa pỉnh tộp. Đây là món ăn cổ truyền, để chế biến được món cá pỉnh tộp thì bạn phải có đầy đủ gia vị đặc trưng như: mắc khén, gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng…Tiếp đến là chọn cá, cần chọn có chép, trắm hoặc trôi khoảng từ 2 – 4 lạng nhưng thường thì người dân địa phương chọn cá chép nuôi trong ao hoặc cá chép sông là ngon nhất, mổ dọc sống lưng để nguyên nội tạng, bỏ mật và nhồi vào bụng cá cùng các loại gia vị gập đôi lại, luồn đôi qua vòng miệng. Sau khi đã tẩm ướp gia vị ngấm đều ta cho cá vào híp (đoạn tre tươi vừa đủ để kẹp chặt cá, chẻ đôi hay chẻ ba) nướng trên than củi đã hồng, pa pỉnh tộp phải được nướng đều trên than hồng mới không bị ám khói mà vẫn giữ được hương vị tự nhiên của cá. Cá nướng đã vàng đều lan tỏa mùi thơm từ gia vị mùi cay cay của má khen mùi thơm của cá thưởng thức miếng thịt cá vàng rộm, thơm lừng với cơm xôi dẻo ta mới thấy hết cái vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt của các loại gia vị, cơm xôi mà ăn với pa pỉnh tộp của người Thái cũng được ví như cơm tám nấu niêu đất ăn với cá kho của người miền xuôi vậy.

Nậm Pịa

Đây là một món ăn rất lạ, nguyên liệu làm món ăn này là tiết bò hoặc tiết dê để đông, đuôi, dạ dày, cuống tim và không thể thiếu một thứ nước sền sệt từ bên trong ruột non của con bò, gọi nó là “pịa”.

Món nậm pịa được múc ra bát có màu nâu, nước sền sệt, ban đầu khi nếm thử ta sẽ thấy vị đắng và mùi hơi khó ngửi. Có nhiều người mới đầu khi trông thấy bát nậm pịa, ngửi thấy mùi đã không ăn được. Nhưng khi đã nếm đôi ba miếng, bỏ qua những cảm nhận ban đầu về mùi và vị, thì những miếng tiếp theo, ta sẽ cảm nhận được mùi thơm của mắc khén, một loại gia vị của núi rừng. Vừa ăn nậm pịa, vừa nhấm nháp chén rượu thơm, ta lại thấy miếng nậm pịa đắng nơi đầu lưỡi và ngọt nơi cuống lưỡi. Món nậm pịa tuy vậy nhưng lại rất an toàn cho những ai yếu bụng.

Cơm lam người Thái

Cơm lam là một món ăn đặc trưng của vùng Tây Bắc đặc biệt là dân tộc Thái, Cơm lam được chế biến rất đơn giản từ gạo nếp, theo phong tục của người Thái ngày xưa thì Cơm lam chỉ được làm sau khi thu hoạch xong vụ lúa mới đặc biệt là người ta thích nấu bằng gạo nếp nương, gạo nếp được ngâm ủ qua đêm cho vào từng ống tre mà bà con gọi là may khâu (Lam Pa Ngà), thêm nước vừa đủ và nút lại bằng lá chuối hoặc lá dong rồi đưa lên bếp củi đốt cho đến khi vỏ ống nứa cháy sém lan tỏa mùi thơm từ gạo, ống nứa không còn nước là chín.

Cháo Mắc nhung

Cháo mắc nhung – một món ăn được chế biến từ một thứ quả màu xanh cùng họ với cà chua nhưng chỉ bé bằng hạt đu đủ chín, có vị cay cay, đắng ngọt.

Sau mùa gặt, quả mắc nhung gieo vãi trên nương bắt đầu chín mọng, bà con hái đem về rửa sạch, thêm gừng xả, trộn với gạo tấm, tưới ít nước đủ chín, túm vào lá chuối buộc chặt vùi trong tro bếp nóng, hoặc đồ xôi, chỉ 30 phút sau sẽ có ngay một món ăn sền sệt, ngăm ngăm đắng, thơm cay là lạ đầy hấp dẫn và chấm với xôi rất hợp khẩu vị.

Nộm da trâu

Cũng như nhiều món nộm khác của người Thái, nộm da trâu cần gia giảm thêm nhiều gia vị và rau thơm như lạc, mùi ta, mùi tàu, chút hạt mắc khén đặc trưng.

Đặc biệt, cái làm nên thứ quyến rũ của nộm da trâu chính là vị chua của nước măng chua, chứ không phải của chanh hay giấm. Đó là vị chua thơm, thanh thanh. Nước măng chua muốn ngon phải ngâm bằng thứ măng củ tươi, nước suối và thêm những gia vị cần thiết. Măng cũng phải có thời gian để “ngấu” tiết ra thứ nước chua thanh mát mới đúng điệu để trộn món nộm này.

Xôi sắn

Xôi sắn là là món ăn quen thuộc của người Thái vùng Tây Bắc. Sắn bà con đào từ nương về bóc vỏ, rửa sạch rồi nạo thành từng sợi nhỏ trộn lẫn với gạo nếp cho vào chõ đồ lên.

Để xôi dẻo, nắm tay không dính, lâu thiu, bà con không dùng các loại chõ sành, chõ kim loại vì có nhược điểm thường gây ra “ướt xôi” không ngấm nước. Cái chõ này được làm bằng những khúc gỗ có đường kính nhỏ, gỗ mềm đem về cắt khúc, cưa rỗng giữa, tạo dáng đẹp như một đài hoa, thon nhỏ từ dưới lên trên, đáy chõ có hai thanh tre nhỏ để đặt tấm đan thưa đỡ gạo khi cho gạo vào chõ xôi. Phần chõ lại được đặt trên một cái ninh đồng, thay cho nồi. Dùng loại chõ gỗ có ưu điểm gỗ hút hơi nước lên, xôi chín dẻo, khô. Khi xôi chín bà con đổ xôi ra mâm, dàn mỏng dùng quạt, quạt cho xôi nguội nhanh. Rồi cho xôi vào các “giỏ” đan bằng mây có nắp đậy, có quai treo lên cột nhà. Đến bữa đem ra dùng hoặc đem đi làm nương ăn rất tiện. Thức ăn chỉ cần là gói muối ớt, hoặc con cá nướng.

Xoài trứng Yên Châu

Lần đầu tiên nhìn thấy, có thể bạn sẽ lặc đầu chê, xoài gì mà vừa bé vừa xấu. Ấy thế mà ai đã ăn một lần là sẽ nhớ vị thơm vị ngọt của nó. Xoài Yên Châu ngọt, thơm khác hẳn loại xoài ở các vùng khác. Khi chín xoài có mầu vàng, tỏa mùi thơm hấp dẫn, đến mức rửa tay rồi, hương thơm của xoài vẫn vấn vít, thoang thoảng. Cái ngọt của xoài Yên Châu cũng hơi khác, ngọt đậm nhưng lại thanh mát cho nên không có cảm giác khé cổ bởi ngọt quá.

Đặc biệt ngon là những quả xoài bản địa được trồng tại Sặp Vạt, Chiềng Pằn, Viêng Lán,……của vùng đất Yên Châu. Trọng lượng từ 200 – 250g, nhựa quả trắng, trong, nhựa cây dạng sữa đục ngà, vỏ quả xanh nhạt, có các đốm lấm tấm, hạt dẹt nhiều xơ.

Rượu chuối Yên Châu

Rượu chuối từ lâu đã nổi tiếng là đặc sản của vùng đất Yên Châu (tỉnh Sơn La) và được bà con nơi đây trưng cất theo phương pháp thủ công truyền thống. Để có được rượu chuối ngon thì trước tiên phải lựa chon loại chuối phải thật chín, thái mỏng rồi đem phơi nắng cho thật khô. Rượu ngâm phải dùng loại rượu cốt nguyên chất, cứ 1 kg chuối hột thì ngâm khoảng 2-2,5 lít rượu nguyên chất. Đồ ngâm rượu phải là dùng lọ thủy tinh, rửa sạch. Bỏ chuối vào,chuôi chiếm 1/3 lọ, rượu chiếm 2/3 lọ rồi đậy nắp kỹ, ngâm 100 ngày sau là sử dụng được.

Tỏi tía Phù Yên

Tỏi cô đơn là một loại tỏi quí được trồng trên đất Phù Yên- Sơn La. Tỏi này có mùi vị và công dụng rất đặc biệt. Ngoài việc dùng để ăn Tỏi cô đơn còn dùng ngâm rượu để trong nhà làm thuốc gia truyền chữa và phòng ngừa được nhiều bệnh. Tỏi nổi tiếng nhất được trồng là ở xã Gia Phù, huyện Phù Yên.

Chè Tà Xùa

Chè Shan tuyết Tà Xùa có búp màu trắng, cánh vàng, lá to được bà con lại chăm bón tự nhiên, không sử dụng hóa chất, việc thu hái, sao chế tuân thủ đúng theo kinh nghiệm cha ông để lại nên chè khi uống có vị thơm, ngọt thanh, mát dịu. Màu nước chè từ khi pha tới vài nước sau vẫn giữ được nguyên màu xanh lơ đỏ. Khi uống chè, cảm giác đầu tiên là vị đắng chát, sau đó dần chuyển sang ngọt, hương vị chè thơm đặc biệt khác lạ so với các dòng chè khác.

Bánh Dày người Mông ở Hồng Ngài

Nếp mới sau khi được đồ chín thì đượm nồng ngọt ngào vì ngấm cái nắng, cái gió vùng cao. Xôi nếp được đổ vào chiếc cối to làm bằng nửa thân cây gỗ. Công việc giã bánh dầy là khá nặng nhọc, phải do những người đàn ông khoẻ mạnh đảm nhiệm. Theo nhịp chày hạ xuống, xôi nếp trong cối quện quánh, tan vào nhau.

Tiếp đó là công việc của những người phụ nữ. Từng vắt bánh nóng hổi tròn trịa dần dưới bàn tay các mẹ các chị. Năm nào thời tiết khắc nghiệt, mùa màng kém, bánh dầy hơi đen và không dẻo. Năm nào mưa thuận gió hòa, bánh ngon và giã quánh, đỡ vất vả hơn. 6 cặp bánh đầu tiên được gói nhanh, gói đẹp để dâng lên trời đất và vị thần mùa màng của dân bản. 6 cặp bánh gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Những chiếc bánh còn lại xếp vào một hộp gỗ pơ mu đậy kín lại để ăn.

Khi ăn, bà con nướng bánh trên than củi. Bánh dẻo, thơm mùi nếp quện với mùi thơm gỗ, vị ngọt của nếp nương thật quyến rũ.

Ốc đá Suối Bàng Mộc Châu

Ốc đá ở Suối Bàng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt. Những tháng còn lại chúng vùi mình trong những lớp lá dày hoặc nằm im dưới đất.

Về đến nhà, những con ốc được rửa sạch và đưa lên bếp luộc.  Con ốc khều ra quệt qua tí nước chấm bỏ vào miệng thấy cay cay đầu lưỡi, ốc chạm vào răng lại thấy dòn dòn, vị ngọt mát lan dần xuống cuống họng. Cái ngon ngọt, mát dòn của ốc đá là thế, không tanh nhưng có vị hăng, thơm của lá rừng. Ăn ốc đá nên nhai chậm và kỹ mới thấm được vị mát lành, vị thơm độc đáo. Và cũng chỉ ăn theo kiểu thưởng thức, không nên vì ngon, lạ mà háo hức “ăn lấy no” như nhiều món khác.

Bê chao Mộc Châu

Bê phải chao trên lửa to để thịt không ngấm mỡ. Lửa to thì dầu phải ngập miếng thịt để tránh “sống trong, chín ngoài. Mùi thơm lựng của thịt, mùi cay nồng của gừng, sả tỏa lan “điếc mũi”. Độ chín của gừng, sả ướp cùng thịt bê cũng là một yếu tố để đánh giá tay nghề đầu bếp. Bê chín, gừng, sả cũng vừa vàng ươm, thơm nức mà không khét, cháy.

Bê chao phải ăn nóng. Trút ra đĩa, mỡ vẫn còn riu riu sôi trên những miếng thịt. Chấm thịt ấy vào bát tương sánh vàng, điểm thêm chút gừng bằm nhỏ. Thịt vàng hườm, mềm và ngọt khó tả. Phần bì phồng lên lấm tấm trắng, khẽ cắn vào thì thấy giòn, nhưng nhai kỹ vẫn có một chút dai vương vấn.  Thi thoảng lại có thêm những lát gừng mỏng, vàng ruộm, không cay xè mà thơm đến ứa nước miếng.

Dưa Mèo Sơn La

Dưa mèo là giống dưa chuột địa phương quả to do bà con dân tộc người H’Mông thuộc các tỉnh vùng cao Tây Bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên…gây trồng và giữ giống từ lâu đời. Tại Sơn La, loại dưa này do bà con người Mông ở xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu trồng xen trong các nương ngô, nương lúa vừa để lấy rau ăn, vừa đem bán cho khách du lịch ven quốc lộ hoặc các khách sạn, nhà hàng để tăng thêm nguồn thu. Thường trồng vào đầu mùa mưa, tháng 2-3 để thu hoạch cùng với ngô tháng 6-7, mỗi cây dưa mèo cho 2-3 quả, mỗi sào thường cho sản lượng 200-300 kg.

Khoai sọ Mán Mộc Châu

Gọi là Khoai sọ mán bởi nó được người Dao trồng, và cũng chỉ có mảnh đất có người Dao sống loại củ này mới ngon. Khoai sọ mán có nguồn gốc, hình thù, màu sắc không giống các loại khoai khác.Có khi đó là nét làm nên sự đặc sắc. Theo nhiều người thì có mua khoai về trồng cũng không có củ, chỉ người Dao Mộc Châu trồng mới được, và cũng chỉ người Dao một số nơi như: Chiềng Sại, Chiềng Chung… trồng mới năng suất. Chả biết phải thế không mà đi nhiều nơi, nhìn thấy và ăn nhiều loại khoai sọ, chẳng đâu thấy khoai sọ mán giống ở Mộc Châu. Nó không tròn, nhỏ như khoai bon, không có màu tim tím tròn trĩnh như khoai môn. Khoai sọ mán liệt vào loại củ dị dạng được. Nó chẳng có hình thù nào mà gọi tên. Các mầm củ cứ đẻ ra lộn xộn thành những u, những mấu và to dần lên.

Mang gì khi tới Sơn La?

- Bất kỳ quần áo, giày dép bạn thích.
- Mang áo khoác, khăn choàng đề phòng cái lạnh ban đêm và sáng sớm
- Mang theo dụng cụ đi nắng nếu đến vào mùa nắng và dụng cụ đi mưa nếu đến vào mùa mưa.
- Mang kem chống nắng, kem chống côn trùng, thuốc trị côn trùng.
- Mang theo thuốc trị các bệnh cơ bản, nhất là thuốc trị đau bụng.
- Mang theo passport nếu muốn đi thăm cửa khẩu
- Mang theo lều, áo khoác, chăn mỏng, nồi đa dụng nếu có ý định cắm trại. 

Các cung đường thường gặp

Hà Nội - Sơn La - Điện Biên - Yên Bái - Lai Châu
Hà Nội - Sơn La - Phú Thọ - Hòa Bình
Hà Nội - Sơn La - Lào 

KHÁCH SẠN Ở SƠN LA

 

 

Liên hệ đặt tour: 0903 662 420

Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.

 

Xem thêm Tư vấn du lịch Mộc Châu

 

Bài viết nổi bật về Mộc Châu

 

Top khách sạn nổi bật ở Mộc Châu (71)

Thao Nguyen Resort
Thao Nguyen Resort
Mộc Châu
9.5 Tuyệt vời
Moc Chau Cottage homestay
Moc Chau Cottage homestay
Mộc Châu
9.1 Tuyệt vời
Retreat Home Bản Dọi Mộc Châu
Retreat Home Bản Dọi Mộc Châu
Mộc Châu
9.6 Tuyệt vời
Lacasa home&coffee Mộc Châu
Lacasa home&coffee Mộc Châu
Mộc Châu
9.1 Tuyệt vời
Vườn An nhiên Mộc Châu
Vườn An nhiên Mộc Châu
Mộc Châu
9.5 Tuyệt vời
Hillside House Mộc Châu
Hillside House Mộc Châu
Mộc Châu
9.2 Tuyệt vời
 

Điểm du lịch liên quan

Mộc Châu

Mộc Châu

Mộc Châu, Sơn La, Việt Nam
Thác Dải Yếm

Thác Dải Yếm

Mường Sang, Mộc Châu, Sơn La
Rừng thông bản Áng

Rừng thông bản Áng

Xã Đông Sang, Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Đồn Mộc Ly

Đồn Mộc Ly

20 Tháng 11, TT. Mộc Châu, Mộc Châu, Sơn La